Việt Nam ngày 22/2: Tăng mạnh gần 56,000 ca nhiễm, Hà Nội gần 7,000 ca, dự kiến đấu giá gần 102 triệu lít xăng
Việt Nam ngày 22/2 tăng mạnh gần 56,000 ca nhiễm mới, 77 ca tử vong, hơn 10,000 trường hợp khỏi bệnh.
Tăng mạnh gần 56,000 ca nhiễm, có tới 20 tỉnh/thành số F0 trên 1,000 ca
Tối 22/2, Bộ Y tế thông báo về 55,879 ca nhiễm mới gồm 8 ca nhập cảnh và 55,871 ca ghi nhận tại 62 tỉnh/thành, trong đó có 39,728 ca nhiễm cộng đồng.
Hôm nay có tới 20 tỉnh trên 1,000 ca gồm: Hà Nội (6,860), Bắc Ninh (2,842), Bắc Giang (2,500), Hải Dương (2,485), Quảng Ninh (2,087), Hòa Bình (2,087), Phú Thọ (2,084), Lào Cai (2,056), Nam Định (1,943), Vĩnh Phúc (1,811), Hải Phòng (1,798), Ninh Bình (1,665), Thái Nguyên (1,645), Sơn La (1,494), Nghệ An (1,441), Sài Gòn (1,352), Hưng Yên (1,312), Yên Bái (1,290), Thái Bình (1,282), Khánh Hòa (1,213).
Ngày 22/2, Việt Nam có 10,412 bệnh nhân khỏi bệnh, 77 ca tử vong tại 26 tỉnh/thành, nâng tổng số tử vong lên 39,682 trường hợp, chiếm 1.4% so với tổng số ca nhiễm.
Hôm nay số ca nặng tiếp tục tăng với 3,434 ca, trong đó có 3,042 ca thở oxy, 391 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có hơn 2.890 triệu ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là gần 2.883 triệu ca. Hiện tổng có hơn 2.305 triệu bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hà Nội tăng mạnh gần 7,000 ca nhiễm, gần 2,000 F0 cộng đồng
Tối 22/2, Hà Nội ghi nhận 6,860 ca dương tính mới, trong đó có 1,977 ca cộng đồng, nâng tổng số F0 trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) đến nay lên gần 213,900 ca.
Số ca nhiễm trong ngày ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó nhiều nhất là Đông Anh (435), Hoàng Mai (423), Nam Từ Liêm (393), Sóc Sơn (377), Bắc Từ Liêm (329).
Trong 77 ca tử vong ghi nhận tại 26 tỉnh/thành, Hà Nội nhiều nhất với 17 ca.
Bộ Y tế không buộc học sinh xét nghiệm trước khi đến trường
Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn xử trí khi phát hiện F0 trong trường, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường học trực tiếp.
Theo đó, chỉ xét nghiệm với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở, … hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0. Ngoài ra, trong tình huống lớp có F0, giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ để xác định F1. Sau đó sẽ cho test nhanh toàn bộ lớp học, trường hợp nào âm tính và không phải là F1 thì học bình thường.
Bộ Công Thương dự kiến đấu giá gần 102 triệu lít xăng từ nguồn dự trữ
Bộ Công thương vừa có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc sẽ bán đấu giá một lô hàng dự trữ quốc gia với 101.97 triệu lít xăng RON 92.
Lô hàng xăng dầu hiện đang dự trữ tại 12 điểm của 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp.
Thời gian dự kiến thực hiện là trong tháng 2/2022. Theo đó các Bộ, ngành cần có phản hồi trước ngày 25/2 để triển khai.
Theo tính toán sơ bộ, với giá khởi điểm là 14,058 đồng/lít, số tiền thu được sau bán đấu giá gần 102 triệu lít xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) cũng trên 1,400 tỉ đồng.
Đã mở lại đường bay đi/đến 20 quốc gia, tần suất chỉ gần 10% trước dịch
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tại Việt Nam, các đường bay quốc tế đi/đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được mở lại.
Tuy nhiên hiện các đường bay đi đến 8 quốc gia, vùng lãnh thổ chưa mở lại là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macau, Phần Lan, Ý và Thụy Sỹ.
Hiện, tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày. Trong khi đó, tần suất các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa Đông năm 2019 là 4,185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày.
Như vậy, số chuyến bay/chiều/ngày thời điểm này mới gần 10% so với mùa đông năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh
Riêng đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhà chức trách hàng không Trung Quốc mới chấp thuận khai thác 2 chuyến/tuần và khách vào Trung Quốc phải kèm điều kiện.
DHL Express mở đường bay vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Cũng liên quan đến khai thác hàng không, mới đây, nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế (DHL Express) vừa mở đường bay mới chuyên chở hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Cụ thể, đường bay mới từ Sài Gòn đến Hoa Kỳ, do hãng Kalitta Air vận hành, sẽ sử dụng máy bay Boeing 777F để vận chuyển hàng hóa, với tần suất 1 lần/tuần.
Theo dự kiến, DHL Express sẽ bổ sung đến 102 tấn tải trọng cho các khách hàng tại Việt Nam, kết nối Sydney (Úc), Singapore, Sài Gòn và Nagoya (Nhật Bản) trước khi về đến trung tâm DHL Express Cincinnati ở Hoa Kỳ. Máy bay Boeing 777F giúp tăng thêm 27% công suất vận chuyển, nâng tổng tải trọng vận chuyển lên hơn 940 tấn/tuần.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm