Việt Nam: Cảnh báo sứa lửa ở vùng biển Nha Trang gây nguy hiểm
Ngày 09/07, Ban quản lý vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ra thông báo về việc xuất hiện sứa lửa tại các bãi tắm trên bờ biển Nha Trang.
Cảnh báo sứa lửa ở vùng biển Nha Trang
Đây là thời điểm sinh sản của loài sứa, nên sứa lửa thường xuất hiện tại một số bãi tắm, và có thể ảnh hưởng đến người dân và du khách.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Huy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho hay trên đầu con sứa có các xúc tu chứa độc tố. Nếu không may bị sứa cắn, người dân và du khách sẽ bị nhiễm độc.
Trường hợp bị nhẹ, người bị sứa cắn sẽ có cảm giác ngứa rát trên da, nặng thì có thể gây sốc phản vệ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, thì người bị sứa cắn có nguy cơ tử vong.
Người dân tắm ở biển Hòn Chồng bị nổi mẩn là do sứa biển
Trước đó, hôm 05/07, liên quan đến phản ánh của người dân về việc khi tắm ở biển Hòn Chồng bị nổi mẩn khắp người, giới chức trách thành phố Nha Trang cho biết là do sứa biển. Thời điểm này hàng năm là thời gian sứa biển sinh sản.
Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường Khánh Hòa, vào tháng Sáu, các thông số môi trường ở vịnh Nha Trang đều đạt quy chuẩn về chất lượng nước biển.
Các triệu chứng khi bị sứa lửa cắn
Sứa lửa là một trong 3 loại sứa độc, có tên khoa học là Physalia physalis (hay “chiến binh Bồ Đào Nha”). Loại sứa này có nhiều xúc tu dài và trong suốt, màu hơi xanh, nhìn như chiếc túi nilon. Các xúc tu chứa độc tố gây rát da, bỏng, thậm chí tử vong cho người.
Người bị sứa lửa cắn sẽ gặp các triệu chứng bỏng rát như lửa đốt, đau nhói như kim châm tại vùng tiếp xúc, sau đó lan rộng. Sứa lửa cắn bằng cách quất các xúc tu vào người, các đường lằn dọc theo vết quất có màu đỏ hoặc nâu tím, phồng rộp, và nổi bọng nước.
Nên làm gì khi bị sứa lửa cắn?
Theo khuyến cáo của Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, người dân khi bị sứa lửa cắn cần được đưa ngay ra khỏi vùng có sứa, nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch, hạn chế chạm tay vào vết cắn để tránh bị nhiễm trùng.
Để làm sạch các chất độc, người dân nên rửa vết cắn bằng giấm hay nước biển. Có thể dùng các chất như amoniac, cồn, soda, hoặc chườm mát vào những vị trí bị tổn thương; có thể uống thêm thuốc giảm đau.
Người dân lưu ý không sử dụng nước ngọt để rửa vết thương vì sẽ làm tăng độc tính. Nếu người bị sứa cắn có những triệu chứng như: bị sưng phù, nôn ói, đau bụng, tụt huyết áp… thì cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Hiện tại không có thuốc chữa đặc hiệu, các thuốc kháng histamine, corticosteroid cũng không hiệu quả, nhưng chườm lạnh có thể giúp giảm triệu chứng.
Theo các chuyên gia, khi đi du lịch biển trong mùa hè, các gia đình nên dự phòng sẵn một số thuốc giảm ngứa, thuốc tiêu chảy, và một chai dấm để chủ động xử lý khi bị sứa cắn.
Băng Băng tổng hợp