Việt Nam: Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình, phải bồi thường gần 674,000 tỷ đồng
Chiều ngày 11/04 tại Sài Gòn, Tòa án nhân dân thành phố đã tuyên án đối với 86 bị cáo trong vụ đại án kinh tế Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan nhận án tử hình
Tòa án tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp, bà Lan phải chịu án tử hình.
Tòa xác định, bà Trương Mỹ Lan đứng đầu trong vụ án này, sử dụng toàn bộ số tiền theo mục đích riêng, nên buộc Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bồi thường số tiền còn dư nợ hơn 673,800 tỷ đồng.
Khi nghe tòa công bố mức án, bà Lan loạng choạng, nhưng ngay sau đó đã trở lại bình tĩnh, tiếp tục đứng nghe cho đến khi kết thúc phiên tòa.
Tỷ phú Hồng Kông bị tuyên 9 năm tù
Ngoài ra, Tòa còn tuyên án 85 bị cáo khác, trong đó có ông Chu Lập Cơ, tỷ phú Hồng Kông (là chồng bà Trương Mỹ Lan). Ông Cơ bị tuyên phạt 9 năm tù về hành vi giúp vợ “rút ruột” ngân hàng SCB, gây thiệt hại hơn 9,100 tỷ đồng.
Là một trong những doanh nhân Hồng Kông đầu tiên khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Cơ không biết tiếng Việt. Theo Hội đồng xét xử vụ án, ông Cơ có vai trò hạn chế và phụ thuộc vào vợ. Tòa đã tuyên phạt bị cáo mức án thấp hơn Viện Kiểm sát đề nghị.
Chủ tịch tập đoàn Capella bị phạt 8 năm tù
Trong đại án kinh tế này, bị cáo duy nhất bị truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là ông Nguyễn Cao Trí, 54 tuổi, Chủ tịch tập đoàn Capella.
Ông Trí bị tuyên phạt 8 năm tù vì chiếm đoạt 1,000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan.
Mức án của 5 cựu lãnh đạo SCB trốn truy nã
Trong khi đó, bị cáo Đinh Văn Thành, cựu chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), đồng phạm của bà Lan bị tòa tuyên án chung thân về tội Tham ô tài sản; 19 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt dành cho bị cáo Thành là chung thân.
Ông Thành là một trong 5 người trong nhóm lãnh đạo, cán bộ chủ chốt tại SCB đang trốn truy nã. 4 người còn lại cũng bị xét xử vắng mặt về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc Vi phạm hoạt động ngân hàng, bao gồm:
- Nguyễn Thị Thu Sương (cựu chủ tịch), Chiêm Minh Dũng (cựu phó tổng giám đốc) bị phạt 17 năm tù;
- Trầm Thích Tồn (Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng) nhận 16 năm tù;
- Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu phó giám đốc chi nhánh Bến Thành) 13 năm tù.
Hai bị can ngoại quốc đang bỏ trốn
Liên quan vụ án, 2 bị can khác là Sun Henry Ka Ziang (quốc tịch Trung Quốc, thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng SCB) và Lam Lee George (quốc tịch Canada, cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB) cũng đang bỏ trốn, bị tách riêng hành vi để xét xử sau.
Khối tài sản trong vụ Vạn Thịnh Phát giải quyết thế nào?
Về số vay của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn 1,243 khoản, tương ứng với 1,122 mã tài sản đang được thế chấp, tòa giao cho SCB tiếp tục quản lý, thu hồi nợ.
Đối với căn biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần (quận 3, Sài Gòn) trị giá khoảng 700 tỷ đồng, tòa xác định biệt thự này thuộc Công ty Minerva, được mua bằng tiền từ bà Lan, nên tiếp tục kê biên.
Về số tiền mà các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả, tòa tuyên chuyển cho SCB, tiếp tục kê biên, tạm giữ các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu.
Băng Băng tổng hợp