Việt Nam ngày 18/1: Gần 17,000 ca nhiễm mới, thêm 2 ca nhiễm biến chủng Omicron ở Quảng Ninh, Chủ tịch FLC bị dừng giao dịch trong 5 tháng
Việt Nam ngày 18/1 ghi nhận gần 17,000 ca nhiễm mới, 184 ca tử vong, hơn 8,000 F0 khỏi bệnh. Quảng Ninh ghi nhận 2 ca nhiễm biến chủng Omicron.
Gần 17,000 ca nhiễm mới, hơn 12,000 F0 cộng đồng
Tối 18/1, Bộ Y tế thông báo về 16,838 ca nhiễm mới gồm 75 ca nhập cảnh và 16,763 ca ghi nhận tại 63 tỉnh/thành, trong đó có 12,151 ca nhiễm cộng đồng.
Có 8 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Hà Nội (2,935), Hải Phòng (1,139), Đà Nẵng (943), Trà Vinh (638), Bình Định (582), Thanh Hóa (544), Bình Phước (514), Khánh Hòa (507).
Ngày 18/1, Việt Nam có 8,692 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 184 ca tử vong tại 28 tỉnh/thành, tập trung chủ yếu ở Đồng Tháp (30), Sài Gòn (13), Hà Nội, Vĩnh Long và Kiên Giang đều 12 ca,… nâng tổng số ca tử vong toàn quốc tính đến nay lên 35,972 ca.
Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5,409 ca, trong đó có 4,627 ca thở oxy, 782 ca thở máy và ECMO. Như vậy, số ca nặng hôm nay giảm mạnh so với hôm 17/1.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 2,062,128 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 2,055,722 ca. Tổng có 1,756,154 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Quảng Ninh ghi nhận 2 ca nhiễm biến chủng Omicron
Ngày 18/1, Bộ Y tế cho biết, Quảng Ninh ghi nhận 2 ca nhiễm biến chủng Omicron.
Đây là các trường hợp về từ Hàn Quốc, nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và được cách ly tại khách sạn Phát Linh, Tp Hạ Long.
Hiện 2 trường hợp này đã khỏi bệnh và về nơi cư trú tại Hà Nội, Hải Phòng. Toàn bộ nhân viên khách sạn nơi các ca nhiễm cách ly đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Như vậy cho đến nay, Việt Nam ghi nhận 70 ca nhiễm biến chủng Omicron, đều là người nhập cảnh được cách ly ngay tại Sài Gòn 30 ca, Quảng Nam 27, Đà Nẵng 3, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh mỗi nơi 2, Hải Dương, Hải Phòng, Long An đều một.
Hà Nội tăng số F0 thở máy, xin ý kiến Chính phủ về việc bắn pháo hoa
Tối 18/1, Hà Nội ghi nhận 2,935 ca nhiễm, trong đó có 738 F0 cộng đồng. Bộ Y tế hôm nay công bố Hà Nội có 12 ca tử vong.
Ghi nhận đến ngày 18/1, Hà Nội có 638 ca nặng và nguy kịch, tăng 14.7% so với một tuần trước. Trong đó, nhiều nhất là bệnh nhân thở oxy 554 ca, tăng 14.5%, tăng các bệnh nhân thở máy, không có bệnh nhân lọc máu và chạy ECMO.
Đến ngày 17/1, toàn thành phố đang điều trị hơn 61,100 ca, trong đó hơn 50,500 F0 đang điều trị tại nhà. Tổng số ca nhiễm tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến 18/1/2022 là 97,260 ca.
Chiều 18/1, một lãnh đạo thành phố này cho biết, đang xin ý kiến Chính phủ về việc tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo kế hoạch trước đó, thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao kết hợp tầm thấp trong 15 phút tại đảo Dừa trong công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thời gian: từ 0h đến 0h15 ngày 1/2, kinh phí tổ chức từ nguồn xã hội hóa.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh không bắn pháo hoa dịp Tết
Đề nghị trên vừa được Bộ Y tế nêu ra trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc bắn pháo hoa và các biện pháp phòng dịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo Bộ y tế, các tỉnh thành nếu tổ chức thì không tập trung đông người xung quanh khu vực bắn. Căn cứ tình hình dịch bệnh, các tỉnh chủ động dừng các hoạt động tập trung không cần thiết, dừng hoạt động vui chơi, lễ hội lớn, nghi lễ tôn giáo tập trung đông người tại các khu vực nguy cơ; đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn.
Trước đó, ngày 7/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề nghị các tỉnh thành tạm dừng bắn pháo hoa và lễ hội trong Tết Nhâm Dần 2022.
Tại Sài Gòn ngày 13/1, Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, thành phố không bắn pháo hoa đêm giao thừa. Các hoạt động mừng xuân khác vẫn tổ chức bình thường.
Học sinh Khánh Hòa sẽ đến trường từ học kỳ 2
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa vừa gửi yêu cầu đến các đơn vị trực thuộc về việc tổ chức dạy học trực tiếp từ học kỳ 2, năm học 2021-2022 .
Theo đó, căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế trong tỉnh, các cơ sở giáo dục (gồm cả các trung tâm ngoại ngữ, tin học, các cơ sở giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ) được tổ chức dạy học trực tiếp trong học kỳ 2, không chia nhỏ lớp, và giảm sĩ số học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục xây dựng các phương án dạy học linh hoạt, sẵn sàng chuyển sang các hình thức khác tùy tình hình dịch bệnh.
Chủ tịch FLC nộp phạt 1.5 tỉ đồng, dừng giao dịch chứng khoán 5 tháng
Hôm 18/1, Uỷ Ban Chứng khoán Việt Nam đã ra Quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FLC về việc bán cổ phiếu nhưng công bố thông tin chậm.
Cụ thể, ông Quyết bị phạt ở mức cao nhất, gồm phạt tiền 1.5 tỉ đồng và nhận hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 5 tháng. Đồng thời, toàn bộ các giao dịch bán cổ phiếu của Chủ tịch Tập đoàn FLC trong phiên ngày 10/1 đều bị huỷ bỏ.
Việc hủy giao dịch với một trường hợp bán cổ phiếu nhưng chậm công bố thông tin là điều chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Sau khi giao dịch bị huỷ, tỷ lệ sở hữu của ông Quyết tại FLC không thay đổi, ông này vẫn giữ 30.34%. Tuy nhiên, sự cố này khiến nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu FLC, dẫn đến sụt giảm mạnh.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm