Việt Nam ngày 12/2: Hơn 27,000 ca nhiễm, Hà Nội số F0 thở máy tiếp tục giảm, khi nào miền Bắc hết mưa phùn, rét buốt?
Việt Nam ngày 12/2 số ca nhiễm mới tiếp tục tăng với hơn 27,000 ca, trong đó số F0 cộng đồng tăng hơn 10,000 ca so với ngày 11/2. Trong ngày có 78 ca tử vong, hơn 6,000 F0 khỏi bệnh.
Hơn 27,000 ca nhiễm mới, số F0 cộng đồng tăng hơn 10,000 ca
Tối 12/2, Bộ Y tế thông báo về 27,311 ca nhiễm mới gồm 9 ca nhập cảnh và 27,302 ca ghi nhận tại 60 tỉnh/thành, trong đó có 19,217 ca nhiễm cộng đồng (tăng 10,449 ca so với ngày 11/2).
Hôm nay có 20 tỉnh trên 500 ca gồm: Hà Nội (2,981), Nam Định (1,842), Hải Dương (1,681), Nghệ An (1,550), Hải Phòng (1,394), Thái Nguyên (978), Ninh Bình (951), Đà Nẵng (940), Vĩnh Phúc (931), Hòa Bình (884), Phú Thọ (811), Thanh Hóa (797), Bắc Ninh (745), Quảng Ninh (659), Phú Yên (569), Quảng Bình (567), Lạng Sơn (558), Quảng Nam (553), Gia Lai (525), Bắc Giang (520).
Ngày 12/2, Việt Nam có 6,270 bệnh nhân khỏi bệnh, 78 ca tử vong tại 25 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Hà Nội với 18 ca, nâng tổng số tử vong tại Việt Nam lên 38,402 trường hợp, chiếm 1.5% so với tổng số ca nhiễm.
Hiện số ca nặng đang điều trị là 2,649 ca, trong đó có 2,232 ca thở oxy, 417 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có hơn 2.484 triệu ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là hơn 2.477 triệu ca. Hiện tổng có gần 2.219 triệu bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hà Nội gần 3,000 ca nhiễm, số F0 thở máy tiếp tục giảm
Tối 12/2, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận thêm 2,981 ca dương tính mới, trong đó có 808 ca cộng đồng, nâng tổng số F0 trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) đến nay lên 168,798 ca.
Số ca nhiễm trong ngày ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó nhiều nhất là Hoàng Mai (208), Chương Mỹ (197), Nam Từ Liêm (157), Gia Lâm (143), Hoài Đức (139).
Tính đến ngày 11/2, Hà Nội có 605 ca nặng và nguy kịch, giảm 0.7% so với trung bình một tuần trước. Trong đó, bệnh nhân thở máy giảm còn 86 trường hợp, một bệnh nhân lọc máu và một ca chạy ECMO.
Hà Nội không còn khu vực vùng cam và vùng đỏ. Số xã, phường vùng xanh chiếm gần 93% (536 đơn vị), còn lại 7% là vùng vàn (43 đơn vị). Hiện đa số các hoạt động tại thành phố đã được mở lại; chỉ còn vũ trường, karaoke, massage, quán bar… chưa được hoạt động.
Trung Quốc tăng kiểm dịch nông sản Việt
Sở Công thương Lào Cai vừa gửi công văn đến Sở Công thương các tỉnh, thành, các đơn vị liên quan đề nghị chủ động việc kiểm soát, phòng dịch với hàng hóa nông sản xuất cảng.
Theo Công văn, đơn vị này cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã xét nghiệm trên phương tiện và hàng hóa nông sản gồm thanh long, tinh bột sắn,… phát hiện các trường hợp dương tính với COVID-19.
Theo thông báo từ phía Trung Quốc, nếu còn phát hiện trường hợp dương tính mới sẽ áp dụng biện pháp quản lý khống chế tạm thời với hàng hóa thực phẩm đông lạnh và trái cây, đặc biệt là quả thanh long.
Trước đó từ giữa tháng 7/2021, nhập cảng trái cây tươi của Việt Nam qua cửa Kim Thành – Hà Khẩu đã bị tạm dừng với lý do phát hiện COVID-19 trên bao bì và thùng xe thanh long.
Việc dừng này khiến kim ngạch xuất nhập qua Lào Cai năm 2021 giảm mạnh, riêng lượng thanh long giảm tới 40% so với năm trước. Từ 12/1/2022, nước này mới cho nhập khẩu trái cây tươi trở lại tại cửa khẩu Kim Thành.
Lạng Sơn dừng nhận xe hoa quả lên cửa khẩu
Cũng liên quan đến việc xuất nhập, tại Lạng Sơn, hôm 12/2, Sở Công Thương tỉnh thông báo dừng nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ để xuất sang Trung Quốc. Thời gian thực hiện từ ngày 16/2 đến hết ngày 25/2.
Hiện do các biện pháp phòng dịch từ Trung Quốc rất nghiêm ngặt, 4 cửa khẩu là Hữu Nghị, Đồng Đăng, Chi Ma và Tân Thanh hiệu suất thông quan vẫn rất thấp, trung bình mỗi ngày chỉ xuất khoảng 70-90 xe.
Tính đến sáng 11/2, tổng xe hàng chờ xuất tại Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma tiếp tục tăng, với 1,646 xe, trong đó, 1,390 xe hoa quả tươi, chiếm gần 85% tổng số xe hàng chờ xuất.
Khi nào miền Bắc hết mưa phùn, rét buốt?
Nhận định về thời tiết mưa rét ở miền Bắc trong thời gian tới, sáng 12/2, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 29/1 đến nay, các tỉnh miền Bắc rét đậm, rét hại kéo dài, kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn.
Nhiệt độ giảm sâu kèm mưa phùn, mưa nhỏ, độ ẩm không khí cao khiến người dân cảm nhận rõ thời tiết tê tái, thậm chí có cảm giác rét buốt.
Ông Hưởng cho hay, bắt đầu từ ngày mai 13/2, các tỉnh Bắc bộ sẽ chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh cường độ mạnh. Đến giữa tuần sau (khoảng 19/2), tiếp tục có thêm một đợt không khí lạnh mạnh ảnh hưởng trực tiếp.
Như vậy trong tháng 2, các tỉnh Bắc bộ chịu tác động của nhiều đợt không khí lạnh và liên tục tăng cường, được nhận định là tháng rét nhất mùa đông.
Theo chuyên gia khí tượng này, Bắc bộ sẽ còn tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh; mưa nhỏ, mưa phùn còn duy trì trong hết tháng 2 và kéo dài đến khoảng đầu tháng 3.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm