Việt Nam hơn 7,700 ca bệnh nặng, Sài Gòn nhu cầu oxy y tế tăng cao, Hà Nội hơn 10,000 F0 đang điều trị tại nhà
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng dịch COVID-19 quốc gia, tính đến 17h chiều 24/12, tổng số ca bệnh từ đầu vụ dịch là 1.635 triệu ca, gần 31,000 (1.9%) ca tử vong.
Hiện Việt Nam còn gần 293,000 ca bệnh đang theo dõi và điều trị với hơn 118,000 ca đang theo dõi, điều trị tại 930 bệnh viện, trong đó có 7,759 ca nặng.
Các tỉnh thành có số ca đang điều trị cao gồm: Sài gòn (59,325), Bình Dương (48,733), Hà Nội (19,766), Cà Mau (15,993), Cần Thơ (15,881)…
Các tỉnh thành đang có số ca nặng cao, gần 300 ca bệnh gồm: Sài Gòn (2,598), Đồng Nai (550), Long An (453), An Giang (430), Cần Thơ (423), Bình Dương (422), Bến Tre (340), Tiền Giang (333), Hà Nội (288), Vĩnh Long (281)…
Sài Gòn nhu cầu oxy y tế tăng cao
Số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 cần điều trị có xu hướng tăng nhanh nên nhu cầu sử dụng oxy y tế tại các bệnh viện cũng theo đó tăng cao.
Hiện tại Sài Gòn, các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 sử dụng khoảng 170 tấn oxy lỏng/ngày. Trong thời gian tới, thành phố dự báo cần khoảng 350 tấn oxy lỏng/ngày.
Trong khi đó, hiện chỉ có 5 đơn vị có khả năng cung cấp với lượng oxy lỏng khoảng 150 tấn/ngày. Lượng oxy cung cấp cho y tế hiện chiếm tỉ trọng thấp, nguy cơ cao thiếu hụt trong thời gian tới.
Việc thiếu hụt oxy lỏng sẽ ảnh hưởng tới việc cấp cứu và điều trị người bệnh, đặc biệt là tại các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bộ y tế điều động 4 bệnh viện tiếp tục hỗ trợ Sài Gòn
Cũng tại Sài Gòn, Bộ Y tế đã phân công 4 bệnh viện trực thuộc, gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược và Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục hỗ trợ về hồi sức tích cực cho các cơ sở y tế của thành phố.
Trước đó, thành phố đề nghị Bộ Y tế bổ sung 1,000 bác sĩ và 2,000 điều dưỡng, trong đó có 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng hồi sức cấp cứu để tiếp tục duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức, bệnh viện 3 tầng thu dung điều trị COVID-19.
Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, trong khi dịch bệnh bùng phát mạnh trên toàn quốc, đề nghị chi viện của Sài Gòn rất khó có thể được đáp ứng đầy đủ. Sài Gòn cần vận dụng các nguồn lực từ sinh viên, nhân viên y tế nghỉ hưu, tình nguyện viên; đồng thời củng cố y tế cơ sở.
Tại Sài Gòn trong trong khoảng 1 tuần trở lại đây, số ca nhiễm mới dù còn cao so với nhiều tỉnh nhưng có chiều hướng giảm sâu. Số ca nhiễm ngày 24/12 chỉ còn 679 ca và tử vong 44 ca, bằng 1/2 số ca nhiễm và tử vong trước đó.
Hà Nội hơn 10,000 ca bệnh đang được cách ly, điều trị tại nhà
Còn tại Hà Nội, theo Sở Y tế, tính đến hết ngày 24/12, toàn thành phố có 19,766 ca bệnh đang được điều trị, trong đó có 10,157 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 35,678 ca bệnh COVID-19, trong đó có 12,990 F0 cộng đồng.
Trong Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ ngày 11/10 đến nay, Hà Nội ghi nhận 31,567 ca bệnh, trong đó có 11,458 ca cộng đồng.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo: Tất cả người dân thành phố, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm