Việc Phó TT đương thời Biden móc nối khoản vay của Ukraine với việc sa thải ông Shokin khiến các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kinh ngạc
Các thư điện tử xuất hiện khi Hạ viện đang tiến gần hơn đến cuộc bỏ phiếu điều tra đàn hặc Tổng thống Biden.
Hồi tháng 01/2016, các quan chức chủ chốt của Tòa Bạch Ốc, Hội đồng An ninh Quốc gia, và Bộ Ngoại giao đã kinh ngạc khi biết được rằng Phó Tổng thống đương thời Joe Biden đã đột ngột thay đổi chính sách của Hoa Kỳ để yêu cầu sa thải công tố viên đặc biệt Viktor Shokin của Ukraine như một điều kiện để Ukraine nhận được các khoản vay trị giá 1 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Hoa Kỳ hậu thuẫn, theo các thư điện tử mà Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) viện dẫn và The Epoch Times đã xem xét lại.
“Có những thư điện tử của Bộ Ngoại giao bày tỏ kiểu như, ‘Ồ!’ thật kinh ngạc. Có những người ở Bộ Ngoại giao nói, ‘Ồ, ông Biden nói rằng họ sẽ không nhận được tiền trừ phi ông Shokin bị sa thải,’ và họ kinh ngạc nói, ‘Tại sao ông lại làm vậy, chúng ta đã không thảo luận về việc này; chúng ta không định làm vậy.’ Vậy, đó là một sự thay đổi hoàn toàn so với những gì Bộ Ngoại giao đã đồng thuận,” ông Jordan nói với các phóng viên trong phiên hỏi đáp hôm 04/11 tập trung vào tình trạng cuộc điều tra đàn hặc Tổng thống Biden của Hạ viện.
Về mặt ngữ nghĩa, thì cuộc điều tra này chỉ là một “cuộc thẩm vấn,” nhưng dự kiến sẽ được nâng lên thành cuộc điều tra chính thức của Hạ viện bằng cuộc bỏ phiếu vào tuần tới tại Hạ viện. Hôm 04/12, ông Jordan nói với các phóng viên rằng ông tin tưởng khối đa số Đảng Cộng Hòa sẽ thắng thế trong cuộc bỏ phiếu đó mặc dù chỉ có lợi thế hơn hai phiếu so với Đảng Dân Chủ.
Liệu vị phó tổng thống này có thúc đẩy việc sa thải ông Shokin để trợ giúp các hoạt động kinh doanh của con trai ông là ông Hunter Biden hay không sẽ là trọng tâm của cuộc điều tra đàn hặc. Ông Hunter Biden nằm trong hội đồng quản trị của công ty năng lượng Burisma Holdings Ltd. của Ukraine khi đó vốn đang bị ông Shokin tích cực điều tra vì liên quan đến các cáo buộc tham nhũng.
Các điều tra viên cùng với ủy ban của ông Jordan; Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm giải trình của Hạ viện, do Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) làm chủ tịch; và Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, do Dân biểu Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri) làm chủ tịch, đã tập trung vào việc Tổng thống Biden bị cáo buộc tham gia và hưởng lợi từ việc gia đình ông nhận được hàng triệu dollar tiền thu nhập trong suốt vài thập niên từ các cá nhân, cũng như các doanh nghiệp và tổ chức nhà nước ở Ukraine, Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, và Romania trong và sau những năm ông Biden cha làm phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Các quan chức bị bất ngờ
Trong một trong những thư điện tử của Bộ Ngoại giao mà ông Jordan đề cập đến, ông Eric Ciaramella, một phó giám đốc tình báo quốc gia phụ trách Nga và Âu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc (NSC), đã bày tỏ sự bàng hoàng với ba đồng nghiệp vào ngày 21/01/2016.
“Ôi,” ông nói. “Tôi không nhớ việc này đã được nêu ra trong cuộc họp của chúng ta với họ hôm thứ Ba.”
