Việt Nam: Ghi nhận thêm 6 loài thực vật mới trong hang động ở miền Bắc
Mới đây, Cổng thông tin điện tử Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có bài viết ‘Phát hiện nhiều loài thực vật mới trong hang động miền Bắc Việt Nam.’
Bài viết cho biết, qua điều tra, các nhà khoa học đã thu thập được 934 mẫu tiêu bản thực vật của 539 số hiệu mẫu vật.
Hơn 900 mẫu tiêu bản này được ghi nhận ở 33 hang động thuộc 8 tỉnh miền Bắc, bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, và Thanh Hóa.
Thêm 6 loài thực vật mới cho hệ thực vật Việt Nam
Theo kết quả nghiên cứu, nhóm ghi nhận 3 loài mới cho hệ thực vật thế giới, có tên gọi là Bredia bullata, Microchiriata minor, và Primulina crassifolia.
Với hệ thực vật Việt Nam, kết quả nghiên cứu của nhóm đã bổ sung 6 loài, gồm Aristolochia austroyunnanensis, Brandisia kwangsiensis, Euchresta tubulosa, Henckelia nanxiensis, Primulina jingxiensis, và Spiradiclis baishaiensis.
Các nhà khoa học bước đầu đã đánh giá tình trạng nguy cấp và hiện trạng bảo tồn cho 6 loài thực vật hang động mới này.
Cũng trong nghiên cứu này, nhóm xác định được 337 loài thuộc 142 chi của 63 họ thực vật hang động miền Bắc. Trong đó, nhóm Dương xỉ (Pteridophytes) gồm 53 loài, và nhóm Hạt kín (Angiospermae) với 284 loài.
Ngoài ra các nhà khoa học đã xác định 6 yếu tố địa lý thực vật chính, trong đó yếu tố nhiệt đới Á Châu chiếm ưu thế với 21.7%.
Số loài thực vật giảm, tỷ lệ tái sinh thấp
Theo kết quả nghiên cứu, thành phần loài thực vật giảm rõ rệt, tỷ lệ tái sinh thấp, phụ thuộc vào đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình, và đặc điểm sinh học của loài.
Kết quả cũng xác định tình trạng nguy cấp của 25 loài thực vật hang động ở miền Bắc thuộc trong Danh lục Đỏ của IUCN (2023), 4 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam (2007)…
Hơn 220 loài thực vật có giá trị sử dụng
Nhóm đã xác định được 221 loài có giá trị sử dụng, trong đó có 82 loài làm thuốc, 40 loài là nguồn gene quý hiếm, 14 loài làm lương thực, thực phẩm, 107 loài sử dụng làm cảnh, 15 loài sử dụng lấy gỗ củi, 4 loài làm dây buộc.
Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu mong muốn tiếp tục phân tích và phân loại các mẫu đã thu thập để xác định loài; đồng thời tiếp tục bổ sung thành phần loài thực vật hang động ở vùng núi đá vôi khu vực miền Trung Việt Nam.
Băng Băng tổng hợp