Việc tuân theo các tiêu chí ESG có vi phạm pháp luật không?
Các chuyên gia cho rằng các chính sách ESG tạo ra mối nguy hiểm về mặt pháp lý cho các công ty
Một vấn đề đối với các CEO những người chỉ thị công ty của họ tuân theo các mục tiêu về môi trường, xã hội và tiêu chí quản trị (ESG) là khi làm như vậy, họ có thể vi phạm pháp luật. Theo các chuyên gia pháp lý, các sáng kiến của ESG có thể khiến các công ty vi phạm luật chống độc quyền, quyền dân sự, và luật của Cơ quan An ninh Thu nhập Hưu trí cho Nhân viên (ERISA).
Giáo sư luật Todd Zywicki của Đại học George Mason nói với The Epoch Times: “Cách thức ESG đang được thực hiện là hoàn toàn phi dân chủ, có nghĩa là họ cố tình vi phạm luật. Họ đang cố tình vi phạm các luật được lựa chọn một cách dân chủ và đưa ra những điều thường là bất hợp pháp.”
Vi phạm luật chống độc quyền
Theo một báo cáo có nhan đề “Rủi ro về Trách nhiệm pháp lý trong Nghị trình ESG” (pdf) của công ty luật Boyden Grey ở Hoa Thịnh Đốn, các công ty tham gia vào các hành động phối hợp chống lại các công ty hoặc ngành khác có thể vi phạm luật chống độc quyền của Hoa Kỳ. Báo cáo nêu rõ, “Luật liên bang nghiêm cấm các công ty thông đồng để tẩy chay nhóm hoặc âm mưu hạn chế thương mại, thậm chí để thúc đẩy các mục tiêu chính trị hoặc xã hội.”
Họ trích dẫn Đạo luật Sherman năm 1890, cấm “mọi hợp đồng, sự kết hợp… hoặc âm mưu hạn chế buôn bán hoặc thương mại”. Thẩm phán Tối cao Pháp viện Thurgood Marshall đã viết về chủ đề này, bình luận rằng “luật chống độc quyền nói chung, và Đạo luật Sherman nói riêng, là Đại Hiến Chương của doanh nghiệp tự do. Chúng cũng quan trọng đối với việc duy trì tự do kinh tế và hệ thống doanh nghiệp tự do của chúng ta cũng như Tuyên ngôn Nhân quyền là bảo vệ các quyền tự do cá nhân căn bản của chúng ta.”
Hàng trăm tập đoàn lớn nhất thế giới đã ký các cam kết chung thông qua các câu lạc bộ quốc tế như Hành động vì Khí hậu 100+ (Climate Action 100+), Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 (Glasgow Financial Alliance for Net Zero-GFANZ), Liên minh Ngân hàng vì mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero Banking Alliance), Liên minh các Nhà quản lý Tài sản vì mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero Asset Managers Alliance) và các tổ chức khác để giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
GFANZ, bao gồm 550 thành viên là các tập đoàn toàn cầu, tuyên bố rằng “tất cả các thành viên đã cam kết một cách độc lập với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngoài việc đặt ra các mục tiêu tạm thời cho năm 2030 hoặc sớm hơn và báo cáo minh bạch về tiến độ trong quá trình thực hiện”. Các thành viên ngân hàng của GFANZ bao gồm Bank of America, Citibank, JPMorgan Chase, Wells Fargo, BlackRock, Morgan Stanley và Goldman Sachs.
Climate Action 100+ bao gồm 700 công ty đầu tư đại diện cho 68 ngàn tỷ USD tài sản; liên minh này cũng bao gồm 166 công ty với tổng vốn hóa thị trường hơn 10 ngàn tỷ USD. Trong số hàng trăm thành viên của Climate Action 100+ có một số công ty lớn nhất và mạnh nhất thế giới, bao gồm Boeing, BP, Caterpillar, Chevron, Dow, Exxon, Ford, Honda, Lockheed Martin, Mercedes, Nestle, Nissan, PepsiCo, Proctor & Gamble, Raytheon, Siemens, Coca Cola, Toyota, United Airlines, American Airlines, Walmart, BlackRock, State Street, Goldman Sachs, Fidelity, PIMCO và Allianz. Họ cũng có các quỹ hưu trí tiểu bang lớn nhất của Hoa Kỳ, chẳng hạn như CalPERS, CalSTRS, Quỹ Hưu trí Thành phố New York và Quỹ Hưu trí Chung của Tiểu bang New York.
Báo cáo của Boyden Grey lưu ý rằng lập luận mà những người ủng hộ ESG đưa ra — rằng các công ty tuân theo các hướng dẫn ESG thì đầu tư vào đó sẽ tốt hơn — “chủ yếu dựa vào các hiệu ứng đám đông”. Nói cách khác, nếu đủ các nhà quản lý tài sản hợp tác để chuyển các khoản đầu tư của họ sang các công ty tuân thủ ESG, thì cổ phiếu của các công ty đó sẽ trở nên có giá trị hơn; và thậm chí còn hơn thế nếu các chính phủ trợ cấp cho các ngành công nghiệp như gió và năng lượng mặt trời, đồng thời trừng phạt các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Vi phạm các luật dân quyền
Ngoài chống độc quyền, một lĩnh vực khác mà ESG có thể vi phạm luật pháp của Hoa Kỳ là việc thúc đẩy bình đẳng chủng tộc và giới tính vi phạm Đạo luật Dân quyền năm 1964, cấm phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo hoặc nguồn gốc quốc gia. Để thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội của ESG, United Airlines đã thông báo hồi tháng 04/2021 rằng họ sẽ đặt ra hạn ngạch về chủng tộc và giới tính khi tuyển phi công.
Công ty này tuyên bố rằng “buồng lái của chúng tôi nên phản ánh nhóm người đa dạng trên phi cơ của chúng tôi mỗi ngày. Đó là lý do tại sao chúng tôi dự định rằng 50% trong số 5,000 phi công mà chúng tôi đào tạo trong thập niên tới là phụ nữ hoặc người da màu.”
Một số phán quyết của tòa án gần đây đã nhấn mạnh tính hợp lệ của luật pháp Hoa Kỳ liên quan đến phân biệt chủng tộc. Hồi tháng 06/2021, một thẩm phán liên bang đã phán quyết rằng các khoản tài trợ nông nghiệp của chính phủ Tổng thống Biden, vốn ưu tiên cho các sắc tộc thiểu số, là bất hợp pháp. Trong một trường hợp khác, các tòa án đã phán quyết rằng các khoản trợ cấp COVID của chính phủ Tổng thống Biden đã loại trừ các chủ nhà hàng da trắng cũng là bất hợp pháp.
Nhưng luật dân quyền của Mỹ vượt ra ngoài chính sách của chính phủ để bao hàm cả ngành công nghiệp tư nhân, khiến các công ty phải hứng chịu các vụ kiện từ nhân viên. Đơn cử, hồi tháng Tám, American Express đã trở thành công ty mới nhất phải đối mặt với một vụ kiện của nhân viên vì phân biệt chủng tộc. Anh Brian Netzel, một nhân viên đã làm việc một thập niên bị sa thải vào năm 2020 vì lý do mà anh cho là liên quan đến chủng tộc, đã tuyên bố trong vụ kiện tập thể của mình rằng American Express “đã ưu đãi cho những cá nhân là người Mỹ gốc Phi và rõ ràng ám chỉ cho nhân viên da trắng rằng chủng tộc của họ là một trở ngại để thăng tiến trong công ty.”
Hồi tháng 10/2021, một nam nhân viên da trắng đã được bồi thường 10 triệu USD sau khi một bồi thẩm đoàn đồng ý với tuyên bố của anh rằng anh đã bị sa thải như một phần của chính sách dựa trên chủng tộc của công ty Novant Health. Sau năm năm được đánh giá tích cực về công việc, anh David Duvall đã bị sa thải “mà không có cảnh báo hoặc nguyên nhân như một phần của chiến dịch có chủ đích nhằm thúc đẩy sự đa dạng trong cấp bậc quản lý của mình; một chiến dịch [Novant] đã công khai khoe khoang,” đơn kiện của anh nêu rõ.
Ông Zywicki nói: “Người ta đã biết trong nhiều thập niên rằng hạn ngạch là bất hợp pháp. Nhưng khi quý vị bắt đầu xem xét những thứ như đào tạo sự nhạy cảm về chủng tộc, họ đang tham gia khá nhiều vào việc tạo ra những định kiến trên diện rộng, định kiến tiêu cực về một số nhóm nhất định, và họ đang tạo ra một cách vô độ các ưu tiên cho những người khác. Tất cả những điều này rõ ràng là đi ngược lại luật dân quyền hiện hành.”
Các chương trình Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI), một thành phần của ESG, đang được khai triển hàng loạt, vừa dưới hình thức đào tạo nhân viên bắt buộc vừa là tiêu chí tuyển dụng.
Được biết hôm 02/11 Trường Y của Đại học North Carolina “buộc các ứng viên, sinh viên, và giáo sư phải liên tục chứng minh cam kết của họ đối với các nguyên tắc đa dạng, công bằng và hòa nhập như một điều kiện tiên quyết để thăng tiến, thay vì chỉ quyết định dựa trên năng lực thôi.” Thông tin này dựa trên một báo cáo của một tổ chức bất vụ lợi có tên Do No Harm, trong đó cáo buộc rằng một trong những tiêu chí chính của UNC để tuyển dụng và đề bạt giáo viên là “đóng góp tích cực cho các nỗ lực của DEI”.
Ông Stanley Goldfarb, chủ tịch của Do No Harm, đã tuyên bố trong một lá thư gửi cho trường rằng “việc yêu cầu các ứng cử viên cho việc thăng chức và nhiệm kỳ phải thể hiện cam kết của họ đối với một hệ tư tưởng chính trị là không phù hợp. Việc buộc các ứng cử viên tuyên bố ủng hộ DEI khi nhiều người phản đối việc đó chắc chắn sẽ buộc họ phải không trung thực.” Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh một vụ kiện trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, trong đó UNC bị cáo buộc có các tiêu chuẩn tuyển sinh dựa trên chủng tộc vi hiến.
Vi phạm luật ủy thác
Một lĩnh vực thứ ba mà ESG xung đột với luật pháp Hoa Kỳ liên quan đến nghĩa vụ pháp lý của các nhà quản lý quỹ và giám đốc điều hành công ty là phải hành động một cách thiện chí và vì lợi ích tốt nhất của các nhà đầu tư và cổ đông.
Đạo luật An ninh Thu nhập Hưu trí của Người lao động, được thông qua năm 1974 để giải quyết vấn đề tham nhũng và lạm dụng tiền hưu trí, yêu cầu các nhà quản lý quỹ hưu trí tư nhân đầu tư “chỉ vì lợi ích của người tham gia và người thụ hưởng”. Luật này đặt ra tiêu chuẩn trách nhiệm được gọi là “chuyên gia thận trọng” cho các nhà quản lý quỹ và cho phép người thụ hưởng quỹ kiện các nhà quản lý vì đã không duy trì tiêu chuẩn này.
Trong khi ERISA áp dụng cho các quỹ hưu trí doanh nghiệp, nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ đã áp dụng ngôn ngữ tương tự cho các quỹ hưu trí công. Hiện tại, 24 tiểu bang cấm đầu tư theo hệ tư tưởng với các quỹ hưu trí công của họ, bao gồm cả ESG.
Ví dụ, một lá thư vào tháng Tám gửi cho BlackRock, được ký bởi 19 tổng chưởng lý tiểu bang, cáo buộc rằng BlackRock có một “nghĩa vụ trung thành” đối với những người hưu trí của tiểu bang đã đầu tư vào quỹ của mình và rằng “hành động của công ty xung quanh việc thúc đẩy phát thải ròng bằng 0, Thỏa thuận Paris, hoặc thực hiện hành động về biến đổi khí hậu cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ này, hay còn được gọi là hành động với ‘động cơ hỗn hợp’”.
Đáp lại, BlackRock viết rằng “một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của [mình] với tư cách là nhà đầu tư ủy thác cho khách hàng của chúng tôi là xác định các xu hướng ngắn hạn và dài hạn trong nền kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của khách hàng của chúng tôi.” Bức thư viết rằng “các chính phủ đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu đã cam kết tiến tới phát thải ròng bằng 0 trong những thập niên tới. Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư và các công ty có quan điểm hướng tới tương lai đối với rủi ro khí hậu… sẽ tạo ra các kết quả tài chính dài hạn tốt hơn.”
Các biện lý tiểu bang không đồng ý, nói rằng bất chấp luận điệu về biến đổi khí hậu, “các chính phủ không thực hiện các chính sách yêu cầu phát thải ròng bằng 0… Đặc biệt, Hoa Kỳ đã không thực hiện các quy định về phát thải ròng bằng 0. Mặc dù đã làm mọi cách trong khả năng của mình vào đầu nhiệm kỳ tổng thống để đóng cửa nhiên liệu hóa thạch, ngay cả Tổng thống Biden cũng có vẻ đảo ngược hướng đi trước những tác hại mà các chính sách lạm phát của ông đã gây ra cho người dân Mỹ.”
Tháng Mười, ngân hàng Thụy Sĩ UBS đã hạ cấp cổ phiếu của BlackRock, tuyên bố rằng “khi thành tích của [BlackRock] xấu đi và rủi ro chính trị từ ESG tăng lên, chúng tôi tin rằng khả năng bị mất sự ủy thác quỹ và sự giám sát theo quy định gần đây đã tăng lên.”
Ngoài rủi ro người quản lý tài sản ESG vi phạm nghĩa vụ ủy thác của họ đối với nhà đầu tư, còn có rủi ro người quản lý công ty vi phạm nghĩa vụ hành động vì lợi ích tốt nhất của cổ đông công ty.
Ông Zywicki nói, “Có một số cổ đông đã hành động chống lại Coca-Cola khi họ thực hiện chiến dịch ‘hành động bớt da trắng’. Một số cổ đông đã đệ đơn kiện và về căn bản nói rằng khi quý vị làm vậy quý vị đang có nguy cơ dính vào kiện tụng, quý vị đang có nguy cơ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Cứ giả vờ như luật pháp không áp dụng cho tình huống này sẽ không giúp quý vị thoát khỏi tình huống đó.”
Hồi tháng Ba, Disney đã đưa ra một quan điểm chính trị chống lại luật “Quyền của Cha mẹ trong Giáo dục” của Florida. Họ tuyên bố rằng một điều khoản của luật này cấm dạy các chủ đề tình dục cho trẻ em từ mẫu giáo đến lớp ba là “một thách thức đối với các quyền căn bản của con người”. Đáp lại, America First Legal (AFL) đã thay mặt các cổ đông ban hành một lá thư cho Disney, cáo buộc công ty “lãng phí tài sản doanh nghiệp và vi phạm tuân thủ”.
AFL cáo buộc rằng khi theo đuổi một hệ tư tưởng chính trị cả bên ngoài lẫn bên trong nhân viên của mình, cũng như tích cực đưa nội dung khiêu dâm vào các bộ phim và chương trình của riêng mình, các giám đốc điều hành của Disney “đã chọn cách phân biệt đối xử, tạo ra một môi trường làm việc thù địch và xua đuổi những người sáng tạo, trung thành, và những nhân viên tài năng; xa lánh các khách hàng cốt lõi của công ty; và vi phạm pháp luật, tất cả đều nhằm mục đích thúc đẩy một nghị trình chính trị và xã hội rất hạn hẹp nhằm quảng bá, tạo nội dung khiêu dâm để cung cấp cho trẻ nhỏ, cùng những điều khác. Theo đó, ban lãnh đạo đã đặt tài sản của công ty, bao gồm cả thương hiệu, danh tiếng và thiện chí của công ty vào tình thế rủi ro.”
Bộ Lao động Hoa Kỳ, cơ quan quản lý các quỹ hưu trí tư nhân, đã ban hành một chỉ thị theo sắc lệnh năm 2019 của Tổng thống Donald Trump đương thời để thực thi các quy tắc ERISA liên quan đến quỹ hưu trí và đầu tư ESG. Họ tuyên bố rằng “cung cấp một chế độ hưu trí an toàn cho người lao động Mỹ là mục tiêu tối quan trọng, và rất xứng đáng, mang tính ‘xã hội’ của các kế hoạch ERISA; các quỹ tín thác có thể không được sử dụng để theo đuổi các mục tiêu xã hội hoặc môi trường khác.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times