VIE: Canh bạc công ty vỏ bọc ngàn tỷ USD của Trung Quốc
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư hàng ngàn tỷ dollar Mỹ vào các Thực thể có cấu trúc kiểm soát lợi ích đặc biệt (Variable Interest Entities, gọi tắt là VIE) của Trung Quốc mà không hề hay biết về điều này. Đây là những hợp đồng bất hợp pháp theo luật pháp Trung Quốc và có thể bị các cơ quan quản lý Trung Quốc hủy bỏ bất cứ lúc nào.
Khi các nhà đầu tư Hoa Kỳ mua cổ phần của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là của các công ty internet trên NYSE và NASDAQ, họ thường không sở hữu cổ phần của công ty này trên thực tế. Họ sở hữu cổ phần trong các công ty vỏ bọc (shell companies) ở Đảo Cayman, là những công ty không có nhân viên và không có văn phòng do tư nhân ở Trung Quốc nắm giữ. Tài sản duy nhất của công ty vỏ bọc này là các hợp đồng với công ty thực ở Trung Quốc.
Trung Cộng hạn chế ngoại quốc đầu tư vào một số lĩnh vực như giáo dục và thương mại điện tử, internet và một số công nghệ; và một số thứ khác thì hoàn toàn bị cấm như vũ khí hạt nhân. Trung Cộng không cho phép các công ty ngoại quốc điều hành một công ty internet. Họ sẽ cần phải có giấy phép nhà cung cấp internet, giấy phép này sẽ không được cấp cho các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc. Một cách để các công ty internet Trung Quốc lách quy định này và nhận được vốn đầu tư của Hoa Kỳ là sử dụng VIE.
Tại Hoa Kỳ, VIE thường được hình thành dưới dạng những công ty phục vụ cho mục đích đặc biệt (special purpose vehicles-SPV) để nắm các tài sản tài chính và giữ tài sản chứng khoán hóa ngoài bảng cân đối kế toán của công ty. Các nhà đầu tư không trực tiếp hưởng lợi nhuận hay gánh thua lỗ của thực thể này, họ cũng không có quyền biểu quyết. Theo luật pháp Hoa Kỳ, các công ty đại chúng phải công bố mối quan hệ của họ với VIE.
Bằng cách sử dụng VIE, một công ty có thể kiểm soát một công ty khác thông qua các hợp đồng, thay vì thông qua quyền sở hữu. Công ty được phép hợp nhất các hoạt động của VIE với công ty mẹ như thể nó là một công ty con và đưa kết quả kinh doanh vào báo cáo tài chính. Mặc dù VIE xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của công ty “mẹ”, công ty “mẹ” không sở hữu tài sản hoặc thậm chí là doanh thu của VIE.
Một công ty công nghệ tư nhân ở Trung Quốc có thể xin giấy phép internet của chính phủ. Sau đó, công ty này có thể thành lập một công ty ở Đảo Cayman để người ngoại quốc có thể đầu tư vào. Công ty tư nhân sau đó ký hợp đồng với một công ty đại chúng, chuyển giao quyền kiểm soát VIE cho công ty đại chúng. Vì vậy, công ty đại chúng, do người ngoại quốc đầu tư, sẽ có hợp đồng kiểm soát công nghệ và giấy phép internet ở Trung Quốc. Nhưng về mặt kỹ thuật, những tài sản đó sẽ vẫn thuộc sở hữu của công ty tư nhân ở Trung Quốc, không phải công ty đại chúng. Công ty đại chúng, nơi người ngoại quốc đầu tư vào không sở hữu gì.
Enron đã sử dụng VIE để vay tiền và giữ các khoản nợ nằm bên ngoài bảng cân đối kế toán của Enron. Ở Trung Quốc, VIE được sử dụng theo cách ngược lại. Ở Trung Quốc, các quy tắc VIE đã được tạo ra để giúp các công ty đưa tài sản vào bảng cân đối kế toán của họ, ngay cả khi họ không sở hữu chúng.
