Việt Nam đang tồn kho hơn 100,000 tấn thanh long, hàng triệu tấn hoa quả nguy cơ ùn ứ
Hôm 6/1, tại Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ khi phía Trung Quốc dừng nhập cảng, ước tính đang có hơn 100,000 tấn thanh long đã thu hoạch hiện chưa có đầu ra tiêu thụ.
Theo Bộ NN&PTNT, trong số 300,000 tấn thanh long cần tiêu thụ trong quý 1, riêng 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang chiếm tới 240,000 tấn, cần phải tìm các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ loại trái cây này.
Cụ thể, trong tháng 1/2022, số lượng thanh long cần tiêu thụ tại 3 tỉnh trên là trên 111,000 tấn, tháng 2 hơn 63,000 tấn, tháng 3 là hơn 51,000 tấn.
Đó là bài toán khó đối với mặt hàng thanh long, còn với các nông sản khác thì sao? Hiện việc xuất cảng nông sản sang Trung Quốc đang bị ách tắc, ùn ứ tại các cửa khẩu.
Ngày 30/12/2021, tỉnh Quảng Ninh thông báo dừng hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập cảng. Bên cạnh đó, do phía Trung Quốc yêu cầu cách ly bắt buộc tới 21 ngày với người làm việc tại khu vực cửa khẩu, bến cảng trước khi về quê, nên người làm việc và các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nghỉ Tết Nguyên Đán sớm hơn mọi năm.
Hiện cửa cảng tại Quảng Ninh, lượng hàng tập kết chờ làm thủ tục khoảng 1,600 container và 450 phương tiện còn lưu lại bên Trung Quốc.
Còn tại Lạng Sơn, tỉnh này chỉ còn 3 cửa khẩu hoạt động, tốc độ thông quan dưới 100 xe/ngày. Trong khi khu vực cửa khẩu ùn ứ gần 3,000 xe nông sản chờ xuất sang Trung Quốc, chủ yếu là mít, xoài, dưa hấu.
Cũng trong sáng 6/1, Cục Trồng trọt, thuộc Bộ NN&PTNT cho hay, sản lượng trái cây thu hoạch trong 3 tháng đầu năm 2022 rất lớn. Chỉ tính riêng sản lượng thanh long, chuối, mít, xoài, bưởi, cam, dứa, sầu riêng đã lên tới 2.7 triệu tấn.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, thanh long vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng, đa dạng thị trường xuất cảng, đặc biệt là tại các nước EU.
Tại các quốc gia này, trái cây chỉ cần bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, không cần thỏa thuận mở cửa thị trường. Các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông cũng có nhu cầu lớn nhập cảng thanh long và một số loại rau quả tươi, rau gia vị từ Việt Nam.
Ông Hòa khuyến cáo, để mở rộng và đa dạng thị trường xuất cảng thanh long, các doanh nghiệp cần nắm vững các quy định về kỹ thuật, yêu cầu tiêu chuẩn cụ thể của các thị trường; thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm, kiểm tra giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên về ngắn hạn, liệu đó có phải là giải pháp để giải quyết nhu cầu cấp bách khi một thực tế, là nông sản Việt đang tồn kho với số lượng lớn, hàng triệu tấn hoa quả nguy cơ ùn ứ, cần tiêu thụ sớm trước khi hỏng, phải vứt bỏ.
Hơn nữa về dài hạn, theo chuyên gia Hòa chia sẻ, liệu có khả thi khi việc trồng trọt tại Việt Nam lại theo hướng manh mún, gia đình. Đáng chú ý, người dân canh tác lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một nguyên nhân chủ yếu khiến nông sản Việt dù đa dạng, cũng vẫn bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà không thể xuất sang các quốc gia khác trên thế giới.
Hàn Băng tổng hợp
Xem thêm