Virginia: Nghị quyết vinh danh giúp học viên Pháp Luân Công tìm được sự khuây khỏa trong tâm hồn
QUẬN FAIRFAX, Virginia — Trong hành lang của Tòa nhà Lập pháp tiểu bang Virginia, bà Vương Xuân Ngạn (Wang Chunyan), một người tị nạn Trung Quốc 67 tuổi, đã bật khóc nức nở trong vòng tay Dân biểu Kaye Kory (Dân Chủ-Fairfax) của tiểu bang Virginia. Trước đó không lâu, vị dân biểu này đã giới thiệu và vinh danh bà Vương tại Hạ viện. Bà cũng bảo trợ cho bà Vương một nghị quyết vinh danh được thông qua chỉ hai ngày trước đó, hôm 21/02/2023.
Gọi bà Vương là “một người ủng hộ can đảm trong việc phơi bày sự chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” nghị quyết này ca ngợi bà vì những đóng góp của bà cho Virginia và “những nỗ lực của bà nhằm thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo cũng như khuyến khích nhiều người hơn trong Khối thịnh vượng chung cùng chung tay giúp đỡ duy trì các quyền tự do hiện tại của chúng ta.”
Là một người điềm tĩnh và tự chủ, bà Vương hiếm khi bộc lộ cảm xúc của mình trước công chúng. Nhưng lần này thì khác.
Bà nghĩ đến các học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc, trong đó có 20 người bạn của bà, những người đã thiệt mạng vì không từ bỏ đức tin của mình. “Tôi cảm thấy như mình đang nhận sự vinh danh này thay cho họ,” bà Vương nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng bà xem nghị quyết này như một niềm an ủi đối với những người đã khuất và là sự chứng thực cho các giá trị cốt lõi của Pháp Luân Công — chân, thiện, và nhẫn — những giá trị đã bị tấn công ở Trung Quốc trong hơn hai thập niên qua.
“Tim tôi nhỏ lệ,” bà Vương tâm sự với The Epoch Times. Sự chứng thực này có ý nghĩa rất lớn đối với bà. Bà đã sử dụng một câu thành ngữ Trung Quốc để mô tả cảm xúc của mình: “Tôi đã kinh qua những cảm xúc chưa từng có trong đời như thể ai đó đổ một chai ngũ vị hương vào trái tim tôi.” Ngũ vị trong thành ngữ này chỉ cách người Trung Quốc tóm tắt các vị trong cuộc sống: cảm giác chua, ngọt, đắng, cay, và mặn.
“Hành trình của chúng tôi rất gian nan,” bà chia sẻ, đề cập đến hàng thập niên phản kháng ôn hòa trước cuộc bức hại trên toàn quốc mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đương thời Giang Trạch Dân đã phát động nhắm vào môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công từ tháng 07/1999. Khi bắt đầu chiến dịch này, ông Giang đã dốc hết tâm lực, bỏ ra nhiều công sức đến nỗi ông ta cho rằng Pháp Luân Công không thể tồn tại quá ba ngày. Tuy nhiên, Pháp Luân Công đã không biến mất ở Trung Quốc, ngay cả hơn 20 năm sau, sau khi ông ta đã qua đời vào tháng 11/2022.
Bà Vương là một trong những học viên Pháp Luân Công có cuộc sống bị đảo lộn vì sự kiện này; số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 100 triệu người trước cuộc đàn áp. Kể từ năm 1999, bà đã mất đi người chồng mà bà đã chung sống 21 năm cũng như số tiền tiết kiệm cả đời của mình vì cuộc bức hại.
Trong phiên họp tại Hạ viện ngày 23/02, bà Kory đã giới thiệu bà Vương là “một người sống sót qua các trại nô lệ ở Trung Quốc cộng sản” và là “một tấm gương về một người sống sót rất kiên cường với ý chí giúp đỡ những người khác — và không chỉ là một tấm gương về phương diện đó, mà còn là một tấm gương về nhân cách mà tất cả chúng ta đều có thể học tập để trở thành.” Chủ tịch Hạ viện Virginia Todd Gilbert cảm ơn sự tham dự của bà Vương và nói thêm: “Nếu bất kỳ ai trong số quý vị thắc mắc tại sao chúng tôi lại phản đối Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở cấp lập pháp tiểu bang, thì đây là một ví dụ tuyệt vời.”
‘Sức mạnh thầm lặng’
Mười sáu năm trước ở Trung Quốc, cảnh sát tại một trại giam đã nói với bà Vương rằng bà có thể bỏ mạng trong tù nếu bà kiên định vào đức tin của mình, bà Vương kể lại với The Epoch Times. Bà đáp lại bằng một nụ cười: “Không sao đâu. Tôi sẽ coi đó là một sự thay đổi trong lối sống.” Trước phiên tòa, bà lại được nhắc rằng bà có thể giữ được tất cả tài sản của mình nếu bà ký giấy từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Bà Vương từ chối; kết quả là bà đã bị kết án 5 năm tù vào tháng 08/2007.
Bà cho biết không phải là bà không cảm thấy sợ hãi. Ký ức về việc là một tù nhân lương tâm không phải là quá khứ xa vời; bà đã phải chịu đựng cảnh ngục tù từ năm 2002 đến năm 2004. Mỗi ngày, bà đều không biết liệu mình có thể sống sót qua ngày tiếp theo hay không.
Trong tháng đầu tiên bị giam giữ tại Trại giam Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, thuộc vùng đông bắc Trung Quốc hồi năm 2002, ba tù nhân đã thay phiên nhau tra tấn bà bằng một cây dùi cui dài 3 foot (khoảng 9 tấc, hay xấp xỉ 91 cm) làm bằng hai thanh sắt có đường kính khoảng 2.5 cm xoắn lại với nhau. Việc tra tấn kéo dài khoảng ba giờ đồng hồ cho đến khi bà vùng chạy đi vì không chịu được nữa và đập đầu vào tường trong tuyệt vọng. Lưng bà đầm đìa máu sau phiên tra tấn này. Trong hai năm ở Nhà tù nữ Liêu Ninh, bà đã làm đồ trang trí Giáng Sinh và áo khoác để xuất cảng.
Cũng tại nhà tù này hồi năm 2008, bà từ chối lao động cưỡng bức và bị biệt giam, nơi bà lên cơn đau tim và bất tỉnh trong nhiều giờ. Tháng 06/2012, hai tháng trước khi thời hạn tù của bà kết thúc, một giảng viên từ một trung tâm tẩy não địa phương đã đến thăm bà Vương. Ông ta nói rằng ông ta sẽ đợi bà vào ngày bà được trả tự do và đưa thẳng bà đến lớp tẩy não của ông ta.
“Tôi đã mấy lần suýt mất mạng trong tù và sẽ sớm được thả. Tuy nhiên, họ vẫn muốn hủy hoại tôi cả về tinh thần lẫn thể xác. Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và lại lên cơn đau tim,” bà Vương nhớ lại. “Tôi không nói được lời nào nhưng không thể kìm được nước mắt. Giảng viên ấy nhìn thấy điều đó và lập tức bỏ đi.” Sau khi được trả tự do vào ngày 15/08/2012, bà bắt đầu tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Hồi tháng 05/2013, bà đã thoát được sang Thái Lan. Vào ngày đầu tiên đến đất Thái Lan, bà đã nộp đơn xin tư cách tị nạn của Liên Hiệp Quốc.
Nhờ đó, bà đã vượt qua cuộc bức hại ở Trung Quốc mà không từ bỏ đức tin của mình.
Sau khi đến Hoa Kỳ với tư cách là người tị nạn của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/2015, bà đã tiếp tục cuộc sống của mình cũng với ý chí như vậy. Các sự kiện công khai đầu tiên mà bà tham gia là một diễn đàn diễn ra một tháng sau đó và một sự kiện khác vào tháng Năm năm sau tại các tòa nhà Quốc hội ở Hoa Thịnh Đốn, phơi bày sự bạo tàn của ĐCSTQ. Sau đó, bà tham gia nhiều sự kiện kêu gọi trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ có người nhà sống ở khu vực Thủ đô.
Từ cuối năm 2020 đến năm 2021, nữ doanh nhân đã về hưu này và những người bạn của bà đã thu thập được hơn 5,000 chữ ký ủng hộ các nghị quyết địa phương tại hơn 20 quận của Virginia, lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Những nghị quyết địa phương này đã giúp một nghị quyết của Hạ viện Virginia được đồng thuận thông qua về cùng một vấn đề vào năm ngoái. Bà Kory là người ủng hộ chính cho nghị quyết này.
Nói về khoảnh khắc xúc động khi bà ôm chầm lấy bà Vương, bà Kory nói với The Epoch Times: “Tôi bất ngờ nhưng cũng rất vinh dự khi bà ấy sẵn lòng chân thành với tôi như vậy. Và tôi biết bà ấy đã trải qua rất nhiều biến cố. Và những giọt nước mắt của bà ấy vừa là nỗi đau vừa là niềm vui.”
Bà Kory cho biết bà nghĩ đến “sức mạnh thầm lặng” khi nghĩ về bà Vương: “Tôi nghĩ bà ấy chủ yếu giữ nỗi đau cho riêng mình. Và lý do mà bà ấy đến với Cơ quan Lập pháp là để ủng hộ những lý tưởng mà bà ấy ủng hộ chứ không phải để nói về bản thân mình. Đó là ý của tôi khi nói đến sự thầm lặng.”
Bà nói thêm: “Sự kiên trì tương đối không vì bản thân đó thực sự rất ấn tượng.”
Bà Vương nhớ lại việc thu thập những chữ ký đó tại các trung tâm mua sắm trên khắp Virginia vào mùa hè năm 2021: “Tôi không thể thấy rõ con đường phía trước cũng như những bước tiếp theo của mình. Tôi chỉ nghĩ rằng ít nhất thì tôi có thể nói cho mọi người về sự thật của cuộc bức hại này, điều mà rất khó có được ở Trung Quốc. Nhìn lại quá khứ, con đường của tôi giờ đây đã trở nên rõ ràng hơn. Vì vậy, [việc nhận được nghị quyết vinh danh này], theo một cách nào đó, là sự khuây khỏa đối với tôi.”
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times