Việt Nam: Nắng nóng phủ khắp 3 miền, người dân thu hoạch lúa ban đêm
Theo tin phát lúc 8h ngày 2/6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hôm nay (02/6), ở khu vực Sơn La, Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng gay gắt.
Nhiều nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ như: Chi Lê, Lạc Sơn (Hòa Bình), Láng (Hà Nội), Phủ Lý (Hà Nam), Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Tây Hiếu (Nghệ An), Đô Lương (Nghệ An), Đông Hà (Quảng Trị), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Tuy Hòa (Phú Yên)….
Các nơi khác ở Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ.
Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày trong đợt nắng nóng này phổ biến 40-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-19 giờ.
Tại Hà Nội, ngày hôm nay (2/6), có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 40-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-19 giờ.
Cảnh báo: Đợt nắng nóng này ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài hết ngày 03/6, nắng nóng ở Trung Bộ từ ngày 04/6 sẽ suy giảm dần.
Người dân thu hoạch lúa ban đêm
Cuối tháng 5, các tỉnh miền Bắc và miền Trung bước vào thu hoạch lúa xuân, chuẩn bị cho vụ mùa, lại trùng vào thời điểm nắng nóng cực điểm. Để tránh nắng nóng, người dân phải thu hoạch lúa ban đêm.
Tại Hà Nội, cuối tháng 5, lúa chín vàng khắp cánh đồng ở vùng ngoại ô Hà Nội. Mùa gặt đến trùng thời điểm Hà Nội bước vào đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời buổi trưa lên đến hơn 40 độ C. Để tránh nắng, đảm bảo thời vụ, nhiều người đã chọn cách gặt lúa ban đêm.
Thời điểm người dân bắt đầu ra đồng thường vào khoảng 17h chiều khi ánh nắng đã bớt gay gắt, nhiệt độ đã giảm 4-5 độ C so với buổi trưa. Người dân ở đây chỉ cần đưa xe kéo và bì đựng đứng chờ trên bờ ruộng của gia đình mình, còn việc gặt lúa đã có máy móc thực hiện, giúp rút ngắn thời gian làm việc. Công việc sẽ kết thúc vào khoảng 21-22h đêm.
Tại Nghệ An, để tránh cái nắng như thiêu như đốt, có khi nhiệt độ lên đến 40 độ C, những ngày qua, nông dân ở nhiều địa phương tại tỉnh này phải tranh thủ làm đêm tránh nắng và kịp tiến độ.
Ở những vùng đồng đã gặt xong, bà con tranh thủ làm đất vào ban đêm, vừa tránh nắng nóng, vừa tiết kiệm thời gian, chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.
Tại Hà Tĩnh, nắng tháng 5 như cháy da cháy thịt. Để tránh nắng, nhiều nông dân Hà Tĩnh đã chọn phương án thu hoạch lúa vào ban đêm. Đây là lúc thời tiết mát mẻ, có gió dễ chịu, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con cũng như tăng năng suất lao động.
Nhờ có máy gặt nên mỗi sào chỉ gặt và tuốt trong khoảng thời gian 10 phút, người dân chỉ việc chở lúa về, tranh thủ buổi ngày phơi phong, còn rơm thì để trên ruộng cho khô rồi sau mang về.
Theo thống kê, năm 2021, Hà Tĩnh gieo cấy hơn 59,000 hecta lúa vụ Xuân. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch 53,500 hecta, đạt 90% diện tích lúa vụ xuân, năng suất bình quân đạt khoảng 58 tạ/hecta, cao hơn 2.36 tạ/hecta so với vụ lúa xuân 2020, là mức năng suất cao nhất từ trước tới nay.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, thời gian này, ở khu vực Trung Bộ, thời tiết nóng kéo dài, đồng thời xuất hiện thêm hiệu ứng gió phơn khiến độ ẩm trong không khí ở mức thấp, gây ra tình trạng khô nóng.
Ngoài dự báo về mức nhiệt độ cao, dự báo trong những ngày tới chỉ số tia UV cực đại ở Bắc và Trung Bộ ở ngưỡng rất cao. Vậy nên người dân nên có biện pháp để bảo vệ mắt và da để tránh những tia UV, hạn chế tối đa việc tiếp xúc các tia nắng trong thời gian buổi trưa, đầu giờ chiều. Đối với nông dân, tranh thủ làm đêm là một trong những cách tránh nắng, trốn nóng và bảo vệ sức khỏe.
Hướng Dương tổng hợp
Xem thêm