Đó là phản ứng của ông Ciaramella trước một thư điện tử được gửi trước đó cùng ngày từ bà Elisabeth Zentos, một đồng nghiệp của ông ở NSC. Thư điện tử này cũng được gửi tới ông Geoffrey Pyatt, Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine từ năm 2013 đến năm 2016, và bà Anna Makanju, khi đó là cố vấn đặc biệt của phó tổng thống về vấn đề châu Âu và Á-Âu. Ông Ciaramella, người hiện là thành viên cao cấp của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, họ không thể liên lạc được với ông Pyatt, hiện đang làm phó thư ký tài nguyên năng lượng của Bộ Ngoại giao, để yêu cầu bình luận, vì ông đang ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, để tham dự Hội thảo về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28. Bà Makanju, hiện là phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của OpenAI có trụ sở tại San Francisco, đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Ông Pyatt đã trả lời thư điện tử của bà Zentos, nói rằng “Hãy tham gia” và “Chúng ta cũng cần xem xét lại tất cả các điều kiện chống tham nhũng [bảo lãnh khoản vay] của LG … và ở giai đoạn này, chỉ có một điều thực sự quan trọng.”
Bà Makanju đã không phản ứng gì trong chuỗi thư điện tử mà The Epoch Times đã xem xét.
Ông Jordan cho biết các quan chức Bộ Ngoại giao đã kinh ngạc khi biết về tối hậu thư của Phó Tổng thống đương thời Biden gửi cho Tổng thống Ukraine đương thời Petro Poroshenko vì trước đây chính sách của Hoa Kỳ đã được đặt ra để gây áp lực buộc Ukraine phải nhổ bỏ tận gốc tình trạng tham nhũng trong giới quan chức vốn gây khó khăn cho đất nước này kể từ khi tuyên bố độc lập từ Liên Xô cũ vào năm 1991.
Cho đến trước tối hậu thư đó, Hoa Kỳ đã không đặt ra điều kiện là phải cách chức ông Shokin thì Ukraine mới nhận được các khoản bảo lãnh vốn vay của IMF. Trong chuyến bay tới Ukraine vào tháng 12/2015, phó tổng thống đã xem xét các tài liệu tóm tắt bao gồm việc lên lịch trình để ông ký thỏa thuận của Hoa Kỳ nhằm trợ giúp các khoản vay của IMF, mà không đề cập đến việc sa thải ông Shokin.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp cho rằng sự đảo ngược đột ngột của Phó Tổng thống đương thời Biden xuất phát từ việc ông Shokin đang điều tra Burisma.
‘Bất ngờ thay đổi’
Ông Jordan lưu ý rằng trong cuộc họp ngày 04/12/2015 tại Dubai giữa các giám đốc điều hành Burisma gồm ông Mykola Zlochevsky, ông Vadym Pozharsky, ông Hunter Biden, và ông Devon Archer (một trong những đối tác kinh doanh của ông Hunter Biden), hai người Ukraine này đã cầu xin hai người Mỹ làm điều gì đó để giảm bớt “áp lực của chính phủ” mà họ đang gặp phải từ cuộc điều tra của ông Shokin về các cáo buộc tham nhũng đối với ông Zlochevsky.
Theo The Washington Post, trong một cuộc phỏng vấn kín được ghi âm lại, ông Archer nói với ủy ban giám sát rằng để đáp lại những lời cầu xin đó, ông Biden đã “gọi cho D.C.,” ý nói đến cha của ông, lúc đó là phó tổng thống. Ba ngày sau, phó tổng thống “bất ngờ thay đổi”—thay đổi kế hoạch của mình—nhằm đảo ngược chính sách của Hoa Kỳ và yêu cầu sa thải ông Shokin.
Trong dòng thời gian tóm tắt các sự kiện, ủy ban giám sát nhận thấy ông Archer gia nhập ban giám đốc Burisma vào mùa xuân năm 2014 và ông Hunter Biden tham gia ngay sau đó. Ông Biden gia nhập công ty này với vai trò cố vấn, nhưng sau một cuộc họp với chủ sở hữu Burisma, ông Zlochevsky ở Hồ Como, Ý, ông đã được thăng chức vào ban giám đốc vào mùa xuân năm 2014.
“Cả ông [Hunter] Biden và ông Archer, mỗi người đều được trả 1 triệu USD mỗi năm cho vị trí của họ trong ban giám đốc. Tháng 12/2015, sau một cuộc họp ban giám đốc Burisma, ông Zlochevsky và ông Hunter Biden ‘đã gọi D.C.’ trong bối cảnh công ty này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Sau đó, ông Zlochevsky bị buộc tội hối lộ các quan chức Ukraine 6 triệu USD nhằm trì hoãn hoặc hủy bỏ cuộc điều tra đối với công ty của mình,” ủy ban giám sát nêu rõ.
Cho đến nay, ủy ban giám sát đã thu thập được tài liệu bằng chứng về khoản thu nhập 6.5 triệu USD của gia đình Biden và các cộng sự của họ từ các hoạt động ở Ukraine.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times