Việt Nam ngày 20/11: Hơn 9,500 ca nhiễm mới, gần 17,000 bệnh nhân khỏi bệnh, Hà Nội cho 26 quận/huyện cách ly F1 tại nhà, miền Bắc sắp chuyển mưa rét, khả năng có băng giá
Hôm nay 20/11, Việt Nam ghi nhận hơn 9,500 ca nhiễm mới, gần 4,800 ca cộng đồng, gần 110 ca tử vong. Có gần 17,000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hơn 9,500 ca nhiễm mới, gần 17,000 bệnh nhân khỏi bệnh
Tối 20/11, Bộ Y tế thông báo về 9,531 ca nhiễm mới gồm 13 ca nhập cảnh và 9,518 ca ghi nhận tại 60 tỉnh/thành, trong đó có 4,776 ca cộng đồng.
Số ca nhiễm hôm nay ghi nhận chủ yếu tại Sài Gòn (1,046), Bình Dương (669), Đồng Nai (621), Đồng Tháp (515), Tây Ninh (495), Bình Thuận (407), Sóc Trăng (391), Bà Rịa – Vũng Tàu (370), Bạc Liêu (345), Cà Mau (342), An Giang (329), Vĩnh Long (297), Trà Vinh (281), Bình Phước (256), Kiên Giang (246), Tiền Giang (243), Hà Nội (234), Đắk Lắk (205), Cần Thơ (201), Hậu Giang (188), Khánh Hòa (158), Bến Tre (131), Long An (112), Lâm Đồng (106), Gia Lai (103), Bắc Ninh (98), Thừa Thiên Huế (96), Đắk Nông (86), Hà Giang (84), Nam Định (68), Nghệ An (66), Bình Định (61), Thanh Hóa (58), Vĩnh Phúc (53), Thái Bình (51), Ninh Thuận (51),…
So với ngày 19/11, số ca nhiễm tại Việt Nam ngày 20/11 giảm 99 ca, trong đó, Sài Gòn giảm 293 ca, Tiền Giang giảm 139 ca, Tây Ninh giảm 104 ca; Trà Vinh tăng 87 ca, Bình Phước tăng 73 ca, Cà Mau tăng 72.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,084,625 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,079,529 ca. Có 900,337 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 20/11, Việt Nam có 16,773 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 107 ca tử vong tại 18 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn (42), An Giang (14), Đồng Nai (7), nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 23,685 ca. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4,630 ca, với 4,046 ca thở oxy, 584 ca thở máy và ECMO.
Hà Nội thêm 217 ca nhiễm mới, cho 26 quận/huyện cách ly F1 tại nhà
Tối 20/11, Hà Nội ghi nhận thêm 217 ca nhiễm mới, trong đó có 106 ca cộng đồng tại 24 quận/huyện.
Hơn 100 F0 cộng đồng phân bố chủ yếu tại Nam Từ Liêm (19), Mê Linh (12), Hoàng Mai (10), Thường Tín (9), Hà Đông (7)… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phát hiện thêm cụm dịch mới tại Xuân Dương, Thanh Oai với 11 ca.
Hiện Hà Nội có tổng 7,508 ca nhiễm tính từ ngày 27/4 đến nay, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2,752 ca. Từ ngày 11/10 đến 17/11, toàn thành phố ghi nhận 8,630 F1, trong đó 1,134 trường hợp đã chuyển thành F0.
Chiều cùng ngày, Hà Nội chấp thuận cho F1 tại 26 quận/huyện cách ly tại nhà (trừ 4 quận gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng).
Quy định này áp dụng với các F1, người ở cùng nhà với F1, người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1, hoặc những người cách ly tập trung đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ 7 âm tính.
Bà Rịa-Vũng Tàu thêm 370 ca nhiễm mới, gần 200 F0 cộng đồng
Tối 20/11, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận 370 ca nhiễm mới, trong đó 198 ca phát hiện ngoài cộng đồng.
Các ca nhiễm mới ghi nhận chủ yếu tại Tp Vũng Tàu (202 ca, 96 ca cộng đồng); Thị xã Phú Mỹ (55 ca, 27 ca cộng đồng); huyện Long Điền (38 ca, 20 ca cộng đồng).
Đáng chú ý, hôm nay huyện Côn Đảo ghi nhận ca nhiễm đầu tiên là 1 ca cộng đồng, là trường hợp đi từ tỉnh Bình Dương về. Trước khi chuyển thành F0, người này đã chích đủ 2 liều vaccine và được theo dõi sức khỏe tại nhà.
Khánh Hòa thêm 100 ca, hơn 30 F0 cộng đồng
Ngày 20/11, CDC Khánh Hòa cho biết, trong ngày tỉnh này ghi nhận thêm 100 ca dương tính, trong đó có 31 ca cộng đồng
Số ca nhiễm mới ghi nhận tại 7 huyện/thành, trong đó nhiều nhất là Tp Nha Trang (47 ca), huyện Diên Khánh (27 ca), Tp Cam Ranh (10 ca).
Liên quan đến các trường hợp dương tính mới, tỉnh Khánh Hòa đã xác định và cách ly 153 F1 và F2.
Tính đến chiều 20/11, toàn tỉnh có 115 thôn, tổ thuộc ‘vùng vàng’; 94 thôn/tổ ‘vùng cam’ và 145 thôn/tổ ‘vùng đỏ’.
Vĩnh Long vượt mốc 6,000 ca nhiễm, 18 xã thành ‘vùng đỏ’
Tối 20/11, Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, trong 24 giờ qua, tỉnh phát hiện 297 ca nghi nhiễm COVID-19, trong đó có 170 trường hợp ghi nhận qua xét nghiệm cộng đồng tại Tp Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện Long Hồ, Mang Thít, Bình Tân.
Hiện, tỉnh Vĩnh Long có 18 xã, phường, thị trấn dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ). Tp Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình dịch ở cấp độ 3 (vùng cam). Cấp độ dịch toàn tỉnh là cấp 2.
Lâm Đồng tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm tăng, cao nhất từ khi bùng dịch
Sáng nay, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận thêm 178 ca nhiễm mới tại 10/12 huyện, thành phố. Đây là số ca nhiễm cao nhất từ trước tới nay, trong đó phần lớn phát hiện khi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.
Các ca nhiễm mới ghi nhận nhiều nhất tại 4 địa phương gồm: huyện Đức Trọng 45 ca (có 10 F0 cộng đồng và 4 F0 là người về từ Sài Gòn và Bình Dương), huyện Đơn Dương 44 ca (có 36 F0 cộng đồng tại xã Ka Đô), Tp Đà Lạt 29 ca (có 12 F0 liên quan đến cụm dịch mới tại tổ 19 Prenn (phường 3), và huyện Di Linh (21 ca)…
Toàn miền Bắc sắp chuyển mưa rét, khả năng có băng giá
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vào khoảng tối và đêm mai (21/11), không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ.
Từ đầu tuần sau (tức là ngày 22/11), toàn miền Bắc chuyển mưa rét. Vùng núi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ C, có nơi rét hại, vùng núi 10-13 độ C, vùng núi cao dưới 8 độ C. Trạng thái rét ẩm dự báo diễn ra vào ngày 22 và 23/11, từ 24/11 chuyển rét hanh khô. Vùng núi cao có thể xuất hiện băng giá.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày mai đến sáng 22/11, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa rào. Từ ngày 22/11, từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to và dông.
Hà Nội đêm mai đến sáng ngày 22/11 có mưa, mưa rào. Từ ngày 22/11 trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ C.
Cơ quan khí tượng nhận định, đây là đợt rét nhất kể từ đầu mùa đông. Trời rét cả ngày với nhiệt độ thấp nhất có thể xuống 13-15 độ C, cao nhất không vượt quá 22 độ C.
Riêng vùng núi, nhiệt độ thấp nhất 8-12 độ C, vùng núi cao có thể xuống dưới 7 độ C. Các đỉnh núi cao như Mẫu Sơn, Đồng Văn chạm mức băng giá, đỉnh Phan Xi Păng có thể đạt mức đóng băng.
Các chuyên gia khuyến cáo: người dân cần có phương án phòng rét, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ. Nhiệt độ giảm mạnh và biến đổi nhanh trong ngày sẽ gây nguy cơ bệnh về hô hấp. Vùng núi cần có biện pháp phòng rét cho vật nuôi và cây trồng.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm