Việt Nam ngày 17/2: Hơn 36,000 ca nhiễm, số F0 nặng tăng trở lại, Bộ Y tế cấp phép lưu hành 3 thuốc kháng virus sản xuất nội địa
Việt Nam ngày 17/2 ghi nhận hơn 36,000 ca nhiễm mới, trong đó có hơn 25,000 F0 cộng đồng. Trong ngày có 90 ca tử vong, số F0 nặng tăng trở lại với hơn 3,000 ca.
Hơn 36,000 ca nhiễm mới, số F0 nặng tăng trở lại với hơn 3,000 ca
Tối 17/2, Bộ Y tế thông báo về 36,200 ca nhiễm mới gồm 10 ca nhập cảnh và 36,190 ca ghi nhận tại 62 tỉnh/thành, trong đó có 25,345 ca nhiễm cộng đồng.
Hôm nay có 12 tỉnh trên 1,000 ca gồm: Hà Nội (3,893), Thái Nguyên (2,478), Quảng Ninh (2,477), Hải Phòng (1,548), Phú Thọ (1,417), Vĩnh Phúc (1,362), Bắc Ninh (1,362), Nghệ An (1,352), Hải Dương (1,350), Nam Định (1,344), Hòa Bình (1,256), Bắc Giang (1,112).
Ngày 17/2, Việt Nam có 5,810 bệnh nhân khỏi bệnh, 90 ca tử vong tại 33 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Hà Nội với 19 ca, nâng tổng số tử vong tại Việt Nam lên 39,278 trường hợp, chiếm 1.5% so với tổng số ca nhiễm.
Hiện số ca nặng đang điều trị là 3,017 ca, trong đó có 2,630 ca thở oxy, 387 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có hơn 2.643 triệu ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là gần 2.636 triệu ca. Hiện tổng có gần 2.255 triệu bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Bộ Y tế cấp phép lưu hành 3 thuốc kháng virus sản xuất nội địa
Thuốc dạng viên nang cứng, có hạn sử dụng 6 tháng, chứa hoạt chất Molnupiravir có tác dụng kháng virus trong điều trị F0 tại nhà và được sản xuất tại Việt Nam.
Chiều 17/2, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, đã thông báo danh mục thuốc đi kèm. Theo đó, 3 loại thuốc kháng virus được cấp phép là: Molravir 400 của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir của Công ty CP hóa-dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400mg do Công ty Liên doanh Stellapharm sản xuất.
Như vậy, đây là thuốc kháng virus đầu tiên điều trị COVID-19 được sản xuất nội địa và cấp phép tại Việt Nam.
Sài Gòn sắp có thêm phố đi bộ và khu ẩm thực ở quận 11
Chiều 17/2 tại Sài Gòn, đại diện quận 1 cho biết, phố đi bộ và khu ẩm thực đường Hà Tôn Quyền, quận 11, dài 300 m. Phố đi bộ giới hạn từ ngã ba Hà Tôn Quyền – 3/2 đến Hà Tôn Quyền – Nguyễn Chí Thanh, thuộc phường 4 và 6.
Dự kiến, vào quý 3 năm nay, phố bắt đầu hoạt động trong khoảng thời gian từ 16h đến 22h ngày thứ 6, 7, Chủ nhật.
Hiện tại, Sài Gòn có phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) hoạt động từ tháng 4/2015, phố đi bộ Bùi Viện hoạt động từ tháng 8/2017. Ngoài ra, quận 3 đang hoàn thiện đề án phố đi bộ Hồ Con Rùa.
Lạng Sơn: Xe hàng ùn ứ ở cửa khẩu tiếp tục tăng, hơn 80% là nông sản
Tính đến ngày 16/2, ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, có khoảng 2,000 container hàng hoá đang nằm chờ, trong đó 82% là nông sản, hoa quả tươi.
Đại diện Sở Công Thương cho hay, phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát, phương thức giao nhận để phòng dịch khiến năng lực thông quan rất hạn chế. Tại 3 cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma, mỗi ngày có khoảng 100-120 xe được thông quan.
Với năng lực như vậy, tỉnh Lạng Sơn sẽ cần 10-15 ngày mới xuất hết số xe hàng này sang Trung Quốc.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, sau ngày 25/2 (tức là sau 9 ngày Lạng Sơn dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi lên cửa khẩu), sẽ đánh giá tình hình, năng lực thông quan và lượng xe tồn tại các bến để có biện pháp tiếp nhận hàng hoá hoa quả tươi từ các tỉnh.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm