Việt Nam: Giá cau tươi tăng cao kỷ lục, thương lái tranh mua để giữ mối
Việt Nam – Những ngày gần đây tại tỉnh Quảng Ngãi, mỗi ký cau tươi được thu mua với giá cao kỷ lục, gấp gần 5 lần so với cùng thời kỳ năm ngoái, nhưng thương lái vẫn tranh nhau mua để giữ mối.
Giá cau tươi liên tục tăng, lên mức kỷ lục vào tháng Sáu
Giá mỗi ký cau tươi (loại có cả cuống và trái) mà các thương lái thu mua tại vườn là khoảng 50,000 – 55,000 đồng/kg.
Mọi năm vào mỗi dịp hè, mỗi ký cau tươi có giá khoảng hơn 10,000 đồng, nhưng năm nay giá liên tục tăng.
Vào cuối tháng Tư, loại trái này có giá khoảng 25,000 đồng/kg, nhưng sau đó giá tăng lên gấp đôi vào tháng Sáu, ở mức 50,000-55,000 đồng/kg.
Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay tại tỉnh này, và cao gần gấp 5 lần so với cùng thời kỳ năm 2023.
Mỗi cây có thể cho ra 5-6 ký trái cau tươi
Các chủ vườn cho biết, cau trồng sau khoảng 5-6 năm thì bắt đầu ra trái. Nếu được chăm sóc tốt, mỗi cây cau có thể ra trái có trọng lượng từ 5-6 kg, thậm chí có những cây cho trái tới 10 ký.
Với giá 50,000 đồng/kg, mỗi buồng cau nặng khoảng 5kg, người dân sẽ bán được với giá 250,000 đồng. Người dân ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, thu về khoảng 10 triệu đồng sau khi bán 40 buồng cau trong vườn.
Tuy vậy, theo các tiểu thương, Quảng Ngãi vẫn chưa phải là nơi có giá thu mua cao nhất. Ở Đắk Lắk, giá mỗi ký cau tươi được các thương lái thu mua tại vườn lên 75,000 đồng, dành cho loại trái đẹp, chất lượng tốt.
Cau tươi được sấy khô, xuất cảng sang Trung Quốc làm kẹo
Một tiểu thương ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng này là Trung Quốc.
Sau khi thu mua tại vườn, thương lái sẽ chở đến nơi tập trung hàng, tách trái khỏi cuống và sấy khô.
Thông thường 7-8 ký trái cau tươi sẽ cho ra một ký cau khô. Sau khi sấy khô, cau sẽ được xuất cảng sang Trung Quốc để làm kẹo.
Vào mỗi dịp Tết, do nhu cầu lớn nên loại trái này thường bán được giá cao nhất, trên 100,000 đồng/kg và sau đó giảm dần.
Tình trạng cau tươi tăng giá tiềm ẩn nhiều rủi ro
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có diện tích trồng cau lớn nhất Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở huyện miền núi Sơn Tây với diện tích khoảng 1,000 hecta. Huyện này được mệnh danh là xứ ngàn cau.
Tuy nhiên, do cau được trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà dân nên ngành nông nghiệp ở tỉnh này chưa có số liệu thống kê trên toàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây, cơn sốt giá nói trên đã khiến thương lái tìm mua cau tại nhiều nhà vườn. Tuy nhiên, loại trái này chưa vào vụ thu hoạch chính, nên có một số diện tích bị thu hoạch sớm.
Vị lãnh đạo này cho rằng cây cau mang lại thu nhập tốt cho người dân miền núi như huyện Sơn Tây, nhưng đầu ra lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ông mong rằng, khoảng một tháng nữa khi vào chính vụ, giá thu mua vẫn cao để người dân bán được giá.
Tuy vậy, tình trạng thương lái tranh nhau mua cau vì sợ mất mối với nhà vườn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi giá cả biến động ở thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, giá cau tăng cao cũng khiến nhiều chủ vườn lo lắng nạn trộm hoành hành, bởi các vườn cau cách khá xa các khu dân cư, nên rất dễ bị trộm.
Để ngăn nạn trộm cắp, các chủ vườn đã dựng lều ở vườn để canh giữ. Một số người dân ở huyện Sơn Tây dùng cây lồ ô vót nhọn, cột chi chít vào thân cau để ngăn ngừa kẻ trộm.
Ca dao Việt Nam về tình cảm hiếu thuận
Ai về tôi gửi buồng cau
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy
Ai về tôi gửi đôi giày
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
Băng Băng tổng hợp