Vì sao thực phẩm thực sự là một nguồn thông tin? Phần 1: Chúng ta đang định nghĩa bản chất của thực phẩm như thế nào?
Thực phẩm có thể thay đổi DNA nhưng chúng ta hầu như chưa bắt đầu quan tâm đến phát hiện đột phá này.
Thực phẩm, thứ cần thiết để duy trì sự sinh tồn của chúng ta lại hiếm khi được đánh giá cao về sức mạnh thực sự của nó. Những khám phá mới trong khuôn khổ của khoa học cho thấy rằng thực phẩm cũng là một nguồn thông tin mạnh mẽ, vượt xa vai trò được định nghĩa thông thường là nguồn cung năng lượng và các viên gạch xây dựng cho cỗ máy cơ thể.
Tất cả chúng ta đều có phản ứng bẩm về đến thức ăn khi đói, phản ứng này nhanh chóng biến mất khi chúng ta no. Nhưng trong những mối quan tâm hàng ngày và trong [lĩnh vực] nghiên cứu khoa học, thực phẩm thường là một chủ đề không mấy hấp dẫn.
Điều này càng rõ ràng hơn khi so sánh với vị trí truyền thống của thực phẩm trong các nền văn hóa cổ đại là linh thiêng; hoặc trong các truyền thống tôn giáo đương đại như Công giáo, bánh Thánh được tin là sẽ chuyển thành Cơ thể của Chúa (Bí tích Thánh Thể).
Nhưng như những cuộc điều tra trước đây của tôi về mặt tối của lúa mì đã cho thấy, thực phẩm là một trong những chủ đề hấp dẫn nhất và quan trọng nhất. Và theo nhiều cách, cho đến khi chúng ta hiểu được bản chất thực sự của thực phẩm, và tác động sâu sắc của nó đến nhận thức của chúng ta, thì chúng ta sẽ không thể hiểu được bản chất và số phận của chính mình.
Làm thế nào chúng ta hiểu được bản chất của thực phẩm?
Theo khái niệm phương Tây hiện đại, thực phẩm là sản phẩm phụ của quá trình thế tục hóa dữ dội kéo dài hàng thế kỷ. Thực phẩm hiện nay chủ yếu mang quan niệm về giá trị kinh tế như một loại hàng hóa, và giá trị dinh dưỡng của nó như một nguồn cung cấp chất nuôi dưỡng cho cơ thể.
Về mặt dinh dưỡng, giá trị của nó được định lượng bằng các chất dinh dưỡng cơ bản (glucid, protein, lipid) và các chất vi lượng, hoặc lượng calo “gây béo” (“fat-inducing”) của nó.
Trong quá trình làm giảm giá trị của thực phẩm xuống bằng các định lượng nghiêm ngặt này, thực phẩm đã mất đi linh hồn của nó. Thực phẩm không còn được tin là có sinh lực quan trọng, và ít thiêng liêng hơn nhiều. Bản thân từ “sacred” có nghĩa là thiêng liêng, và “holy,” có nghĩa là chữa lành, điều này cho thấy thực phẩm giúp chúng ta được vẹn toàn và bình an vô sự.
Thực phẩm là sự nuôi dưỡng ở mọi cấp độ
Nếu nói thực phẩm là “thiêng liêng” và “làm nên sự vẹn toàn” nghe có vẻ không có khoa học, nhưng hãy xem xét cách thiên nhiên hình thành nên trải nghiệm được nuôi dưỡng ngay từ đầu tiên của chúng ta (nếu chúng ta đủ may mắn để không phải nhận một bình sữa công thức): sữa từ vú mẹ là sự nuôi dưỡng tự nhiên về cả mặt dinh dưỡng, thể chất cũng như nhiệt độ, cảm xúc, di truyền và tinh thần. Do đó, thực phẩm không thể và không nên thực sự bị thu nhỏ thành một đối tượng của ngành sinh hóa.
Và vì vậy, khi tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi phát hiện rằng chủ đề về thực phẩm là rất quan trọng. Và điều này bắt đầu với bất kỳ hành vi ăn uống đơn giản nào, mặc dù theo một cách hơi khác.
Nó được gọi là giai đoạn dinh dưỡng ban đầu, “trong đầu của bạn,” phản ánh cách bạn thực sự trải nghiệm thức ăn. Nó có ngon không? Nó có mang lại cho bạn niềm vui không? Những khía cạnh “chủ quan” này ảnh hưởng sâu sắc đến sinh lý quá trình tiêu hóa và đồng hóa.
Đồng nghiệp của tôi, Marc David, đã dành nhiều năm để nói với mọi người về quá trình tuyệt vời này. Do đó, thực phẩm bắt đầu trong một bối cảnh vượt qua các điều kiện và mối quan tâm đơn thuần về hóa lý.
Các hiệu ứng giả dược nocebo và placebo là những nguồn lực mạnh mẽ trong thiết lập y học lâm sàng, cũng áp dụng cho lĩnh vực và kinh nghiệm về dinh dưỡng. Và do đó, thật khó để bỏ qua giai đoạn dinh dưỡng quan trọng này – trải nghiệm trực tiếp, và thậm chí cả ý muốn và mức độ biết ơn của chúng ta – đã mất đi như thế nào khi khoa học thực phẩm trở nên giản lược và cố định về mặt hóa học.
Nhưng tâm trí tò mò của chúng ta muốn có những câu trả lời khoa học cụ thể hơn: Thức ăn giúp chúng ta trở nên khỏe mạnh như thế nào? Sự sắp xếp các nguyên tử của thức ăn có sức mạnh phi thường như vậy để duy trì loài người chúng ta ra sao? Tại sao chúng ta không thể trả lời những câu hỏi đơn sơ nhất của thời cổ đại, chẳng hạn như bí ẩn và phép lạ vượt thời gian về cách bánh mì được biến đổi thành máu và thịt?
Có lẽ, thông tin (và hiểu biết) từ thực phẩm sẽ giúp giải thích phần nào bí ẩn này. Cuối cùng thì thông tin có nghĩa đen là “đưa dữ liệu vào.” Sự hiểu biết này sẽ bổ sung thêm độ sâu và sắc thái rất cần thiết cho các khái niệm dinh dưỡng thông thường, rằng thực phẩm vẫn được coi là một loạt các nguyên tử và phân tử về cơ bản đã chết và không có gì thú vị.
Câu chuyện cũ về thực phẩm
Khái niệm về thực phẩm của chúng ta nói chung vẫn bị hạn chế trong quan điểm của Newton rằng mọi vật đều bao gồm các nguyên tử, có liên kết bên ngoài với nhau và từ đó tạo thành các phân tử, tế bào, v.v.
Câu chuyện kể rằng khi chúng ta ăn mọi thứ, quá trình tiêu hóa sẽ phân hủy chúng thành các phần cấu tạo nên chúng và sau đó cơ thể chúng ta sử dụng các phần này để xây dựng thành máu và xương của chúng ta.
Quan điểm này rất máy móc và đơn giản, mặc dù vẫn có giá trị theo những cách hạn chế, nhưng không còn đúng dưới ánh sáng của sinh học và nền khoa học mới. Cùng với quan điểm coi thực phẩm như vật chất là một quan điểm tương quan, rằng thực phẩm có thể được “đốt cháy” để tạo năng lượng và giống như lò sưởi hoặc ô tô, cơ thể chúng ta sử dụng thực phẩm để làm “nhiên liệu” tính bằng calo để thúc đẩy động cơ của nó.
Tất nhiên, điều này được củng cố bởi các nhãn dinh dưỡng biến thực phẩm thành thứ đơn giản chứa hàm lượng calo và có hoặc không có một nhóm tương đối nhỏ các chất dinh dưỡng thiết yếu như carbohydrate, chất béo, protein, vitamin hoặc khoáng chất.
Tôi sẽ gọi quan điểm giản lược về thực phẩm này là “câu chuyện cũ về thực phẩm,” để ghi nhận suy nghĩ của Charles Eisenstein. Câu chuyện này tập trung vào hai khía cạnh chính: thực phẩm là vật chất và thực phẩm là năng lượng.
Thực phẩm là vật chất
Nếu chúng ta đang xem xét khía cạnh “vật chất” của thực phẩm, có nghĩa chúng ta đang xem xét các yếu tố có thể định lượng hoặc đo lường được về mặt vật lý.
Ví dụ, bạn không thể đo lường vị giác một cách khách quan, vì nó có sự khác nhau ở mỗi người. Đó là một trải nghiệm chủ quan. Và do đó, khoa học dinh dưỡng tập trung vào những gì mang tính khách quan, cụ thể là các đại lượng như trọng lượng phân tử của một chất nhất định, ví dụ: 50mg vitamin C, 10 gam carbohydrate hoặc 200 mg magie.
Những thông tin từ khía cạnh vật chất này, không được coi là “thông tin” theo nghĩa đưa ra các thông điệp khác biệt đến DNA trong cơ thể chúng ta và có thể làm thay đổi biểu hiện gen. Chúng được coi là một phần của thế giới vật chất. Do đó, khi cung cấp các khối nguyên liệu để xây dựng cho cơ thể, bao gồm cả DNA, chúng không được hiểu là có thể thay đổi hoặc kiểm soát sự biểu hiện DNA chúng ta theo cách có ý nghĩa.
Vì vậy, thực phẩm được coi là “chết” và không có ý nghĩa sinh học ngoài các chức năng như “gạch và vữa” trong việc xây dựng cơ thể.
Thực phẩm là năng lượng
Năng lượng thường được định nghĩa là sức mạnh có được từ việc sử dụng các nguồn vật chất, đặc biệt là để điều khiển máy móc.
Theo quan điểm này, thực phẩm là nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Năng lượng thực phẩm được định nghĩa theo quy ước về mặt hóa học. Về cơ bản, con người khai thác năng lượng từ thức ăn và oxy thông qua hô hấp tế bào.
Tức là, cơ thể kết hợp oxy từ không khí với các phân tử từ thức ăn (hô hấp hiếu khí), hoặc tạo ra năng lượng mà không cần oxy (hô hấp kỵ khí) bằng cách tái tổ chức các phân tử.
Hệ thống calo được sử dụng để đo mức năng lượng của thực phẩm. Một calo tương đương nhiệt lượng cần thiết ở áp suất 1 atmotphe để làm tăng nhiệt độ một gam nước thêm 1 độ C.
Cách truyền thống để xác định hàm lượng calo của một mẫu thực phẩm là sử dụng nhiệt lượng kế đo lượng nhiệt tỏa ra (hàm lượng calo) khi đốt cháy mẫu thực phẩm.
Hiện nay, để tính được hàm lượng các chất khác nhau trong một mẫu, ví dụ như chất xơ, chất béo, nước, người ta sử dụng một thuật toán phức tạp hơn. Nhưng dù theo cách nào thì thực phẩm không phải là một chất thông tin theo nghĩa sinh học (ví dụ: DNA), mà chỉ đơn giản là một nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Sayer Ji là người sáng lập Greenmedinfo.com, một nhà bình duyệt tại Tạp chí Quốc tế về Dinh dưỡng Con người và Y học Chức năng, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Systome Biomed, phó chủ tịch hội đồng quản trị của Liên đoàn Y tế Quốc gia và là thành viên ban chỉ đạo của Tổ chức toàn cầu không biến đổi gen. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên Greenmedinfo.com.
Tiểu Thiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.
Xem thêm: