Việt Nam tối 30/11: Gần 14,000 ca nhiễm, một phụ nữ ở Đắk Lắk tử vong sau khi chích liều 2 vaccine Trung Quốc
Việt Nam ngày 30/11 ghi nhận gần 14,000 ca nhiễm mới, trong đó có hơn 7,500 ca cộng đồng. Trong ngày ghi nhận 197 ca tử vong, hơn 14,600 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Gần 14,000 ca nhiễm mới tại 62 tỉnh/thành, hơn 7,500 ca cộng đồng
Tối 30/11, Bộ Y tế thông báo về 13,972 ca nhiễm mới gồm 6 ca nhập cảnh và 13,966 ca ghi nhận tại 62 tỉnh/thành, trong đó có 7,549 ca cộng đồng.
Có 11 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Sài Gòn (1,497), Cần Thơ (981), Bà Rịa – Vũng Tàu (860), Tây Ninh (727), Sóc Trăng (714), Bình Dương (626), Đồng Tháp (602), Bình Thuận (592), Vĩnh Long (571), Bạc Liêu (537), Đồng Nai (514).
So với ngày 29/11, số ca nhiễm tại Việt Nam ngày 30/11 tăng 208 ca, trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 212 ca, Tiền Giang tăng 150 ca, Sóc Trăng tăng 126 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,238,082 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,232,852 ca. Có 989,348 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 30/11, Việt Nam có 14,624 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 197 ca tử vong tại 18 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn (76), Bình Dương (22), Cần Thơ (18)…, nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 25,252 ca. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5,788 ca, với 5,015 ca thở oxy, 773 ca thở máy và ECMO.
Hà Nội lập đỉnh mới với 468 ca nhiễm, cho F0 nhẹ điều trị tại nhà
Ngày 30/11, Hà Nội ghi nhận thêm 468 ca nhiễm mới, trong đó có đến 274 ca cộng đồng. Đây là ngày thành phố ghi nhận số ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay.
Các ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày phân bố tại 28 quận/huyện, tập trung nhiều nhất tại Đông Anh (51); Mê Linh (44); Bắc Từ Liêm (41); Quốc Oai (39); Đống Đa (38); Nam Từ Liêm (27); Hoài Đức (25); Gia Lâm (23); Chương Mỹ, Hà Đông (21)…
274 ca cộng đồng được xác định tại 25/30 quận huyện, trong đó tập trung tại Đông Anh (45), Bắc Từ Liêm (31), Mê Linh (30), Hoài Đức (21).
Trong ngày, Hà Nội cho phép điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà. Với việc cách ly F1, hơn 10 ngày trước thành phố áp dụng ở 26 quận, huyện, thị xã. Bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng chưa áp dụng.
Một phụ nữ ở Đắk Lắk tử vong sau khi chích liều 2 vaccine Trung Quốc
Tối 30/11, CDC tỉnh Đắk Lắk cho biết, chị H.N.B. (41 tuổi, là công nhân xây dựng) được xác định đã tử vong sau khi chích liều 2 vaccine Vero cell, hiện chưa xác định được nguyên nhân.
Trước đó, chiều 29/11, chị B. đến điểm chích ngừa tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, phường Tân Lập, Tp Buôn Ma Thuột để chích liều 2 vaccine Vero cell do Trung Quốc sản xuất.
Sau khi chích và được theo dõi tại chỗ 30 phút, chị B. không có biểu hiện bất thường, được cho về theo dõi sức khỏe tại nhà. Rạng sáng 30/11, một người ở cùng chỗ làm phát hiện chị này có dấu hiệu hôn mê, ngưng thở và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên để cấp cứu.
Tại đây, chị B. hôn mê, tím tái, da lạnh, ngưng tim, ngưng thở, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, đồng tử giãn tối đa, phản xạ ánh sáng âm tính. Các bác sĩ chẩn đoán, chị tử vong ngoài viện và chưa rõ nguyên nhân.
Chị B. có tiền sử bệnh sỏi thận. Trước đó chị B. đã chích liều 1 vaccine cùng loại.
Tăng hạn dùng lên 9 tháng với 2 lô vaccine Pfizer
Bộ Y tế vừa tăng hạn dùng thêm 3 tháng đối với 2 lô vaccine Pfizer có hạn dùng ghi trên nhãn 6 tháng, ở điều kiện bảo quản âm 90 đến âm 60 độ C.
Hạn dùng mới này áp dụng cho lô vaccine Pfizer số 124001 và 123002. Hai lô này đã được phân bổ cho các tỉnh/thành vào ngày 25/11, để chích cho trẻ từ 12-17 tuổi. Như vậy, hạn sử dụng của hai lô vaccine này là 9 tháng.
Theo Giấy chứng nhận xuất xưởng vaccine, hai lô này có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là ngày 30/11. Còn theo xác nhận bằng văn bản của Pfizer Việt Nam vào ngày 29/11, hạn dùng của hai lô vaccine này là ngày 28/2/2022. Vì vậy, Các tỉnh và các đơn vị chích ngừa được yêu cầu áp dụng hạn dùng ngày 28/2/2022 đối với 2 lô vaccine trên.
Chiều 30/11, bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc tăng hạn sử dụng vaccine Pfizer lên 3 tháng là theo quy định chung của nhà sản xuất và các cơ quan FDA, EMA, được áp dụng trên toàn cầu.
Theo bà Hồng, việc tăng thời hạn sử dụng không ảnh hưởng đến chất lượng của vaccine. Đặc biệt vaccine về Việt Nam, đều được phân bổ và chích ngay, không có dư thừa. Đại diện Công ty Pfizer Việt Nam hiện chưa có phản hồi.
IVAC dừng thử nghiệm giai đoạn 3 với vaccine Covivac
Chiều 30/11, đại diện Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), đơn vị nghiên cứu và phát triển vaccine Covivac cho biết, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba sẽ tạm dừng, do khó khăn trong việc tuyển tình nguyện viên đủ điều kiện.
Theo kế hoạch đã được chấp thuận trước đó, nghiên cứu vaccine Covivac giai đoạn 3 dự kiến cần 4,000 người tình nguyện thử nghiệm.
Với việc tạm dừng này, hiện IVC chưa có kế hoạch về thời gian tiếp tục nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3. Đơn vị này choa hay, đang tìm các phương án khác, trong đó có phương án nghiên cứu liều vaccine tăng cường để sử trong tương lai.
Covivac là vaccine COVID-19 do IVAC nghiên cứu và phát triển từ tháng 5/2020. Đây là vaccine COVID-19 thứ hai của Việt Nam thử nghiệm trên người.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm