Việt Nam ghi nhận hơn 30,000 ca sốt xuất huyết, dự báo còn tăng
Mới đây Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 30,265 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế đánh giá bệnh SXH đang có dấu hiệu gia tăng, trở thành gánh nặng cho ngành Y tế, và để lại nhiều hệ lụy cho người bệnh. Các chuyên gia cho rằng SXH không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ, mà năm nào cũng có.
Số ca SXH tăng cao tại một số tỉnh, thành phố
Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành phố ghi nhận sự gia tăng số bệnh nhân mắc SXH.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận 745 ca bệnh ở 30/30 quận, huyện, thị xã, tăng 360 ca so với cùng thời kỳ năm 2023, không có trường hợp tử vong.
Tại Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm tỉnh này ghi nhận 2,162 ca, tăng 1,200 ca so với cùng thời kỳ năm 2023, có 1 trường hợp tử vong ở thành phố Bảo Lộc.
Ở Đắk Nông, hôm 01/07 Bệnh viện đa khoa tỉnh này cho biết một bệnh nhân 42 tuổi (ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp) đã tử vong do SXH.
Theo Sở Y tế Đắk Nông, hiện số ca bệnh SXH đã tăng hơn gấp đôi so với cùng thời kỳ năm 2023 và có xu hướng tăng mạnh.
Tính riêng trong tháng 06/2024, Đắk Nông ghi nhận 789 trường hợp mắc SXH, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên gần 1,350 ca, nhiều nhất là ở thành phố Gia Nghĩa và các huyện Đắk Song, Đắk R’lấp…
Trong đó, số ca mắc SXH tại thành phố Gia Nghĩa đang tăng rất nhanh. Chỉ trong 7 ngày (từ 27/06 đến 04/07), thành phố ghi nhận 143 ca bệnh.
Trong gần một tháng nay, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Đắk Nông tiếp nhận 70-80 ca bệnh mỗi ngày, có hôm hơn 100 ca mắc SXH, gây quá tải cho việc điều trị của bệnh viện.
Sài Gòn ghi nhận xu hướng gia tăng số bệnh nhân SXH
Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ hiện đã bước vào mùa mưa, ngành y tế ở đây ghi nhận xu hướng gia tăng số ca mắc SXH.
Theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu không phòng dịch tốt, nguy cơ bùng phát dịch SXH là rất cao, kéo theo nhiều ca nặng và tử vong.
SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 2.5 tỷ người sống trong vùng có SXH, và căn bệnh này đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của khoảng một nửa dân số thế giới. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 100-400 triệu ca nhiễm.
Đến nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc phòng bệnh SXH hiện nay chủ yếu dựa vào giám sát vector truyền bệnh sốt xuất huyết và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân.
Băng Băng tổng hợp