Việt Nam 2 ngày 46 trận động đất ở Kon Tum, chuyên gia nêu nguyên nhân
Trong 2 ngày 28 và 29/07, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra 46 trận động đất. Trong đó, trận lớn nhất mạnh 5 độ vào trưa ngày 28/07, gây ra rung chấn tại nhiều nơi ở miền Trung và Tây Nguyên.
Động đất xuất hiện ở Kon Plông khi thủy điện tích nước
Mới đây, giải thích về hiện tượng thiên tai bất thường này, Tiến sỹ Nguyễn Ánh Dương, thuộc Viện Vật lý Địa cầu, cho biết từ năm 2021, khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước thì động đất bắt đầu xuất hiện ở Kon Plông.
Việc tích trữ nước khiến tải trọng hồ thủy điện nén các vết nứt trong lòng đất dẫn đến đứt gãy, trượt giữa hai bề mặt, tạo ra ma sát giữa các vết nứt. Khi địa chất yếu (do nước ngấm) không giữ được năng lượng tích tụ bên dưới lòng đất, thì động đất sẽ xảy ra.
“Quá trình nén ép, tích lũy năng lượng kéo dài vài năm, thậm chí cả trăm năm, đến lúc năng lượng đủ lớn mới gây ra động đất,” ông Dương nói.
Động đất ở Kon Plông sẽ giảm dần
Theo Tiến sỹ Dương, dù còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường và địa chất của hồ chứa thủy điện, nhưng động đất ở Kon Plông (tỉnh Kon Tum) sắp tới sẽ giảm dần.
Theo quy luật chung, sau đỉnh dư chấn, các trận động đất bắt đầu nhỏ dần, thành chuỗi các trận động đất trung bình và vừa, sau đó lắng dần.
Tuy nhiên ông Dương cho rằng hiện chưa xác định trận động đất mạnh 5 độ vừa qua đã là đỉnh hay chưa.
Về hiện tượng rung chấn vừa qua, ông Nguyễn Văn Huấn, thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên, lo ngại nguy cơ sạt lở khi mưa lớn, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Trong tháng Bảy, lượng mưa ở Kon Tum tăng mạnh so với các năm trước, và dự báo tháng Tám sẽ xuất hiện những đợt mưa lớn, kéo dài…
Ông Huấn cho rằng cơ quan chức năng cần cảnh báo sớm về động đất và các hiện tượng thiên nhiên bất thường để người dân kịp ứng phó.
Gần 70 trận động đất tại Kon Plông trong tháng Bảy
Tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có 6 công trình thủy điện, trong đó có 3 công trình có hồ chứa, gồm thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh, và Đăk Re.
Thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Kon Plông ghi nhận ít nhất 190 trận động đất, trong đó riêng tháng Bảy xảy ra 69 trận.
Động đất thường xảy ra ở các xã: Đăk Tăng, Đăk Rinh, và Đăk Nên. Những xã này đều có địa hình chung là đồi núi cao, hiểm trở, và dốc đứng.
Trong đó, nhiều thôn làng nằm chênh vênh bên những sườn núi, đồi cao, khi động đất xảy ra thường đi kèm với các rủi ro về thiên tai như sạt lở, lũ ống từ thượng nguồn, gây nguy hiểm cho người dân ở vùng tâm chấn.
Băng Băng tổng hợp