Việt Nam ngày 25/1: Hơn 15,000 ca nhiễm mới, thêm tỉnh Lâm Đồng có Omicron, cửa khẩu Tân Thanh thông quan trở lại
Việt Nam ngày 25/1 ghi nhận hơn 15,000 ca nhiễm mới, 126 ca tử vong. Trong ngày, thêm tỉnh Lâm Đồng có Omicron.
Hơn 15,000 ca nhiễm mới, tổng số F0 tử vong vượt mốc 37,000 ca
Tối 25/1, Bộ Y tế thông báo về 15,743 ca nhiễm mới gồm 44 ca nhập cảnh và 15,699 ca ghi nhận tại 61 tỉnh/thành, trong đó có 10,733 ca nhiễm cộng đồng.
Có 6 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Hà Nội (2,956), Đà Nẵng (989), Hải Phòng (704), Thanh Hóa (685), Hưng Yên (623), Bắc Ninh (560).
Ngày 25/1, Việt Nam có 62,889 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 126 ca tử vong tại 28 tỉnh/thành, tập trung chủ yếu ở Hà Nội (18), Bà Rịa – Vũng Tàu (9), Tiền Giang (9), Vĩnh Long (9),… nâng tổng số ca tử vong toàn quốc tính đến nay lên 37,010 ca.
Hiện số ca nặng đang được điều trị là 4,602 ca, trong đó có 3,829 ca thở oxy, 771 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có hơn 2.171 triệu ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là gần 2.165 triệu ca. Tổng có hơn 1.904 triệu bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Tỉnh thứ 14 tại Việt Nam ghi nhận Omicron
Sáng 25/1, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, tỉnh ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên, là bệnh nhân nam (38 tuổi, ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương). Trường hợp này về từ Italia vào ngày 30/12/2021, nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Từ 31/12/2021 đến ngày 8/1/2022, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Khánh Hòa, được lấy mẫu xét nghiệm PCR 2 lần có kết quả âm tính.
Đến ngày 8/1, khi hết cách ly, bệnh nhân về nhà ở xã Lạc Lâm bằng xe thuê riêng. Sáng 9/1, bệnh nhân đi khai báo y tế, test nhanh dương tính, được cách ly điều trị tại nhà. Ngày 10/1, bệnh nhân có kết quả PCR dương tính.
Ngày 24/1, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân gửi Viện Pasteur ngày 11/1 giải trình tự gene cho kết quả nhiễm Omicron. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, từ ngày 19/1 đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Như vậy đến nay, Việt Nam đã ghi nhận biến chủng Omicron tại 14 tỉnh/thành gồm: Sài Gòn, Quảng Nam, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Kiên Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Lâm Đồng.
Hà Nội gần 3,000 ca nhiễm mới trong ngày, F0 thở máy tiếp tục tăng
Tối 25/1, CDC Hà Nội thông báo về 2,957 ca nhiễm mới trong ngày, trong đó có 696 ca cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay lên 117,535 ca.
Các ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, trong đó phân bố nhiều nhất tại Gia Lâm (184), Hoàng Mai (146), Đông Anh (128), Chương Mỹ (118), Đống Đa (107), Nam Từ Liêm (104), Thanh Trì (84)…
Đến ngày 24/1, Hà Nội có 670 ca nặng và nguy kịch, tăng 3.5% so với một tuần trước. Trong đó, 544 ca bệnh thở oxy (giảm 1.5%). Các bệnh nhân thở máy tăng với 116 ca. Ngoài ra, có 10 trường hợp phải lọc máu, không có ca chạy ECMO.
Hôm nay, Hà Nội ghi nhận số tử vong cao nhất tính từ đầu dịch đến nay với 18 ca.
Hà Nội dừng lễ hội chùa Hương
Ngày 25/1, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ra thông báo dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương).
Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp tại miền Bắc, lễ hội có quy mô lớn và kéo dài nhất khu vực không khai hội, không đón khách.
Theo kế hoạch trước đó, năm 2022, lễ khai hội chùa Hương sẽ diễn ra vào ngày mùng 6/1 và kéo dài 3 tháng (từ ngày 2/2 đến hết ngày 30/5). Tuy nhiên vào 4 hôm trước, Tp Hà Nội đã yêu cầu dừng các lễ hội dịp Tết Nguyên đán và các hoạt động đông người để phòng dịch.
Cửa khẩu Tân Thanh thông quan trở lại
Sáng 25 /1, Bộ Công thương cho biết, chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc đã khôi phục thông quan tại Pò Chài, Bằng Tường (phía Việt Nam là cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn). Cửa khẩu này bị dừng thông quan từ ngày 18/12/2021.
Trước mắt, hai bên sẽ thực hiện việc giao nhận xe trên đường biên giới, lái xe mặc quần áo bảo hộ và đeo găng tay, khẩu trang theo quy định.
Hiện tại cửa khẩu Lạng Sơn, lượng xe chờ xuất sang Trung Quốc đã giảm mạnh. Tính đến 8h ngày 24 /1, tổng còn 355 xe chờ tại các cửa khẩu của tỉnh, giảm gần 4000 xe so với ngày 24/12/2021.
Bộ Công Thương cho hay, dù đã mở cửa nhưng quy trình và tiến độ thông quan tại tất cả các cửa tuyến biên giới phía Bắc (gồm cả Tân Thanh) chưa thể trở lại bình thường, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên Đán đang đến gần.
Hơn 860,000 người làm việc rút BHXH một lần
Trong năm 2021, năm thứ 2 của đại dịch, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ghi nhận hơn 860,000 người làm việc rút BHXH một lần, tương đương với năm trước đó.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, đây là thực tế đáng lo ngại. Để hạn chế tình trạng trên, đơn vị này sẽ có những đề nghị sửa đổi chính sách để giữ chân người làm việc.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến 2020, có trên 3.7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần. Theo đó, mỗi năm trung bình có gần 750,000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Cụ thể, cứ 2 người tham gia thì có một người rời đi, xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Riêng năm 2020, năm đầu tiên diễn ra dịch bệnh, có 860,741 người chọn hưởng BHXH một lần, tăng hơn 6.6% so với năm 2019.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm