Việt Nam ngày 15/11: Hơn 8,600 ca nhiễm mới, 101 ca tử vong, Hà Nội cho phép F1 cách ly tại nhà, Sài Gòn đề nghị mở lại khu cách ly
Hôm nay 15/11, Việt Nam ghi nhận hơn 8,600 ca nhiễm mới, 101 ca tử vong; 289 ca nhiễm mới trong ngày, Hà Nội cho phép gần 100 F1 cách ly tại nhà; Sài Gòn tăng cấp độ dịch tại 4 quận/huyện, đề nghị mở lại khu cách ly; Bắc Ninh ghi nhận nhiều F0 trong cộng đồng; An Giang tạm đóng cửa nhà máy có 7,500 công nhân liên quan chùm F0 mới…
Hơn 8,600 ca nhiễm mới, 101 ca tử vong
Tối 15/11, Bộ Y tế thông báo về 8,616 ca nhiễm mới gồm 13 ca nhập cảnh và 8,603 ca ghi nhận tại 57 tỉnh/thành, trong đó có 3,950 ca cộng đồng.
Số ca nhiễm hôm nay ghi nhận chủ yếu tại Sài Gòn (1,165), An Giang (660), Bình Dương (616), Tây Ninh (579), Đồng Nai (558), Tiền Giang (500), Đồng Tháp (383), Bình Thuận (342), Kiên Giang (329), Sóc Trăng (305), Bạc Liêu (298), Vĩnh Long (289), Hà Nội (239), Cà Mau (215), Bình Phước (187), Trà Vinh (179), Bà Rịa – Vũng Tàu (178), Long An (136), Cần Thơ (125), Hà Giang (117), Khánh Hòa (111), Thái Bình (92), Bến Tre (90), Hậu Giang (87), Thừa Thiên Huế (81), Bắc Ninh (70), Lâm Đồng (68), Bình Định (55), Đắk Nông (51),…
So với ngày 14/11, số mắc tại Việt Nam ngày 15/11 tăng 440 ca, trong đó, Tây Ninh tăng 247 ca, Tiền Giang tăng 226 ca, Sài Gòn tăng 180, Đồng Nai giảm 116 ca, Khánh Hòa giảm 98 ca, Thái Bình giảm 42 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,035,138 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,030,096 ca. Có 864,516 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 15/11, Việt Nam có 1,205 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 101 ca tử vong tại 15 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở 3 tỉnh/thành là Sài Gòn (45), An Giang (10), Bình Dương (9), nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 23,183 ca. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3,950 ca, với 3,457 ca thở oxy, 493 ca thở máy và ECMO.
289 ca nhiễm mới trong ngày, Hà Nội cho phép F1 cách ly tại nhà
Tối 15/11, CDC Hà Nội ghi nhận thêm 289 ca nhiễm mới, trong đó có 47 ca cộng đồng phân bố tại 17 quận/huyện, nhiều nhất là Quốc Oai (10), Long Biên (7), Thanh Oai (6)… Đây cũng là số F0 trong ngày cao nhất tính từ khi COVID-19 bùng phát cho đến nay.
Với sự gia tăng của các ca nhiễm mới, nhiều quận tại Hà Nội đã cho F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà. Cụ thể:
Quận Nam Từ Liêm cho phép gần 100 F1 tại 10/10 phường cách ly tại nhà. Hiện quận này đang gấp rút thành lập 10 trạm y tế lưu động. Trước mắt, trạm y tế lưu động phường Phú Đô sẽ được đưa vào hoạt động đầu tiên.
Bên cạnh đó, tại quận Hà Đông, 4 nhóm (gồm: người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ đang mang thai) đủ điều kiện cũng được cách ly tại nhà.
Tới đây, Hà Nội sẽ không đưa F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động.
Trước đó, nhiều chuyên gia đề nghị thành phố cho F0, F1 cách ly tại nhà. Cách ly F1 tại nhà giúp người bị cách ly đỡ tốn kém, không bị ảnh hưởng tâm lý.
Sài Gòn tăng cấp độ dịch tại 4 quận/huyện, đề nghị mở lại khu cách ly
Ngày 15/11 tại Sài Gòn, Sở Y tế cho biết, quận 11, Gò Vấp, Củ Chi, Thủ Đức tăng nguy cơ từ cấp 1 lên cấp 2, Cần Giờ là địa phương duy nhất dịch ở cấp 3.
Ở cấp phường, xã, trong tuần qua, có 22 đơn vị giảm cấp độ dịch, 53 đơn vị tăng cấp độ dịch, trong đó 5 địa phương có dịch cấp 3 là phường 6, quận 10; xã An Thới Đông, Bình Khánh, Lý Nhơn huyện Cần Giờ; xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè. Hiện thành phố đang có dịch ở cấp độ 2 (vùng vàng – nguy cơ trung bình).
Chiều 15/11, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dịch COVID-19 tại Sài Gòn có xu hướng tăng ở một số địa phương, Sở đã kiến nghị mở lại khu cách ly ở quận/huyện, thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận/huyện; xem như cơ sở điều trị tầng 2.
Đến nay, 8 quận/huyện đã lập bệnh viện dã chiến, điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và vừa, các trường hợp F0 đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà. Những trường hợp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất sẽ cách ly tại 62 khu tập trung ở các địa phương.
Bắc Ninh ghi nhận nhiều F0 trong cộng đồng
Ngày 15/11, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 105 ca mắc mới, trong đó có 67 ca cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 110 cụm dịch, đã xác định 5,997 F1.
Hiện tỉnh đang điều trị 575 F0, trong đó có 5 F0 chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 – Kim Chung – Đông Anh, Hà Nội.
An Giang đóng cửa nhà máy có 7,500 công nhân liên quan chùm F0 mới
Ngày 15/11, tỉnh An Giang đã dừng hoạt động sản xuất đối với Công ty An Giang Samho (Khu Công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), do xuất hiện chùm ca nhiễm trong các phân xưởng sản xuất của công ty.
Thời gian tạm dừng: từ ngày 12 đến hết 19/11.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang cho biết, số F0 được phát hiện tại một dây chuyền khi doanh nghiệp tự xét nghiệm sàng lọc để hoạt động trở lại. Do đây là nhà máy hoạt động theo dây chuyền nên phải dừng toàn bộ để thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Công ty Công ty An Giang Samho có trên 7,500 công nhân. Ngày 11/11, công ty phát hiện một số F0 qua xét nghiệm sàng lọc, đến 15/11 đã phát hiện 128 F0. Hiện công ty này chỉ mới hoạt động 70% công suất nhà máy.
Những ngày qua, mỗi ngày An Giang phát hiện từ 500-600 F0. Trong ngày 14/11, toàn tỉnh ghi nhận 660 ca nhiễm, trong đó có 177 F0 cộng đồng.
Tỉnh đầu tiên ở miền Tây bắt đầu chích vaccine COVID-19 cho trẻ 12-15 tuổi
Bác sĩ Huỳnh Trung Đoàn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Tp Sóc Trăng cho biết, trong 3 ngày từ 15-17/11, thành phố bắt đầu chích vaccine cho trẻ từ 12-15 tuổi.
Số lượng chích là gần 8,500 em, trong đó, các em học sinh lớp 7, 8, 9 sẽ chích tại 3 điểm trường. Những em không đến trường sẽ chích tại các điểm thuộc phường nơi cư trú.
Theo BS Đoàn, liều 2 sẽ được chích từ 3-4 tuần sau khi chích liều 1, và vaccine sử dụng là Pfizer.
Như vậy, Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên ở miền Tây chích vaccine COVID-19 cho trẻ ở lứa tuổi 12-15. Trước đó, tỉnh này cũng là tỉnh đầu tiên ở miền Tây chích vaccine cho học sinh cấp Trung học phổ thông với khoảng 36,000 em. (Xem chi tiết tại đây)
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm