Việt Nam tăng tốc phục hồi kinh tế, vượt qua thành phố xuất cảng hàng đầu Trung Quốc
Là một trong những nền kinh tế phục hồi nhanh nhất trong đại dịch, tăng trưởng xuất cảng của Việt Nam vượt qua Thâm Quyến trong năm thứ ba liên tiếp, sau khi vượt qua lần đầu tiên vào năm 2020.
Theo số liệu công bố ngày 08/04 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng giá trị xuất cảng của cả nước trong quý đầu tiên của năm 2022 đạt 88.58 tỷ USD, tăng 12.9%, cho thấy xu hướng tăng xuất cảng của Việt Nam.
Việt Nam đã vượt qua thành phố mạnh nhất về xuất cảng của Trung Quốc là Thâm Quyến tới 30%. Trong quý đầu tiên của năm 2022, xuất cảng của Thâm Quyến giảm xuống 407.66 tỷ nhân dân tệ (61.68 tỷ USD), giảm 2.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc.
Thâm Quyến là một trong những thành phố giàu nhất Trung Quốc với xuất cảng đứng đầu tất cả các thành phố của Trung Quốc trong nhiều thập niên.
Trong tháng Ba, xuất cảng của Việt Nam đạt 34.71 tỷ USD, tăng 48.2% so với một năm trước đó và tăng 48% so với Thâm Quyến, nơi xuất cảng khoảng 120 tỷ nhân dân tệ (khoảng 18 tỷ USD) trong cùng thời kỳ, giảm 14% so với một năm trước đó.
Việt Nam vượt Thâm Quyến về xuất cảng lần đầu tiên vào năm 2020, với tổng kim ngạch xuất cảng hàng năm của Việt Nam đạt 282.65 tỷ USD, cao hơn 3% so với tổng kim ngạch xuất cảng 272 tỷ USD của Thâm Quyến.
Trong năm 2021, xuất cảng ở Việt Nam thậm chí còn tăng nhanh hơn, vượt gần 9% so với Thâm Quyến, với tổng kim ngạch xuất cảng từ Việt Nam là 336.25 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất cảng của Thâm Quyến là 307.2 tỷ USD trong năm đó.
Các sản phẩm điện tử chiếm vị trí quan trọng trong xuất cảng của Việt Nam: Trong quý đầu tiên của năm 2022, kim ngạch xuất cảng cao nhất thuộc về điện thoại di động và các linh kiện liên quan với xuất cảng trị giá 14.2 tỷ USD; điện tử, máy điện toán và linh kiện có liên quan đứng thứ hai với kim ngạch xuất cảng 13.1 tỷ USD; tiếp theo là xuất cảng sản phẩm máy móc thiết bị trị giá 9.9 tỷ USD, đứng thứ ba.
Hãng thông tấn tài chính của Trung Quốc Tài Kinh (Yicai) cho biết hôm 26/04, xuất cảng hàng điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng đã gây ra một số lo lắng và cảm giác khủng hoảng cho các công ty Trung Quốc trong ngành có liên quan.
Các doanh nghiệp sản xuất ở Trung Quốc đã phải đối mặt với cảnh ngộ chưa từng có kể từ khi đại dịch bùng phát và chính sách zero COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ toàn cầu hàng đầu, đã trải qua một thời kỳ phong tỏa. Nhà máy ở Thâm Quyến của Foxconn đã bị đóng cửa hoàn toàn hôm 14/03, bao gồm cả dây chuyền sản xuất iPhone của Apple tại Khu công nghiệp Thâm Quyến. Sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã khiến xuất cảng của thành phố bị sụt giảm.
Samsung và LG của Nam Hàn cùng Intel của Hoa Kỳ đã thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam trong nhiều năm. Ngoài ra, một số nhà sản xuất điện tử như Pegatron Corp. có trụ sở tại Đài Loan đã chuyển sang Việt Nam trong thời gian xảy ra đại dịch.
Năm 2021, Samsung Việt Nam đạt doanh thu 74.2 tỷ USD, sản xuất một nửa số điện thoại di động Samsung trên thế giới và xuất cảng sang 128 quốc gia và khu vực, theo Vietnam Investment Review hôm 24/01.
Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Đến cuối năm 2021, đầu tư của Samsung vào Việt Nam đạt 18 tỷ USD; tháng 02/2022, Samsung đã tăng tổng vốn đầu tư của mình lên 19.2 tỷ USD.
Việt Nam cũng thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại với Úc như một phần của quá trình cải tổ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tháng 04/2020, chính phủ liên bang Úc đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của COVID-19, được cho là đã bắt đầu trong một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, theo The Guardian hôm 29/04.
Đáp lại, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các hành động trả đũa bằng cách cấm nhập cảng thịt bò từ bốn nhà máy thịt bò Úc vào tháng 05/2020, áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp 80% đối với lúa mạch Úc, đồng thời cấm nhập cảng than Úc một cách không chính thức vào tháng Mười cùng năm.
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Úc và Việt Nam vượt 12.4 tỷ USD, tăng hơn 49% so với năm 2020; cùng năm, hai nước đã ký một văn kiện chiến lược nhằm tăng cường gắn kết kinh tế, bao gồm thúc đẩy thương mại và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, xuất cảng của Việt Nam sang Úc tăng 32.36% so với cùng thời kỳ năm ngoái, với cà phê tăng 84%, sản phẩm thủy sản tăng 51%, và thép các loại tăng 500%. Đồng thời, Việt Nam nhập cảng nguyên liệu thô như than, quặng sắt, kim loại, và bông từ Úc.
“Việt Nam đang phát triển với tốc độ không ai có thể hiểu được và nhanh chóng vượt qua Trung Quốc để trở thành điểm đến hàng đầu của các nhà sản xuất,” theo báo cáo năm 2021 nhan đề “Những Điều Cần Biết Khi Dịch Chuyển Nhà Máy Sản Xuất Đến Việt Nam” (“A Complete Guide Of Moving Manufacturing To Vietnam”) — do Công ty Vận tải biển VICO, được thành lập vào năm 1990 và tham gia ngành dịch vụ giao nhận hàng hóa tại Đông Dương với Việt Nam là trung tâm kinh doanh — đăng tải.
Về những lợi thế của Việt Nam, báo cáo cho rằng Việt Nam có chi phí lao động thấp (khoảng một nửa so với Trung Quốc), thương mại tự do hơn, ít rào cản hơn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, ít vấn đề hàng giả hơn, và thuế quan thấp hơn.
Công ty vận tải biển có trụ sở tại Hồng Kông này cũng chỉ ra trong báo cáo rằng lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc bị cản trở bởi ba yếu tố chính, bao gồm tác động liên tục của đại dịch và gián đoạn chuỗi cung ứng, ít tập trung hơn vào hiệu quả và chi phí, và chi phí lao động tăng ở Trung Quốc.
Cô Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: