Việt Nam: Bộ Y tế chấp thuận 2 loại vaccine COVID-19 chích cho trẻ từ 12-17 tuổi
Sáng 29/10, tại Hội thảo Nghị quyết 128 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Hội đồng chuyên môn đã chấp thuận 2 loại vaccine COVID-19 chích cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Theo Thứ trưởng Tuyên, Bộ Y tế dự kiến chích vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech và Spikevax của Modena cho trẻ 12-17 tuổi, tức từ lớp 7 đến lớp 12, theo lộ trình tại những khu vực nguy cơ cao.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có một loại vaccine COVID-19 chích cho trẻ em là Pfizer. Trước mắt đang áp dụng với nhóm 16-17 tuổi, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0.3 ml/liều, đường dùng chích bắp. Lịch chích gồm 2 liều với khoảng cách từ 3-4 tuần (21-28 ngày).
Cùng đó, Việt Nam vẫn đang nghiên cứu sản xuất vaccine nội địa và chuyển giao công nghệ. Vaccine Nanocovax là vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đang thử nghiệm giai đoạn 3.
Sài Gòn chích đại trà cho trẻ tại 21 quận/huyện và Tp Thủ Đức
Về kế hoạch chích vaccine cho trẻ, hiện Sài Gòn đã áp dụng chích đại trà tại 21 quận/huyện và Tp Thủ Đức.
Sáng 29/10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp HCM cho biết, sau 2 ngày, thành phố đã chích vaccine Pfizer cho gần 40,000 học sinh từ 12-17 tuổi.
Theo ông Hiếu, trong tuần này, việc chích sẽ gần như hoàn thành với học sinh THPT và tiếp tục thực hiện theo lộ trình hạ dần độ tuổi.
Hà Nội dự kiến chích cho trẻ vào những tháng cuối năm
Còn tại Hà Nội, trong sáng 28/10, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc CDC cho biết, đã chuẩn bị kế hoạch cụ thể, ngành y thành phố đang chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế.
Ông Việt cho hay, theo kế hoạch Hà Nội sẽ chích một loại vaccine là Pfizer cho trẻ từ 12-17 tuổi, lần lượt từ 17 tuổi, đến 16 tuổi. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã lập sẵn kế hoạch chích cho trẻ từ 3-12 tuổi.
Về thời gian chích, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết thêm, dự kiến những tháng cuối năm 2021 sẽ chích cho trẻ 12-17 tuổi, sang đầu năm 2022 sẽ chích cho trẻ từ 3-12 tuổi.
Theo tính toán sơ bộ, Hà Nội dự kiến cần có hơn 2 triệu liều vaccine COVID-19 cho việc phủ liều 1, tổng 2 liều cần khoảng hơn 4 triệu liều.
Bình Thuận lên kế hoạch chích cho 114,000 trẻ, Bình Dương vào cuối tháng 10
Tỉnh Bình Thuận cũng vừa có phương án chích vaccine COVID-19 cho 114,000 trẻ từ 12-17 tuổi, theo lộ trình từ 16-17 tuổi và sau đó hạ dần.
Điểm chích vaccine cho học sinh sẽ được đặt tại trường hoặc điểm chích phù hợp, những trẻ không đi học sẽ chích tại điểm chích ngừa cố định hoặc lưu động. Trẻ có bệnh nền sẽ chích tại các cơ sở có chuyên khoa nhi, và tỉnh sẽ chỉ chích cho trẻ khi có giấy đồng ý của bố, mẹ.
Còn tại Bình Dương, hôm 27/10, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, sẽ tổ chức chích cho trẻ từ 12-17 tuổi vào cuối tháng 10/2021, sau khi Bộ Y tế cho phép.
Nhiều nước hiện đang chỉ dùng vaccine Pfizer chích cho trẻ
Trước đó, TS. BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thời gian tới, có thể sẽ có các loại vaccine COVID-19 khác được cấp phép dùng cho trẻ em tại Việt Nam như vaccine của Cuba.
Về quyết định chích ngừa, cha mẹ, người giám hộ phải ký vào phiếu đồng ý nếu muốn chích cho trẻ. Về phản ứng sau chích, theo khuyến cáo của TS Thái, đã có những trường hợp trẻ viêm cơ tim sau chích vaccine Pfizer. Do đó, cần theo dõi cẩn thận sau chích để có xử trí kịp thời.
Liên quan đến tác dụng của vaccine Pfizer, các nhà khoa học đánh giá hiệu quả vaccine dựa trên dữ liệu của 9 triệu người trưởng thành ở New York (Hoa Kỳ), trong thời kỳ biến chủng Delta lây lan. Nghiên cứu cho thấy, hiệu quả của vaccine Pfizer giảm mạnh nhất (24.6% ở độ tuổi 18-49, 19% với nhóm 50-64 tuổi và 14% đối với người trên 65 tuổi).
Còn theo hãng CNBC, một nghiên cứu do Pfizer tài trợ, được công bố vào tháng 7 chỉ ra rằng, 4-6 tháng sau liều thứ 2, hiệu quả của vaccine trên giảm còn khoảng 84%.
Tính đến sáng 29/10, kể từ đợt bùng phát dịch thứ 4, số nhiễm ghi nhận tại Việt Nam là 900,669 ca, trong đó có 811,146 người đã khỏi bệnh. Số mắc tính từ đầu dịch đến nay là 905,477 ca, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 21,910 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca nhiễm. 5 tỉnh/thành ghi nhận số nhiễm cao trong đợt dịch này là Sài Gòn (429,082 ca), Bình Dương (231,024 ca), Đồng Nai (63,715 ca), Long An (34,541 ca), Tiền Giang (16,124 ca). |
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm