Việt Nam: Ngân hàng nhà nước đấu giá gần 17,000 lượng vàng miếng SJC
Hôm 19/4 tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra thông báo, sẽ bắt đầu đấu giá vàng miếng SJC lúc 10 giờ, thứ Hai, ngày 22/4 tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối.
Khối lượng dự kiến là 16,800 lượng, trong đó, mỗi lô giao dịch là 100 lượng, tỷ lệ đặt cọc là 10%. Giá tham chiếu đặt cọc là 81.8 triệu đồng/lượng, bước giá là 10,000 đồng.
Quy định trong phiên đấu giá vàng miếng SJC
Theo nhà điều hành, mỗi doanh nghiệp được đặt thầu tối thiểu là 1,400 lượng và tối đa 2,000 lượng, tương đương từ 14-20 lô và chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu, bằng hoặc cao hơn giá sàn.
Trường hợp không mua được kim loại quý từ thị trường quốc tế, NHNN sẽ hủy kết quả thầu. Hiện có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia dự phiên thầu này.
Cuối phiên giao dịch ngày 19/4, giá vàng miếng SJC được mua-bán ở mức 81.8 – 83.8 triệu đồng/lượng. So với giá thế giới, giá vàng miếng SJC cao hơn 12-13 triệu đồng/lượng. Còn so với giá vàng nhẫn 9999 cùng chất lượng, giá vàng miếng SJC cao hơn khoảng 7-8 triệu đồng/lượng.
Khuyến cáo về mua-bán vàng miếng SJC sau đấu thầu
Đề cập đến câu chuyện đấu thầu vàng, ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, ngoài các quy định trong đấu thầu, cơ quan quản lý cần lưu ý việc đơn vị trúng thầu bán vàng cho người dân như thế nào.
Theo ông Bảng, giới chức trách cần quản lý giá bán ra, không phải mua về rồi muốn bán ra khi nào thì bán, bán giá nào thì bán…
Tiếp tục ghi nhận nhiều tiệm vàng vi phạm
Hôm 19/4 tại Sài Gòn, Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, trong tuần qua khi kiểm tra 5 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng ở thành phố Thủ Đức, lực lượng chức năng tiếp tục ghi nhận các vi phạm.
Cụ thể, các điểm kinh doanh này đang mua-bán vàng trang sức gồm: nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền các loại không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn hàng hóa. Số hàng này hiện đã bị tạm giữ, tổng trị giá gần 234 triệu đồng.
Tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, cơ quan quản lý thị trường cũng tạm giữ vàng trang sức các loại của một doanh nghiệp tư nhân. Số hàng này không có nhãn mác, không xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, không rõ chất lượng, chưa qua sử dụng, tổng trị giá hơn 49 triệu đồng.
Hiện, các Đội QLTT thành phố đã tạm giữ số hàng hóa kim loại quý trị giá gần 500 triệu đồng.
Nhiều tiệm vàng đóng cửa để tránh kiểm tra
Trước đó tại Sài Gòn, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng ở chợ An Đông (quận 5) và chợ Thiếc (quận 11) đóng cửa, có tiệm treo biển nghỉ dài ngày.
Theo thông tin từ chủ một tiệm vàng ở quận 5, nhiều tiệm tạm đóng là để tránh kiểm tra. Bởi nếu bị kiểm tra, doanh nghiệp chắc chắn sẽ mắc sai phạm với 2 lỗi chính là: sản phẩm trang sức giả các thương hiệu nổi tiếng và lỗi về nguồn gốc xuất xứ.
Chủ tiệm này cho hay, đa số các tiệm mua vàng từ nguồn trôi nổi nên rất khó chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Khi bị lập biên bản, mức phạt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng và bị tạm giữ sản phẩm, không biết khi nào mới được lấy về.
Băng Băng tổng hợp