Việt Nam: Kết quả giải trình tự gene 22 ca nghi nhiễm biến chủng Omicron ở Hà Nội
Sáng 30/12, CDC Hà Nội cho biết, thành phố hiện chưa ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mang biến chủng Omicron.
Hà Nội chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mang biến chủng Omicron
Theo CDC Hà Nội, trong 28 mẫu được lấy trên các bệnh nhân có kết quả PCR dương tính để giải trình tự gene, kết quả có 15 mẫu thuộc biến thể Delta, 7 mẫu không đủ tải lượng để giải trình tự gene, 6 mẫu còn lại chưa có kết quả. Hà Nội chưa ghi nhận biến chủng Omicron.
Về phía Sở Y tế Hà Nội, theo ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở, việc lấy mẫu F0 gửi giải trình tự gene là lấy ở khu vực nguy cơ cao chứ không phải lấy mẫu người đi cùng chuyến bay với ca Omicron.
Chia sẻ về thông tin liên quan F0 mang biến chủng Omicron, ông Cương cho hay, hiện những người đi trên chuyến bay với F0 trên không cách ly ở Hà Nội, mà cách ly tại Thanh Hóa.
Trước đó, trưa 28/12, Việt Nam thông báo về ca bệnh COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên. Đây là trường hợp nhập cảnh từ Anh, được cách ly ngay nên theo nhận định, không có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Tỷ lệ tử vong do biến chủng Omicron thấp hơn 75%
Kết luận của các nhà khoa học được đăng tải trên tờ Telegraph của Anh Quốc, trích dẫn dữ liệu nghiên cứu từ Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi và Đại học Pretoria cho biết, tỷ lệ tử vong ở các F0 nhiễm biến chủng Omicron thấp hơn đến 75% so với các biến chủng khác ở các đợt bùng phát trước đó.
Tại thành phố Tshwane ở tỉnh Gauteng (Nam Phi), nơi là tâm chấn đầu tiên của đợt bùng phát biến chủng Omicron, trong số các F0 nhập viện được theo dõi, có 4.5% ca tử vong. Trong khi ở các đợt bùng phát trước đó do các biến chủng khác, tỷ lệ này lên tới 21.3%.
Bên cạnh đó, trong số các F0 nhập viện điều trị, chưa đến 50% cần hỗ trợ thở oxy, trong khi tỷ lệ này ở các ca nhiễm những biến thể trước lên tới 99.5%. Ngoài ra, số người cần được chăm sóc đặc biệt cũng thấp hơn nhiều, khoảng 1% so với 4.3% trong các đợt bùng phát trước đó. Số bệnh nhân nhiễm Omicron được xuất viện sau 4 ngày điều trị, trong khi ở các biến thể khác là 8.8 ngày.
COVID-19 sẽ thành bệnh đặc hữu, xuất hiện theo mùa
Với kết quả theo dõi trên, các nhà khoa học cho rằng, sắp có một ‘sự tách biệt hoàn toàn giữa tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong’, dẫn tới chấm dứt dịch bệnh và chuyển sang giai đoạn dịch bệnh đặc hữu, mang tính địa phương, xuất hiện theo mùa.
Theo các chuyên gia, bệnh đặc hữu có nghĩa là virus sẽ tiếp tục lưu hành toàn cầu trong nhiều năm, nhưng mức độ phổ biến và tác động của nó sẽ giảm xuống mức có thể kiểm soát được. Khi đó, COVID-19 giống như bệnh cúm hơn là một căn bệnh đang làm đình trệ cả thế giới.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/12 nhận định, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron.
Tiến sĩ Ryan cũng cho rằng, giai đoạn “cấp tính” của dịch COVID-19 có thể kết thúc vào năm tới, song virus viêm phổi Vũ Hán sẽ không biến mất.
Vào cuối tháng 11/2021, biến chủng Omicron được ghi nhận đầu tiên tại Nam Phi. Biến chủng này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn chủng Delta và có thể lẩn tránh vaccine COVID-19.
Đến nay, biến chủng này đã xuất hiện ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Hoa Kỳ, Anh quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định, đây là biến chủng đáng lo ngại do gây ra sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học COVID-19, nhiều khả năng Omicron sẽ lây lan ở mức độ toàn cầu. |
Hàn Băng tổng hợp
Xem thêm