Việc Trung Quốc can thiệp bầu cử cho thấy Canada rất cần ghi danh các tổ chức ngoại quốc gây ảnh hưởng
Hồi tháng Tư, Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) đã công bố một bản báo cáo về các mối đe dọa an ninh mà Canada đang đối mặt, trong đó kết luận rằng “trong năm 2020, CSIS đã quan sát thấy hoạt động gián điệp và can thiệp nước ngoài ở các cấp độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh.”
Cơ quan này cho biết, “Trung Quốc, Nga và các quốc gia nước ngoài khác tiếp tục thu thập thông tin chính trị, kinh tế và quân sự ở Canada một cách bí mật thông qua các hoạt động đe dọa có mục tiêu nhằm hỗ trợ cho các mục đích phát triển quốc gia của họ.”
CSIS đã đưa ra những cảnh báo kiểu như vậy trong ít nhất hai thập kỷ qua. Bất chấp những lời hứa hẹn của các chính trị gia trong việc giải quyết mối đe dọa này, giới chính khách của chúng ta đã bộc lộ một sự thiếu ý chí khiến họ không thể thực hiện các biện pháp cần thiết để đạt được điều đó. Và khi Trung Cộng càng trở nên quân phiệt hơn, thì vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn cho nền chính trị của chúng ta, và quan trọng nhất là cho các cộng đồng dân cư của chúng ta.
Trong chiến dịch bầu cử năm 2021, một số chính trị gia đã hoàn toàn né tránh các vấn đề xung quanh Trung Quốc và giảm nhẹ các vấn đề này thành điều gì đó chỉ được đề cập thoáng qua khi nó có lợi về mặt chính trị. Nhưng những tiết lộ kể từ ngày 20/09 một lần nữa chỉ ra rằng những vấn đề như vậy là quan trọng nhất đối với thời đại chúng ta, và bất kỳ người nghiêm túc nào trong vai trò lãnh đạo rồi cuối cùng cũng phải sẵn sàng giải quyết với thái độ cấp bách đáng nên có.
Đã có các báo cáo đồng loạt cho thấy các chiến dịch tung tin sai lệch của các tổ chức có liên hệ với Trung Quốc có thể đã có tác động đáng kể đến cuộc bỏ phiếu ở các khu vực bầu cử có đông đảo người gốc Hoa, tác động đến vận mệnh chính trị của những người có quan điểm diều hâu với Trung Quốc. Một số ứng cử viên đã bị mất ghế hoặc có khả năng bị mất ghế tính đến thời điểm viết bài này, mặc dù đã từng nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong các khu vực bầu cử của mình.
Có lẽ trường hợp kỳ lạ nhất – và đáng sợ nhất – là trường hợp ông Parm Bains, ứng cử viên của Đảng Tự Do, đã đánh bại Nghị sĩ Kenny Chiu thuộc Đảng Bảo Thủ trong khu vực bầu cử Steveston – Richmond East. Điều đáng sợ trong cuộc đua này là tốc độ thuỷ triều đã bị đảo ngược đối với ông Chiu một cách nhanh chóng cũng như sự thay đổi chóng vánh trong thái độ của một số cử tri người Hoa khi tương tác với ông.
Ông Chiu, người đã mất chiếc ghế của mình với khoảng cách 3,000 phiếu bầu, đã nhận thấy sự thù địch ngày càng gia tăng từ những người từng ủng hộ ông trong những tuần cuối cùng của chiến dịch này.
Trong một cuộc phỏng vấn trước ngày bầu cử, ông Chiu nói với The Epoch Times rằng mặc dù ông đã từng là một mục tiêu của những thông tin sai lệch trong các chiến dịch trước đó, nhưng lần này “nó thật là đặc biệt.”
Ông nói “Nó không giống với những gì mà tôi đã chứng kiến – nó đến từ mọi phương diện,” đề cập đến các bài đăng trên mạng xã hội, các bài bình luận trên đài phát thanh và các bài báo trực tuyến trên các kênh truyền thông thân Bắc Kinh đã mô tả một cách tiêu cực về ông.
Nhiều người cho rằng nguyên nhân của việc này có khả năng là do các chiến dịch bôi nhọ ông Chiu của các lực lượng thân Bắc Kinh vì một dự luật mà ông giới thiệu hồi tháng Tư nhằm thiết lập một [hệ thống] ghi danh các đại diện của chính phủ nước ngoài, vốn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến một số tổ chức có mối liên hệ với Trung Cộng. Các bài báo được đăng lên WeChat và các phương tiện truyền thông khác sau đó rêu rao câu chuyện rằng ông Chiu đã tìm cách hạn chế quyền tự do ngôn luận của họ, mặc dù luật mà ông đề xướng chỉ yêu cầu những ai có mối liên hệ rõ ràng với Trung Cộng mới phải ghi danh.
Tất cả những điều đó nói lên sự thành công đáng buồn của quan điểm mị dân của Trung Cộng rằng người dân Trung Quốc và chính quyền Trung Cộng là một, và như vậy nếu chính quyền này bị tổn hại thì người dân cũng bị tổn hại. Quá quen thuộc với nỗi ám ảnh của phương Tây về việc chống lại phân biệt chủng tộc, Trung Cộng đã hăng hái giơ ra luận điểm này để mô tả bất kỳ chính sách hoặc lời chỉ trích nào chống lại họ như là một sự xem thường đầy cố chấp đối với chủng tộc người Hoa, điều này đạt đến mức độ phi lý đỉnh điểm khi người đưa ra lời chỉ trích là người Trung Quốc, như ông Chiu. Thật đáng tiếc, một số chính trị gia Canada đã sẵn sàng lặp lại câu chuyện này để bác bỏ sự cần thiết phải hành động hơn nữa đối với Trung Quốc và thay vào đó đưa ra lập luận cho một chính sách tiếp tục can dự.
Đó là lý do tại sao những người phản đối chính quyền này đã phải rất nỗ lực để đưa ra cái quan điểm cũ rích rằng những lời chỉ trích của họ là đối với Trung Cộng, chứ không phải là đối với những người dân đang bị chế độ này hành hạ và nhắm mục tiêu, ngay cả khi họ không còn sống ở Trung Quốc nữa.
Điều này cũng nói lên một mối đe dọa đang gia tăng nhanh chóng. Trong năm qua, đã có rất nhiều câu chuyện và lời khai đề cập chi tiết về những trải nghiệm khủng khiếp của các nhà hoạt động bị các đặc vụ Bắc Kinh nhắm mục tiêu vì đã lên tiếng ủng hộ thay mặt cho người dân Hồng Kông hoặc cộng đồng tôn giáo thiểu số, hoặc chỉ đơn giản là vì đã chia sẻ những bài đăng thậm chí hơi có tính chỉ trích chính quyền này từ căn phòng ký túc xá của ai đó ở Canada.
Chiến dịch Săn Cáo (Fox Hunt), một chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Tập Cận Bình nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến và bịt miệng những kẻ thù đã xác định của chính quyền này, có vẻ đang được thực hiện hiệu quả ở Canada. Mặc dù có thể có rất nhiều các yếu tố khiến những người như ông Chiu mất đi cử tri, nhưng những trường hợp này rất đáng ngờ và đòi hỏi cần có một cuộc điều tra đối với các tổ chức và các phương tiện truyền thông có liên quan tới Trung Cộng.
Tất nhiên, một cuộc điều tra như vậy có thể làm phật lòng các tay sai và những người bảo vệ hăng hái nhất cho Trung Cộng trong Quốc hội của chúng ta. Cũng đành vậy thôi. Đã quá lâu rồi Ottawa vẫn quẩn quanh trong cuộc chiến chống lại sự can thiệp của nước ngoài, và những gì chúng ta vừa chứng kiến trong chiến dịch bầu cử này là một minh chứng nữa cho điều đó.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả Shane Miller sống ở London, Ontario. Ông là cây viết chuyên về chủ đề chính trị.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: