Việc xâm lược Đài Loan có thể phụ thuộc vào nội tình Trung Quốc
Việc phương Tây trừng phạt Nga ngày càng leo thang sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những kế hoạch của Bắc Kinh về Đài Loan?
Cùng với việc Nga xâm lược Ukraine, nhiều người đang tự hỏi còn bao lâu nữa thì Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan?
Có thể hợp lý khi cho rằng việc Nga xâm lược Ukraine có thể kích hoạt cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc đối với Đài Loan. Sao lại không cơ chứ?
Cùng chung tầm nhìn độc tài về thế giới
Bắc Kinh và Moscow cùng chung tầm nhìn về một trật tự thế giới mới, vốn đang thách thức Hoa Kỳ như là một quốc gia bá chủ toàn cầu, thách thức NATO như là một nơi khởi nguồn của an ninh quốc tế, và thách thức nền dân chủ tự do như là một mẫu hình của thế giới.
Vậy nên, dẫu cho Nga có bị cả thế giới này lên án là kẻ xâm lược, thì cũng không lấy làm lạ nếu Bắc Kinh ủng hộ hành động xâm chiếm Ukraine của Moscow.
Và chắc chắn là lãnh đạo trọn đời của Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nhận được sự ủng hộ của Nga bất cứ khi nào, hoặc nếu như ông ấy ra lệnh tấn công Đài Loan.
Cũng không cần phải phỏng đoán về điều đó. Cả hai quốc gia đã khẳng định cam kết này ngay trước khi Thế vận hội Mùa Đông diễn ra ở Bắc Kinh. Mỗi quốc gia đều tuyên bố rằng “tình hữu nghị giữa hai nước là không có giới hạn,” và rằng “không có lĩnh vực hợp tác nào bị cấm”.
Chẳng lạ gì khi Bắc Kinh có cùng quan điểm với Moscow rằng chiến tranh nổ ra là do lỗi của Hoa Kỳ.
Nga đang phải trả một cái giá rất đắt
Mặc dù vậy, Nga đang phải trả giá cho hành vi xâm lược Ukraine của mình theo nhiều cách khác nhau.
Lấy ví dụ, các doanh nghiệp lớn của phương Tây như BP, Royal Dutch Sehll, và các công ty đa quốc gia khác đang cắt đứt quan hệ với Nga. Chỉ riêng điều đó thôi đã khiến Nga thiệt hại hàng tỷ dollar doanh thu.
Thêm vào đó, các cuộc tẩy chay hàng Nga ở Âu Châu và các nơi khác cũng đang xảy ra. Các ngân hàng Nga đang mất quyền truy cập vào hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu SWIFT, đồng thời quyền truy cập của họ vào nguồn dự trữ ngoại hối trị giá 630 tỷ USD cũng đang bị hạn chế. Thị trường chứng khoán Nga đã bị đóng cửa, lãi suất căn bản đã tăng gấp đôi lên 20%, và đồng ruble của Nga giờ chỉ có giá chưa đến một xu.
Ở phương Tây, các quỹ có tài sản của Nga đang chứng kiến giá lao dốc, sự phản đối dữ dội của công chúng và sự chỉ trích của giới truyền thông Âu Châu và Bắc Mỹ là không hề ngơi nghỉ, Âu Châu và Canada đã cấm các phi cơ Nga khỏi không phận của họ. Ngay cả các du thuyền của những nhà tài phiệt Nga cũng bị thu giữ, mà ai cũng phải thừa nhận [đây là hành động] mang tính biểu trưng hơn là chiến lược.
Đáp lại, Moscow cũng đang cố gắng gây khó dễ cho việc rút khỏi Nga của các công ty ngoại quốc, ít nhất là trong ngắn hạn.
Liệu Trung Quốc có ra tay cứu nguy?
Để đối phó với việc bị mất các thị trường ở phương Tây, hiện Trung Quốc đang nhập cảng lúa mì từ Nga, một nhà cung cấp lúa mì chính, trong số các thỏa thuận khác. Nhưng ngay cả điều đó cũng đang chứng tỏ là có vấn đề.
Và hiện tại, cuộc xâm lược Ukraine này cũng đặt ra một số thách thức để Bắc Kinh cân nhắc. Một là cân bằng giữa “sự hỗ trợ không giới hạn” của họ dành cho Moscow với việc tránh được định mệnh bị tách khỏi hệ thống tài chính toàn cầu của Nga.
Một vấn đề khác là rủi ro bị quốc tế lên án và các lệnh trừng phạt kinh tế. Điều đó làm dấy lên một nghi vấn rằng liệu một cuộc xâm lược Đài Loan có dẫn đến một kết cục tương tự cho Trung Quốc hay không.
Bắc Kinh xem xét cẩn thận phản ứng có thể xảy ra của phương Tây
Không rõ là các đối tác thương mại phương Tây sẽ phản ứng ra sao nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Nếu phản ứng của họ có bất kỳ điểm nào tương tự với cuộc xâm lược Ukraine, thì tác động của nó sẽ rất thảm khốc. Việc bị cô lập khỏi hệ thống [tài chính] toàn cầu này sẽ là điều rất khó khăn và tốn kém trong nhiều năm tới đối với Trung Quốc, cũng như đối với mọi quốc gia có liên quan.
Nhưng một cuộc xâm lược không phải là cách duy nhất để Bắc Kinh đạt được các mục tiêu liên quan tới Đài Loan.
Ví dụ, có khả năng là Đài Bắc sẽ phản ứng trước sự tang thương và tàn phá của Ukraine bằng cách chấp thuận với một số thỏa thuận không đối đầu với Bắc Kinh.
Một sự thỏa hiệp có thể trông giống với trường hợp của Hồng Kông từ năm 1997 đến 2018 hơn là cuộc chiến Ukraine trong năm 2022. Nếu điều đó có thể được dàn xếp, điều này có thể giúp Trung Quốc vừa không phải chịu tổn hại từ tác động tiêu cực tiềm ẩn về mặt kinh tế với các đối tác phương Tây của mình, vừa cho phép Đài Loan tự chủ ở một mức độ nào đó trong lĩnh vực kinh tế.
Thật ra viễn cảnh đó cùng lắm cũng chỉ nằm trong chữ ‘ngờ’, hãy ngẫm nghĩ về việc tiếp quản của Bắc Kinh gần đây đối với Hồng Kông mà xem.
Liệu Trung Quốc có thể để tuột mất phương Tây?
Tuy nhiên, điều rõ ràng là Trung Quốc có các lợi ích kinh tế lớn ở phương Tây, đặc biệt là ở Liên minh Âu Châu và ở Hoa Kỳ. Tác động của việc mất quyền tiếp cận các thị trường đó chắc chắn đã được giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tính đến.
Đó là lý do tại sao Bắc Kinh đang đánh giá cẩn thận phản ứng của phương Tây đối với Nga và đang tính toán những tổn thất kinh tế tiềm ẩn có thể xảy ra theo sau cuộc xâm lược Đài Loan.
Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng đối với Trung Quốc, những ưu tiên về chính trị và địa chính trị vẫn quan trọng hơn mối quan tâm về kinh tế. Nói tóm lại, Bắc Kinh sẵn sàng chịu đựng những tổn thất kinh tế để nắm quyền kiểm soát Đài Loan.
Nhưng đó không phải là thách thức duy nhất.
Tương lai của ông Tập Cận Bình vẫn còn là ẩn đố?
Có những dấu hiệu cho thấy ông Tập không có được sự ủng hộ hoàn toàn của ĐCSTQ. Thực tế, điều đáng chú ý là ông Tập đã không bước chân ra khỏi Trung Quốc hơn hai năm. Và theo một số nhà quan sát, lý do là sự tồn vong chính trị của vị “lãnh đạo trọn đời” của Trung Quốc đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Tuy nhiên, cũng rất khó để tin rằng ông Tập sẽ bị loại bỏ. Như chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập vài năm trước đây, chiến dịch khối thịnh vượng chung hiện tại của ông không chỉ là việc chiếm đoạt tài sản của các tỷ phú và việc thu phục được lòng dân bằng đấu tranh giai cấp nhắm vào những người có tiền. Đó cũng là một lớp vỏ bọc thuận tiện cho một cuộc thanh trừng các đối thủ chính trị trong Đảng của ông.
Mặt khác, mục tiêu của cả Trung Quốc lẫn Nga là loại bỏ đồng dollar Mỹ khỏi các nền kinh tế của họ trong nỗ lực thiết lập một hệ thống toàn cầu thời hậu dollar. Chắc chắn là như vậy. Việc Nga bị “tấn công bằng việc bị “loại khỏi SWIFT” có thể đẩy nhanh kế hoạch phi dollar hóa của họ. Việc tự loại mình khỏi phương Tây theo các điều khoản của Hoa Kỳ trong ngắn hạn có thể là cái giá phải trả của việc làm đó.
Điều đó có thể phù hợp với mong muốn của ĐCSTQ trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa và chính trị của Trung Quốc khỏi những ảnh hưởng của phương Tây. Nếu đúng như vậy, việc chinh phục Đài Loan cũng sẽ phục vụ mục đích đó. Đó không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chọn con đường như vậy.
Đó sẽ không chỉ là một thách thức đối với quyền lực của Hoa Kỳ ở hai mặt trận, mà nó có thể là điều mà ông Tập cần để duy trì quyền lực.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông James R. Gorrie là tác giả của cuốn sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc” (Wiley, 2013) và viết trên blog của mình, TheBananaRepublican.com. Ông sống tại Nam California.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: