Việt Nam: Hàng chục ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, cao nhất 1.6%/năm
Từ đầu tháng Năm đến nay tại Việt Nam, đã có thêm nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn.
Tính đến ngày 06/05, có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong vòng một tháng qua, trong đó đa số điều chỉnh vào đầu tháng Năm. Không có ngân hàng nào giảm lãi suất.
Lần đầu tiên lãi suất tiền gửi đồng loạt tăng
Ngân hàng tăng mạnh nhất là LPBank, lên tới 1.6%/năm. Nhiều ngân hàng khác như Sacombank, TPBank, VIB, BVBank, Shinhan Bank, GPBank, BacABank cũng tăng từ 0.1% tới 0.5%/năm.
Tại Sacombank, hiện lãi suất tiền gửi cao nhất là 5.2%/năm; NCB là 5.7%/năm. So với vài tháng trước, mức lãi suất trên 5% cũng được ghi nhận ở nhiều hơn.
Tuy nhiên, đợt tăng lãi suất tiền gửi lần này diễn ra tại các ngân hàng vừa và nhỏ, chưa có sự tham gia của các ngân hàng tư nhân lớn hay nhóm ngân hàng quốc doanh.
Dù vậy, đây cũng là lần đầu tiên hệ thống ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi sau hơn một năm liên tục giảm.
Người dân rút dần tiền gửi ra khỏi ngân hàng
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, lãi suất tiền gửi tăng trở lại trong bối cảnh người dân rút dần tiền gửi ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 25/03, số vốn từ dân cư và các tổ chức tín dụng đã giảm 0.76% so với đầu năm. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến 31/03 cho thấy lãi suất tiền gửi bình quân giảm 0.5% so với cuối năm 2023.
Lãi suất cho vay chưa biến động nhiều
Dự báo trong nửa cuối năm nay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ có thể tăng thêm đến 0.7%/năm. Tuy nhiên theo chuyên gia của MBS, lãi suất cho vay sẽ vẫn duy trì như hiện tại.
Tại Sài Gòn, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (ở Đại học Kinh tế) cho rằng, lãi suất tăng nhẹ chứ chưa tạo thành xu hướng tăng nhanh.
Chính phủ hiện đang ưu tiên tăng trưởng kinh tế nên Ngân hàng Nhà nước khó có thể tăng mạnh lãi suất. Và tạm thời, thị trường lãi vay sẽ chưa biến động nhiều.
Băng Băng tổng hợp