Vì sao Trung Cộng chậm công bố toàn văn Nghị quyết lịch sử thứ 3?
Ngày 16/11/2021, Tân Hoa Xã đã đăng toàn văn nghị quyết “Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh trăm năm của Đảng” được thông qua tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp Hành Trung ương khóa 19. Nghị quyết trên có nội dung liên quan đến Cách mạng Văn hóa, Phong trào ngày 4/6, và các vấn đề Đài Loan.
Nghị quyết cũng lấy lại một số điểm được ghi trong nghị quyết 1981, gọi Cách mạng Văn hoá là “nội loạn”. Tuy nhiên, nó lại đưa ra lý lẽ quanh co để bào chữa cho sai lầm của Mao Trạch Đông. Một số nhà phân tích cho rằng nghị quyết này đã bị trì hoãn là do liên quan đến tranh chấp trong nội bộ Đảng.
Với độ dài hơn 36,000 từ, hầu hết nghị quyết đều chỉ mô tả cái gọi là “công lao” của Tập Cận Bình sau khi lên lãnh đạo Đảng.
Trong nội dung liên quan đến thời đại của Mao Trạch Đông, nghị quyết đã ca ngợi các phong trào đàn áp của Trung Cộng gồm túc phản, cải cách ruộng đất, trấn phản, tam phản, ngũ phản cũng như việc đưa quân đến Bắc Hàn để tham gia chiến tranh v.v.
Như một phiên bản mới của lịch sử Trung Cộng, Nghị quyết đã “rửa tội” cho Mao và nói thời đại của Mao là thời đại phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng và ngoại giao.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nêu lên “những điều đáng tiếc là”: Liên tiếp xuất hiện những sai lầm như phong trào “Đại nhảy vọt”, phong trào “Công xã nhân dân” và cuộc đấu tranh chống phe cánh hữu cũng bị mở rộng nghiêm trọng.
Những sai lầm của Mao Trạch Đông về lý luận và thực tiễn của đấu tranh giai cấp xã hội chủ nghĩa ngày càng nghiêm trọng và Trung ương Đảng đã không thể chấn chỉnh kịp thời những sai sót này.
Mao Trạch Đông đã đưa ra đánh giá hoàn toàn sai lầm về tình hình giai cấp và tình trạng chính trị của Đảng và nhà nước lúc bấy giờ, đã phát động và lãnh đạo “Đại Cách mạng Văn hóa”. Hai bè lũ phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh đã lợi dụng sai lầm của Mao Trạch Đông, tiến hành lượng lớn các hoạt động tội ác hại nước hại dân, gây ra 10 năm nội loạn. Vào tháng 10/1976, “thảm kịch” Cách mạng Văn hóa đã kết thúc.
“Lược sử Đảng Cộng sản Trung Quốc” phiên bản mới được ra mắt vào đầu năm 2021 cũng gọi Cách mạng Văn hoá là “nội loạn” và nhấn mạnh rằng “nhà lãnh đạo đã sai lầm”, nhưng nó đã bị “các nhóm phản cách mạng lợi dụng”, nên Mao Trạch Đông “không có tội”.
Điều này cũng được khẳng định trong “Nghị quyết lịch sử thứ 2” năm 1981 dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Còn về sự kiện ngày 4/6/1989, Nghị quyết nêu rõ: “Bối cảnh toàn cầu và hoàn cảnh trong nước đã dẫn đến những xáo trộn chính trị nghiêm trọng ở nước ta vào thời điểm chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè năm 1989”.
Ngoài ra, Nghị quyết này tuyên bố rằng việc giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện “thống nhất hoàn toàn” là “nhiệm vụ lịch sử” của Trung Cộng.
Nghị quyết được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua 11/11. Tuy nhiên mãi đến ngày 16/11 toàn văn nghị quyết mới được Tân Hoa Xã đăng tải.
Vào ngày 16/11, Phó giáo sư Phùng Sùng Nghĩa đã phân tích trên Epoch Times rằng, Nghị quyết bị công bố muộn như vậy là vì xảy ra cuộc tranh chấp trong Ban Chấp hành Trung ương.
Ông Phùng nói rằng, vấn đề tranh cãi là mối liên hệ giữa nghị quyết thứ ba và nghị quyết thứ hai: Khi ra nghị quyết mới rồi thì có cần tuân thủ theo nghị quyết thứ hai nữa hay không.
Đây là nghị quyết lịch sử thứ ba được ĐCSTQ thông qua từ khi thành lập, sau hai văn kiện vào những năm 1940 và 1980.
Hai “nghị quyết lịch sử” năm 1945 và 1981 đều coi Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình là lãnh tụ bất khả chiến bại của Đảng, nhưng đều được hiện thực trên cơ sở phủ nhận đường lối của ĐCSTQ trong quá khứ.
Nghị quyết năm 1945 của Mao Trạch Đông đã bác bỏ “đường lối Vương Minh”, trong khi “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử từ khi dựng nước đến nay” năm 1981 của Đặng Tiểu Bình lại phủ nhận đường lối Cách mạng Văn hoá của Mao Trạch Đông sau khi phe Đặng đánh bại một phe phái không chính thức trong Đảng.
Ông Phùng Sùng Nghĩa nói, “Khi Đặng Tiểu Bình đưa ra nghị quyết thứ hai, những người phe đó đều đã trải qua Cách mạng Văn Hoá. Tất cả họ đều đừng bị đả đạo, chà đạp, đấu tố đến mức đầu rơi máu chảy. Hễ nghĩ lại điều đó không khỏi rùng mình ghê sợ”.
Xem ra, nghị quyết lịch sử thứ ba này đã tiếp nối nghị quyết lịch sử thứ hai ở một số khía cạnh. Ví dụ, gọi Cách mạng Văn hoá là nội loạn, thảm hoạ, và cũng chối bỏ tội ác của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, điểm mới của nghị quyết lịch sử thứ ba là chủ trương phân quyền giữa Mao, Đặng và Tập. Nghị quyết này sẽ trải đường cho việc tái đắc cử của ông Tập và nâng cao vị thế để ông tiếp tục cầm quyền trong nhiệm kỳ thứ ba.
Giáo sư Lý Dậu Đàm tại Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia của Đại học Chính trị Đài Loan, nói với Epoch Times rằng, nghị quyết lịch sử thứ ba của ĐCSTQ là một chiến lược đấu tranh chính trị và một cách để xây dựng hình tượng của ông Tập.
Ông Lý cho biết, từ trước đến nay ĐCSTQ luôn chỉ nhấn mạnh vào sự vĩ đại và quang vinh. Nó không thừa nhận bất cứ sai lầm nào. Từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình, bản thân Trung Cộng chưa bao giờ thừa nhận sai lầm của mình.
Ông tin rằng các nghị quyết lịch sử vốn là để ca ngợi bản thân ĐCSTQ. Nó là nền tảng chung cho việc cai trị Trung Quốc trong tương lai và nêu bật hai yếu tố: “Một là ĐCSTQ là Đảng chấp chính duy nhất với quyền lực vĩnh viễn. Hai là trước sùng bái Mao – Đặng, kế tiếp là Tập Cận Bình”.
Thông tin công khai cho thấy Cách mạng Văn hóa bắt đầu vào ngày 16/5/1966 do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Mao Trạch Đông khởi xướng. Khi đó, Hồng vệ binh là những thanh thiếu niên ở Trung Quốc tôn sùng tư tưởng Mao Trạch Đông, được sử dụng để kích động đấu tố, lục soát nhà cửa, tố giác lẫn nhau, khiến văn hoá và đạo đức truyền thống của Trung Quốc trở nên suy đồi, nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng triệu người đã trở thành nạn nhân trong Cách mạng Văn Hoá, một lượng lớn các văn vật bị phá huỷ trong cuộc vận động “Phá tứ cựu”. Phong trào kéo dài mười năm nên còn được gọi là “10 năm hỗn loạn” hay “10 năm thảm họa”.
Do Phương Hiểu, Ninh Hải Chung thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: