Việt Nam: ‘Mua máy xét nghiệm có sai, nên phê bình ở mức vừa phải’
Chủ tịch Quảng Nam Lê Trí Thành khẳng định cán bộ, công chức có sai sót trong việc mua máy xét nghiệm virus Vũ Hán giá 7,23 tỷ đồng nhưng cũng lại rất có công, hậu quả chưa xảy ra, cũng nên “phê bình ở mức độ vừa phải”.
Truyền thông trong nước cho biết thanh tra tỉnh Quảng Nam vừa công bố kết luận thanh tra liên quan đến gói thầu mua máy xét nghiệm Real-time PCR tự động với giá 7,2 tỷ đồng.
Buổi công bố này báo chí không được tham dự.
Theo tờ Tuổi trẻ hôm 24/6, đoàn thanh tra khẳng định có sai phạm trong quá trình xây dựng giá, thẩm định giá gói thầu tại Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam.
Trong báo cáo được Thanh tra tỉnh Quảng Nam công bố, 2/3 bảng báo giá của ba công ty để Sở Y tế đề xuất và Sở Tài chính thẩm định làm căn cứ xác định dự toán giá gói thầu là không đúng quy định, vi phạm khoản 4 điều 89 và khoản 4 điều 17 Luật đấu thầu năm 2013.
Kết luận thanh tra cho hay do hệ thống máy đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, chưa nghiệm thu thanh toán nên chưa thể xác định thiệt hại xảy ra.
Thanh tra tỉnh đề nghị tỉnh hủy thầu đối với gói thầu trên; kiểm điểm cán bộ, công chức đối với Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài chính cùng các cá nhân có liên quan.
Trước đề nghị trên, hôm 26/6, tờ Đại đoàn kết dẫn lời chủ tịch Quảng Nam Lê Trí Thành nói rằng: “Anh em có sai sót trong việc mua Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động nhưng cũng rất có công, hậu quả chưa xảy ra nên cũng phê bình ở mức độ vừa phải, lấy đại cục trên hết”.
Việc thanh tra máy xét nghiệm COVID-19 tại Quảng Nam diễn ra sau khi cả nước xôn xao vụ PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 người khác nâng khống giá máy xét nghiệm.
Máy có giá 2 tỷ đồng nhưng kê tới 6 – 7 tỷ đồng, tức “tham nhũng” từ 4 – 5 tỷ đồng, khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải thốt lên rằng “cán bộ ăn quá dày”.
Trước đó, hôm 29/4, Quảng Nam cũng đã tổ chức họp báo về việc này. Trước khi vào nội dung chính buổi họp, ông Lê Trí Thanh đã “đổ thừa” ngay cho Sở Y tế rằng tỉnh chỉ đồng ý về mặt chủ trương, chứ tỉnh không nói mua như thế nào, mua của ai, giá bao nhiêu.
Đáng chú ý, tại buổi họp, Công ty Giải pháp Việt (công ty bán máy cho Quảng Nam, được chỉ định thầu) đã đồng ý giảm giá máy từ 7,23 tỷ xuống còn 4,8 tỷ đồng (tức là giảm tới 2,43 tỷ đồng), với lý do là do dịch COVID-19.
Nếu không có báo chí và dư luận lên tiếng, liệu Quảng Nam có cho thanh tra lại việc mua máy xét nghiệm, và số tiền 2,43 tỷ đồng sẽ đi về đâu?