Việt Nam: Quốc hội lùi thời điểm điều chỉnh chính sách tiền lương; giảm đất lúa, tăng đất KCN
Ngày 13/11, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV đã chấp thuận nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó, lùi thời điểm điều chỉnh chính sách tiền lương, ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ trước năm 1995. Ngoài ra, Quốc hội chấp thuận việc giảm đất lúa, tăng đất khu công nghiệp (KCN).
Lùi thời điểm điều chỉnh tiền lương
Sáng 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 với 465/468 đại biểu đồng ý.
Đáng chú ý, về chính sách tiền lương, Quốc hội đã quyết nghị, lùi việc điều chỉnh chính sách tiền lương, sẽ chọn thời điểm phù hợp để thực hiện; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
Quyết định trên đồng nghĩa với việc, trong năm 2022, chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường.
Tại Nghị quyết vừa được thông qua, dự toán NSNN năm 2022 như sau: Tổng thu là 1,411,700 tỉ đồng; tổng chi là 1,784,600 tỉ đồng; mức bội chi là 372,900 tỉ đồng; tổng mức vay là 572,686 tỉ đồng.
Giảm đất lúa, tăng đất khu công nghiệp
Cũng trong sáng 13/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 với 460/473 đại biểu đồng ý.
Đáng chú ý, theo Nghị quyết này, đến năm 2025 đất nông nghiệp của Việt Nam sẽ giảm 251,000 hecta, đất trồng lúa giảm 348,000 hecta, đất phi nông nghiệp tăng 965,000 hecta, đất khu công nghiệp tăng 120,100 hecta…
Dự thảo Nghị quyết quy định, cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi tối đa 300,000 hecta đất trồng lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa, có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Đồng thời, hạn chế việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.
Việt Nam có đến 70% số người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp
Việt Nam là một nước nông nghiệp, có đến 70% người dân làm việc trong lĩnh vực này. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng nhất đối với sự phát triển nền kinh tế quốc dân của Việt Nam với khoảng 24% GDP, gần 30% giá trị hàng hóa xuất cảng.
Với chiều dài lịch sử phát triển nông nghiệp đa dạng, từ chỗ đơn thuần chỉ để cung cấp nhu cầu lương thực phục vụ nội địa, giờ đây, việc sản xuất nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có xuất cảng, năm 2013 Việt Nam đứng đầu về xuất cảng gạo.
Bên cạnh đó, khí hậu Việt Nam là khí hậu cận nhiệt đới ẩm, trong đó miền Bắc gồm 2 mùa (Hạ và Đông), miền Nam có 2 mùa (mưa và khô), hoàn toàn trong vùng phù hợp với việc sản xuất nông nghiệp.
Với sự ưu đãi từ thiên nhiên cũng như kinh nghiệm và nhân lực truyền thống, liệu việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các loại đất khác có giúp nền kinh tế phát triển bền vững?
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm