Việt Nam: Lại thêm một quy trình làm nghèo đất nước
Những sự việc được phơi bày công khai trên mặt báo về việc “làm nghèo đất nước”, quả thực mới chỉ là những việc như mua máy móc cũ của Trung Quốc, xây hàng chục tượng đài, đi xe sang, tiêu xài của công lãng phí, đi nước ngoài bằng tiền ngân sách…, nhưng việc làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng từ ngân hàng BIDV, là nguồn vốn để phát triển kinh tế, thì mới đích thực là việc “làm nghèo đất nước” rất đáng quan tâm.
Thời gian qua dư luận rất chú ý về việc Tòa án Hà Nội sẽ xét xử đại án tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đây là một trong 10 đại án sẽ được xét xử trong năm 2020 này, với kỳ vọng bớt được việc làm nghèo đất nước. Tuy nhiên ngày 16/7 Tòa án Hà Nội đã trả lại hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Án này có 12 bị cáo, đứng đầu là Trần Bắc Hà (đã tử vong trong nhà tù ở Sơn Tây tháng 7 năm 2019), nguyên là Chủ tịch HĐQT của BIDV, cùng với 3 lãnh đạo nguyên là phó tổng giám đốc kỳ cựu của BIDV và các lãnh đạo khác của BIDV, Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng.
Theo cáo trạng, trong thời gian 2011-2016 BIDV đã cho Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng vay vốn trái quy định, gây thất thoát cho BIDV 72 triệu USD. Tóm tắc việc cho vay này như sau:
Bóp méo quy trình thẩm định vốn vay trong vụ Công ty Bình Hà
Công ty Bình Hà, là công ty của gia đình Trần Bắc Hà. Theo cáo trạng, ngày 15/4/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản cấp 2,163.5 hecta đất, đã được giải phóng đền bù mặt bằng đầy đủ, thời hạn 50 năm, tại hai huyện Kỳ Anh và Huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cho Công ty Bình Hà để thực hiện dự án nuôi bò. Quy mô dự án 250,000 con bò một năm, với vốn đầu tư hơn 200 triệu USD.
Công ty Bình Hà vừa mới thành lập, không đủ điều kiện có 3 năm kinh doanh để xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, vốn tự có rất ít, không đủ tài sản để bảo đảm, việc chứng minh hiệu quả kinh tế của dự án không thuyết phục; đơn giản là lấy cỏ tươi ở đâu để hàng trăm nghìn con bò ăn hàng ngày cũng đã không chứng minh được. Vì thế, Công ty Bình Hà không đủ điều kiện để vay vốn của BIDV.
Nhưng một số lãnh đạo của BIDV và BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh đã nhiều lần sửa đổi các điều kiện cho vay nhằm bỏ qua hoặc nới lỏng các quy định trong quy trình cho vay. Từ đó BIDV và BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh đã chuyển ngân hàng trăm triệu USD cho Công ty Bình Hà mà không theo dõi tiền ấy đi đâu. Cơ quan công an cũng đã xác định, Trần Duy Tùng con trai Trần Bắc Hà đã gửi hơn 10 triệu USD (khoảng 8% số tiền vay) ở ngân hàng Lào, rồi thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú của Tùng để góp vốn 10% vào LaoVietBank.
Vay được lượng tiền khổng lồ thế, nhưng Công ty Bình Hà không đầu tư vào nuôi bò thật, chỉ làm vài dãy chuồng lợp tôn tạm bợ, mua bò về nuôi nhốt rồi thuê người trồng chuối, trồng cỏ. Nông dân ở đây còn biết là thời tiết của Hà Tĩnh vừa nắng, vừa gió Lào, nhiệt độ trung bình rất cao, không thuận lợi cho chăn nuôi bò quy mô lớn, vậy mà Công ty Bình Hà vẫn cứ làm. Kết quả là chỉ hơn một năm sau, giữa 2016 thì Bình Hà đã trong tình trạng “chết dở”, không còn một con bò nào, chuồng trại bỏ hoang tàn, người làm công nghỉ việc không được trả lương, thua lỗ trầm trọng.
Đến thời điểm khởi tố 11/2018, số dư nợ cả ngắn hạn và dài hạn của Bình Hà tại BIDV là 60 triệu USD, kinh doanh lỗ 40 triệu USD, tài sản còn lại 24 triệu USD. Hiện nay, BIDV đang đàm phán với Công Ty Hoàng Anh Gia Lai (và một số đối tác khác) để đáo nợ. Theo cơ quan công an thì Hoàng Anh Gia Lai đã có “cam kết” hợp tác kinh doanh nhận tài sản 24 triệu USD, chủ yếu là hơn 1,000 hecta đất (trong số 2.163, 5 ha được giao) để trồng trái cây xuất khẩu và hứa sẽ trả nợ gốc 54 triệu USD cho BIDV trong vòng 9 năm, mỗi năm trả 6 triệu USD. Sau khi cân đối trên giấy như thế, cáo trạng chỉ ra số nợ không thu hồi được chỉ còn là 34 triệu USD.
Ở đây có ý kiến cho rằng chỉ riêng việc Hoàng Anh Gia Lai cam kết trả nợ thay 6 triệu USD một năm là khó thực hiện. Giả sử Hoàng Anh Gia Lai trồng cây xuất khẩu có lợi nhuận 5% một năm là tốt rồi, nhưng muốn có 6 triệu USD tiền lãi thì phải có vốn đầu tư là 120 triệu USD. Đây là điều khó thành hiện thực khi Hoàng Anh Gia Lai cũng đang rất khó khăn về tài chính, lấy đâu ra lượng vốn rất lớn ấy. Hơn nữa nếu có lượng vốn ấy thì công ty này trồng cây ở Tây Nguyên sẽ hiệu quả hơn ở Hà Tĩnh rất nhiều.
Có hay không việc mất kiểm soát tín dụng trong vụ Công ty Trung Dũng
Công ty Trung Dũng tuy không phải là của Trần Bắc Hà, nhưng lại được ông chỉ đạo BIDV Chi nhánh Hà Thành ưu ái cho vay gấp mấy lần vốn điều lệ.
Trong quá trình xét duyệt cho vay, Công ty Trung Dũng cũng không đạt yêu cầu theo quy định, nhưng BIDV chi nhánh Hà Thành vẫn cho vay dẫn đến gây mất vốn 37 triệu USD, sau khi giải quyết thu nợ, đến nay còn 11 triệu USD không có khả năng hoàn trả.
Cũng theo kết luận của công an, có một điểm lưu ý là Công ty Trung Dũng cùng lúc còn vay ở Vietinbank Chi nhánh Hà nội, tính đến hết 2018 còn 9,5 triệu USD nợ không có khả năng hoàn trả, và vay ở MBBank tổng số dư nợ đến 4/4/2019 là 20 triệu USD không còn khả năng hoàn trả.
Trong khi Công ty Trung Dũng có báo cáo tài chính rất khó khăn, cùng lúc đang vay ở hai ngân hàng khác hàng mấy chục triệu USD như thế, chắc chắn là BIDV Chi nhánh Hà Thành hoàn toàn biết các thông tin này, vì trong hệ thống ngân hàng có nguồn cung cấp thông tin để phòng ngừa rủi ro tín dụng, nhưng BIDV Chi nhánh Hà Thành vẫn cố tình cho vay sai quy định. Tổng cộng Công ty Trung Dũng đang nợ các ngân hàng là 41 triệu USD, không còn khả năng hoàn trả.
Đâu là hy vọng về tương lai tốt đẹp của Việt Nam?
Hoạt động ngân hàng luôn phải chịu rất nhiều quy chế để phòng tránh rủi ro, gồm các quy định của Ngân hàng Nhà nước, của cơ quan quản lý vốn nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan thanh tra ngân hàng, cơ quan thuế, kiểm toán nhà nước, kiểm toán nội bộ…
Có chuyên gia tài chính cho rằng, cứ nhìn qua các con số đưa ra như nêu trong cáo trạng thì đây là các con số tự ‘‘chế biến’’. Có ai đó coi đây như là tiền không phải của nhân dân nên thích đưa ra con số nào cũng được.
BIDV là ngân hàng cổ phần, nhưng nhà nước chiếm cổ phần chi phối, tiền này là tiền của nhân dân gửi vào, nguồn tiền này cũng chính là nguồn lực tài chính quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Thế nên nếu mất đi nguồn lực kinh tế này thì chính là làm nghèo đất nước. Công luận cho rằng cần có một quy trình đánh giá nợ tổn thất thật khách quan, chứ không thể cứ giữ cách làm là ngân hàng cứ lỗ thì đưa vào xử lý nợ, rồi báo lãi ít đi, làm cho ngân sách nhà nước thất thu. Quả thực là có thể vẫn còn có ai đó đang biến ngân hàng này thành sở hữu tư nhân nên mới tính toán như vậy.
Mặt khác Hội đồng quản trị của BIDV có các thành viên đại diện sở hữu vốn nhà nước, có các thành viên độc lập, tại sao cấu trúc hội đồng quản trị mà chủ tịch lại có toàn quyền như vậy? Đây chính là vấn đề khó kiểm soát khi trao rất nhiều quyền lực vào tay một người. Thường thì chủ tịch kiêm bí thư đảng ủy là người tối cao của một tập đoàn quốc doanh, người ấy có quyền quyết định mọi vấn đề mà không ai có thể phản đối, vì thế mới có việc cả 3 phó tổng giám đốc kỳ cựu của BIDV phải nghe theo chỉ đạo làm sai dẫn đến thất thoát quá lớn nguồn lực đầu tư của đất nước. Đây chính là nhược điểm của cơ chế độc quyền, không thể bào chữa.
Giá như ‘mẹ ngân sách’ không bị rút ruột từ những tổn thất hàng trăm triệu USD từ các đại dự án, thì việc doanh nghiệp tư nhân “đói vốn” cũng đỡ đi phần nào. Giá như không mất đi mấy trăm triệu USD này thì có thể làm được mấy trăm cây cầu cho miền núi xa xôi, giúp các học sinh không phải lội sông để đi học trong nguy hiểm.
Dư luận kỳ vọng vào việc xét xử nghiêm minh làm bài học giáo huấn cho những người đang giữ trong tay trọng trách, đừng tiếp tục làm nghèo đất nước, với hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam quê hương tôi.