Việt Nam: Còn 13,400 lượng vàng miếng SJC sau phiên đấu giá đầu tiên
Sáng 23/4 tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng SJC đầu tiên trong năm 2024.
Trong phiên đấu giá, có 11 đơn vị, gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp là SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý tham gia dự thầu. Kết quả, có 2 đơn vị trúng thầu là Công ty SJC và Ngân hàng Á Châu (ACB).
Trong tổng 16,800 lượng vàng miếng SJC chào thầu, có 3,400 lượng (tương đương 34 lô) được bán ra với giá thấp nhất là 81.32 triệu và giá cao nhất là 81.33 triệu đồng/lượng.
Giá phát thầu cao hơn 1.5 triệu đồng so với giá mua vào
Trước đó, NHNN đưa ra mức giá phát thầu là 81.32 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn khoảng 1.5 triệu đồng/lượng so với mức giá mua vào trên thị trường của các đơn vị tại cùng thời điểm.
Bên cạnh đó, tại thời điểm phiên đấu thầu chuẩn bị diễn ra, giá vàng thế giới đã giảm mạnh hơn 30 USD/ounce, dao động trong khoảng trên dưới 2,300 USD/ounce (khoảng 71 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí). Các doanh nghiệp tại Việt Nam đồng loạt giảm giá vàng miếng SJC, mua-bán về mức 79.8 – 82.3 triệu đồng/lượng.
Sau khi kết thúc phiên đấu thầu vào trưa cùng ngày 23/4, giá mua vàng miếng SJC trên thị trường bật tăng trở lại, đắt hơn giá vàng thế giới 12 triệu đồng/lượng.
Với 2 thành viên trúng thầu 3,400 lượng, tương ứng 20% khối lượng đấu thầu, kết thúc phiên đấu giá hôm 23/4, còn 13,400 lượng vàng miếng SJC chưa ai mua.
Nguyên nhân khiến vàng miếng SJC còn nhiều
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, giá cao chính là nguyên nhân khiến vàng miếng SJC còn nhiều.
Để có mức giá hấp dẫn, NHNN có thể lấy giá mua bình quân của các đơn vị kinh doanh vàng lớn để phát giá. Ngoài ra, với khối lượng tối thiểu 1,400 lượng, sẽ phải mất khoảng một tuần một đơn vị kinh doanh mới có thể bán hết. Ông Khánh cho rằng, NHNN nên điều chỉnh lại khối lượng đấu thầu tối thiểu và tối đa xuống 1,000-2,000 lượng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối Tác Mới cho rằng, mức giá trúng thầu là khá cao so với giá thị trường, cho thấy giá bán lẻ sẽ tiếp tục duy trì quanh mức 82 triệu đồng/lượng. Với quy mô giao dịch khá “mỏng” hiện nay, ông Trong nghĩ NHNN nên điều chỉnh khối lượng tối thiểu xuống 500 lượng.
Cần xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, kết quả đấu thầu này không tác động nhiều đến thị trường vàng, nhất là khi giá trúng thầu không thấp hơn nhiều so với giá bán ra của SJC. NHNN cần tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng trong thời gian tới.
Tuy nhiên về dài hạn, NHNN nên sửa đổi Nghị định về quản lý thị trường vàng, trong đó, xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và cho phép một số doanh nghiệp nhập vàng.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cũng cho hay, việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn và chưa đủ để kéo chênh lệch giá vàng nội địa với quốc tế. Giải pháp về dài hạn là sửa đổi Nghị định phù hợp hơn và nên bỏ độc quyền sản xuất và nhập vàng miếng của NHNN.
Băng Băng tổng hợp