VIE gây rắc rối cho các nhà đầu tư. Nếu chủ sở hữu của VIE quyết định không tuân theo hợp đồng, công ty đại chúng thưa kiện họ ra tòa. Nhưng các hợp đồng này là ở Trung Quốc và các tòa án Trung Quốc đôi khi đã phán quyết rằng các hợp đồng VIE là bất hợp pháp và không thể thực thi. Điều này có nghĩa là các cổ đông có thể mất tất cả giá trị của họ.
Năm 2011, ông Jack Ma tách Alipay ra khỏi Tập đoàn Alibaba. Tập đoàn này có phần sở hữu lớn của Yahoo và Softbank; và Alipay đã bị loại bỏ vì sợ rằng Trung Cộng sẽ cấm các nhà đầu tư ngoại quốc sở hữu hệ thống xử lý thanh toán của bên thứ ba. Yahoo thậm chí không phát hiện ra rằng ông Ma đã chuyển Alipay ra khỏi tập đoàn cho đến sau khi sự việc đã xảy ra, dù Yahoo tin rằng họ có quyền sở hữu. Các nhà đầu tư đã được trả một vài xu trên mỗi USD [tài sản] như một khoản bồi thường. Sau đó, IPO của Alipay/Ant Group đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc chặn, điều này cho thấy những rủi ro liên quan đến việc đầu tư vào VIE.
Nhiều công ty Trung Quốc niêm yết ở ngoại quốc được sở hữu thông qua cấu trúc VIE, bao gồm DiDi, JD.com, Alibaba và Tencent. Trớ trêu thay, các công ty internet là một trong những công ty ưa thích phổ biến nhất đối với các nhà đầu tư ngoại quốc, nhưng cũng là một trong những lĩnh vực bị hạn chế nhất đối với đầu tư ngoại quốc. Ví dụ, nếu Tencent bán bất kỳ cổ phiếu nào của mình cho các nhà đầu tư ngoại quốc thì sẽ là bất hợp pháp. Để tận dụng thị trường vốn của Hoa Kỳ, các công ty công nghệ Trung Quốc tạo ra các VIE. Cổ phần của công ty đại chúng được bán ở Hoa Kỳ, nhưng các nhà đầu tư không hiểu rằng họ không sở hữu công ty mà họ tin rằng có sở hữu. Thay vào đó, họ đã mua cổ phần của một công ty ngoại quốc có quan hệ hợp đồng với công ty internet mà họ quan tâm.
Vì các VIE là bất hợp pháp về mặt kỹ thuật ở Trung Quốc, các nhà đầu tư Hoa Kỳ chịu nhận rủi ro về pháp lý. Khi điều này xảy ra, các nhà đầu tư VIE có thể không còn gì hoặc chỉ có được một phần nhỏ số tiền của họ được trả lại. Hai ví dụ điển hình về việc các nhà đầu tư ngoại quốc cố gắng yêu cầu tòa án Trung Quốc thực thi hợp đồng VIE là Ngân hàng Mingsheng và Gigamedia. Trong cả hai trường hợp, họ đều thất bại.
Trong những tuần gần đây, khi Bắc Kinh thẳng tay đàn áp lĩnh vực giáo dục thu lời và lĩnh vực công nghệ, họ cũng đàn áp thị trường VIE, lấy đi hàng tỷ USD giá trị cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch ngoại quốc. Việc chấm dứt hoàn toàn thỏa thuận VIE có thể dẫn đến thiệt hại hàng ngàn tỷ cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Các cơ quan quản trị của Hoa Kỳ cuối cùng cũng cảnh giác với mối đe dọa từ các VIE của Trung Quốc. Ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), đã công bố các quy tắc công bố thông tin mới, yêu cầu các công ty Trung Quốc phải minh bạch hơn với các nhà đầu tư Hoa Kỳ về tài sản nào họ thực sự sở hữu và tài sản nào họ không sở hữu. Trong số các công bố thông tin khác, SEC sẽ yêu cầu các công ty Trung Quốc công bố thông tin “liệu công ty điều hành và tổ chức phát hành, khi được áp dụng, đã nhận hay bị chính quyền Trung Quốc từ chối niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông ấy tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều hãng truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: