Việt Nam tiêu thụ gần 60 tấn vàng trong năm 2022
Mới đây, trong báo cáo xu hướng nhu cầu vàng, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, Việt Nam tiêu thụ tổng cộng gần 60 tấn vàng trong năm 2022.
Cụ thể theo WGC, tại Việt Nam, với loại vàng miếng, vàng thỏi và xu, nhu cầu mua trong năm 2022 đạt 41 tấn, tăng 32% so với năm trước.
Với vàng trang sức, nhu cầu mua từ người dân cũng tăng mạnh. Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ vàng trang sức với 18 tấn trong năm 2022, đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm qua.
Tính chung các loại vàng trên thị trường Việt, tổng lượng tiêu thụ trong năm 2022 là 59 tấn, cao hơn so với năm 2021 là 16 tấn.
Nhu cầu vàng tăng cao trong quý IV/2022
WGC cho biết, riêng trong 3 tháng cuối năm (quý IV/2022), nhu cầu vàng tại Việt Nam đạt 13.5 tấn, tăng 58% so với mức 8.5 tấn ghi nhận vào cùng thời kỳ năm 2021.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ được ghi nhận ở cả vàng miếng và vàng trang sức. Trong đó, nhu cầu vàng miếng đạt 9 tấn (tăng 48%), vàng trang sức đạt 4.5 tấn (tăng hơn 80% so với cùng thời kỳ năm trước).
Nhu cầu tiêu thụ vàng trên thế giới
Trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng trong năm 2022 (trừ thị trường OTC) đạt 4,741 tấn, tăng gần 18% so với năm 2021. Đây là mức tiêu thụ cao nhất kể từ năm 2011. Riêng trong quý IV/2022, tiêu thụ vàng toàn thị trường đạt 1,337 tấn.
Tổng nguồn cung năm 2022 đạt 4,755 tấn, tăng 2% so với năm 2021, và vẫn cao hơn mức trước đại dịch.
Trước đó, kể từ năm 2008-2009 khi khủng hoảng tài chính nổ ra, các ngân hàng Âu Châu ngừng bán vàng. Sau đó ngày càng có nhiều nền kinh tế như Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ thu mua vàng.
Trong một thập kỷ qua, lượng vàng mà Nga nắm giữ đã tăng hơn gấp đôi, lên 2,298 tấn. Tiếp đến là Trung Quốc với mức tăng khoảng 950 tấn.
Trong 2 tháng cuối năm 2022, Trung Quốc đã mua vào 62 tấn vàng, và năm 2022 cũng là năm đầu tiên trong vòng 3 năm, nền kinh tế thứ hai thế giới ghi nhận mức dự trữ vàng tăng lên.
Một số ngân hàng khác mua nhiều vàng là Thổ Nhĩ Kỳ (148 tấn), Qatar (35 tấn), Uzbekistan (34 tấn) và Ấn Độ (33 tấn).
Yếu tố khiến nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam tăng cao
Theo WGC, một trong những lý do thúc đẩy nhu cầu mua vàng của các nhà đầu tư là do lạm phát gia tăng, tỉ giá đi lên, thị trường chứng khoán kém hiệu quả, nhiều rủi ro phát sinh của trái phiếu doanh nghiệp.
Với vàng trang sức, nhu cầu được kích thích do thu nhập của người dân tăng, giá vàng trang sức lại không tăng quá mạnh.
Trong quý IV, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu bao gồm sự giảm nhẹ của giá vàng nội địa, mức thu nhập ở một số ngành nghề tăng trở lại và niềm tin của người tiêu dùng về tăng trưởng kinh tế được củng cố.
Giá vàng tại Việt Nam sáng 02/02/2023
Sáng 02/02/2023 tại Việt Nam, giá vàng SJC được giao dịch quanh mức 66.8-67.6 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng 300,000 đồng/lượng so với cùng thời điểm phiên trước (01/02).
Trong khi đó, giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại ổn định, giao dịch quanh 54.5-55.6 triệu đồng/lượng (mua-bán). Biên độ mua bán được thu hẹp, về 800,000 đồng/lượng với vàng SJC và về 1.1 triệu đồng/lượng với các loại còn lại.
Với biên độ chênh cao như hiện tại, các chuyên gia cho rằng rất khó để nhà đầu tư có cơ hội ‘lướt sóng’.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi (khoảng 55.36 triệu đồng/lương chưa tính thuế và phí) đang thấp hơn giá vàng SJC khoảng 12.04 triệu đồng/lượng.
Trong năm 2022, giá vàng SJC thường xuyên cao hơn từ 15-18 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Băng Băng tổng hợp