Việt Nam tối 3/12: Hơn 13,000 ca nhiễm mới, sức khỏe của 26 trẻ phản vệ nặng sau chích vaccine ở Thanh Hóa
Việt Nam ngày 3/12 ghi nhận hơn 13,000 ca nhiễm mới, trong đó có hơn 8,600 ca cộng đồng. Trong ngày ghi nhận 200 ca tử vong, hơn 1,000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hơn 13,000 ca nhiễm mới, hơn một nửa là F0 cộng đồng
Tối 3/12, Bộ Y tế thông báo về 13,670 ca nhiễm mới gồm 9 ca nhập cảnh và 13,661 ca ghi nhận tại 59 tỉnh/thành, trong đó có 8,628 ca cộng đồng.
Có 10 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Sài Gòn (1,311), Cần Thơ (982), Hà Nội (791), Sóc Trăng (791), Tây Ninh (779), Đồng Tháp (608), Bình Thuận (581), Bến Tre (571), Vĩnh Long (564), Bà Rịa – Vũng Tàu (560).
So với ngày 2/12, số ca nhiễm tại Việt Nam ngày 3/12 giảm 16 ca, trong đó, Sài Gòn giảm 427 ca, Bạc Liêu giảm 158 ca, Bình Dương giảm 112 ca, Hà Nội tăng 292 ca, Hải Phòng tăng 161 ca, Đắk Lắk tăng 113 ca.
Trong ngày, có 1,149 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 200 ca tử vong tại 22 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn (68), Đồng Nai (22), An Giang (16), nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 25,858 ca.
Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,449 ca, với 5,585 ca thở oxy, 864 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,280,780 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,275,518 ca. Tổng đã có hơn 1 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hà Nội thêm 542 ca nhiễm, hơn 160 F0 cộng đồng
Tối 3/12, Hà Nội ghi nhận thêm 542 ca nhiễm mới, trong đó có 161 ca cộng đồng. Đây tiếp tục là ngày thành phố ghi nhận số ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay.
Các ca nhiễm mới ghi nhận tại 25 quận, huyện, trong đó phân bố nhiều nhất tại Hai Bà Trưng (81), Hoàn Kiếm, Hoàng Mai (59), Đống Đa (54), Mê Linh (49), Đông Anh (38), Ba Đình (27), Gia Lâm (24)…
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 12,117 ca, trong đó, số F0 cộng đồng là 4,833 ca.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương lên 25 ca nhiễm
Đến tối ngày 3/12, số ca nhiễm mà Bệnh viện Phụ sản Trung ương ghi nhận được đã lên 25 ca, gồm nữ bác sĩ nội trú và 24 bệnh nhân.
PGS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện cho biết, tất cả F0 đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Cơ sở điều trị COVID-19 tại Hoàng Mai của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tòa nhà BC gồm 11 tầng đã bị phong tỏa, hơn 2,000 người được lấy mẫu xét nghiệm.
Ngoài ra, có 260 người đã được xác định là có liên quan, trong đó 87 F1, gồm 39 nhân viên y tế đang ở viện và 10 nhân viên đang ở nhà.
Trong 3 ngày qua (từ 1-3/12), tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà trong tòa BC ở lại, thực hiện 4 tại chỗ. Tất cả nhân viên đã xét nghiệm âm tính lần một. Dự kiến trưa mai (4/12), bệnh viện sẽ lấy mẫu xét nghiệm lần hai cho toàn bộ bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế tại tòa nhà này.
Các hoạt động khám chữa bệnh khác của Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn diễn ra bình thường.
Thanh Hóa thông tin về sức khỏe của 26 trẻ phản vệ nặng sau chích vaccine
Ngày 3/12, ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc CDC Thanh Hóa cho biết, tính đến 17h chiều 2/12, trong hơn 83,000 liều vaccine đã chích cho trẻ 15-17 tuổi, có 895 trường hợp có phản ứng thông thường sau chích và 26 trường hợp bị phản vệ độ 1, 2.
Theo ông Trương, hiện sức khỏe của 26 em đã ổn định và tiếp tục được theo dõi tại các cơ sở y tế.
Trước thông tin tỉnh này dừng chích với lô vaccine trên, Giám đốc CDC khẳng định, việc chích vaccine cho trẻ trong độ tuổi này vẫn diễn ra bình thường bằng việc sử dụng lô khác cùng loại Pfizer. Số vacine bị ngừng này sẽ lưu kho, sau đó có thể dùng cho người lớn hoặc nhóm tuổi khác.
Tuần trước, Thanh Hóa đã xảy ra sự cố tai biến sau chích vaccine Vero Cell cho người lớn. Theo đó, hơn 70 công nhân nữ Công ty Giày Kim Việt, huyện Nông Cống bị “phản ứng quá mức” sau chích, phải nhập viện cấp cứu, 4 người sau đó tử vong. Nguyên nhân sự cố đang được xác định.
Cục Hàng không kiến nghị không bay từ 10 nước châu Phi
Ngày 3/12, Cục Hàng không Việt Nam gửi kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải về việc cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ, từ 10 quốc gia châu Phi gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia.
Bên cạnh đó, Cục này đề nghị cấm nhập cảnh đối với hành khách có lịch sử đi qua 10 quốc gia này trong 30 ngày trước khi vào Việt Nam.
Cục Hàng không cho hay, theo khuyến cáo ngày 30/11 của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), cho đến khi có thông tin khoa học chi tiết hơn về biến chủng Omicron, các quốc gia tiếp tục kiểm soát và giảm sự lây lan của COVID-19 bằng cách sử dụng các khuyến nghị có trong tài liệu hướng dẫn của ICAO.
Hải Phòng dừng cấp phép nhập cảnh với thuyền viên 7 nước
Để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron, mới đây, Tp Hải Phòng yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát tàu, thuyền viên từ 7 quốc gia gồm: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique.
Hải Phòng dừng cấp phép nhập cảnh lên bờ đối với các thuyền viên đến từ 7 quốc gia này.
Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu các quận, huyện xây dựng phương án điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Trước mắt thí điểm tại 4 xã gồm Tiên Thắng, Vinh Quang, Toàn Thắng, Tiên Minh (huyện Tiên Lãng) và 2 phường Thượng Lý, Sở Dầu (quận Hồng Bàng).
Những ngày qua, Hải Phòng xuất hiện nhiều cụm dịch phức tạp, số lượng F0 ngày càng tăng. Từ 18h ngày 2/12 đến 18h ngày 3/12, thành phố ghi nhận 198 ca nhiễm mới, tăng 161 ca so với hôm trước.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm