Vì sao những đứa trẻ quay lưng lại với cha mẹ mình
Làm cha mẹ tốt là một công việc khó khăn, hiện nay nghĩa vụ này còn khó hơn bao giờ hết. Một số người cho rằng làm cha mẹ tốt là một thách thức, nhất là khi những đứa trẻ không thay đổi nhiều trong những năm qua.
Con cái đúng là không thay đổi, nhưng hoàn cảnh nuôi dạy chúng thì thay đổi, bao gồm cả sự phát triển công nghệ và tỷ lệ tan vỡ của các gia đình. Nhưng có một thủ phạm quan trọng khác và cha mẹ có thể đang mời thủ phạm vào nhà.
Trong quyển sách nổi tiếng về làm cha mẹ “Giữ lấy con bạn: Tại sao cha mẹ cần quan trọng hơn bạn bè”, Gordon Neufeld và Gabor Maté nhấn mạnh về vai trò của văn hóa đồng trang lứa trong cuộc sống của giới trẻ ngày nay và nó ảnh hưởng thế nào đến khả năng làm cha mẹ của chúng ta.
Cha mẹ thường khuyến khích những mối quan hệ này, nhìn nhận chúng như một dấu hiệu lành mạnh cho thấy con cái họ có thể kết bạn. Tuy nhiên, một khi trẻ coi trọng bạn bè hơn gia đình, chúng sẽ áp dụng văn hóa của những người bạn cùng trang lứa, và bạn có thể sẽ tự hỏi điều gì đã xảy ra với cậu bé hay cô bé ngọt ngào của mình. Đây không phải là giai đoạn phát triển tự nhiên của thời thơ ấu; đó là sự khước từ những giá trị gia đình, và sự chấp nhận những giá trị của nền văn hóa đồng đẳng.
Cha mẹ có thẩm quyền đối với con cái là nhờ sự kết nối mà đứa trẻ cảm nhận với người gần gũi chúng nhất. Đứa trẻ phụ thuộc vào cha mẹ về mặt cảm xúc để tìm kiếm sự an toàn và thân thiết. Khi mối quan hệ này còn nguyên vẹn, trẻ sẽ hỏi ý kiến cha mẹ về những chỉ dẫn, hướng đi, giá trị và học tập. Đây là điều kiện khiến cho việc làm cha mẹ trở nên đúng đắn.
Giá trị bạn đồng trang lứa cao hơn giá trị gia đình
Sự định hướng của bạn đồng trang lứa xuất hiện khi cảm xúc gắn kết của trẻ với bạn cùng tuổi chiếm chỗ mối liên hệ của con với cha mẹ. Nó không phải là một giai đoạn phát triển – nó có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào khi trẻ mở rộng tình bạn. Khi sự gắn bó chủ yếu của đứa trẻ hướng về phía bạn cùng lứa, ở mức độ cảm xúc, trẻ sẽ coi trọng bạn hơn gia đình.
Khi trẻ gắn bó với bạn đồng trang lứa hơn, nó sẽ thay thế sự gắn kết chủ đạo với cha mẹ. Con người chủ yếu thường gắn kết với một nhóm, hoặc một hội cùng một lúc; họ sẽ thấy người khác là kẻ ngoài cuộc. Gắn kết với bạn đồng lứa có nghĩa là giá trị của bạn bè chúng trở thành giá trị của chúng, và bất kỳ nỗ lực nào để áp đặt giá trị của cha mẹ sẽ bị từ chối. Những gì mà bạn đồng trang lứa muốn trẻ làm quan trọng với trẻ hơn những gì bạn muốn con làm.
Bạn đã bao giờ thấy phản ứng của một đứa trẻ khi bạn cố gắng lấy điện thoại của chúng và chiếc điện thoại ấy là phương tiện giao tiếp chủ yếu của trẻ với bạn bè? Nếu bạn cố gắng yêu cầu con hạn chế gọi điện thoại, bạn sẽ bị đối xử như kẻ thù vì đã ngăn chúng kết nối với đối tượng chúng gắn kết cảm xúc nhất và can thiệp vào mục tiêu của chúng.
Bạn đồng trang lứa không coi trọng sức khỏe của con bạn nhiều như bạn. Con của bạn có thể bị bắt nạt hay thực hiện những hành vi xấu khác, như sử dụng rượu và chất gây nghiện, quan hệ tình dục trước tuổi vị thành niên, và những hành động có hại khác. Nhưng, mặc dù bị tổn hại, con bạn vẫn có thể luống cuống tìm cách liên lạc với những đầu gấu trường học bởi vì tâm trí con người coi trọng sự gắn kết cảm xúc chủ đạo hơn bất kỳ điều gì.
Điều tương tự có thể được thấy trong một gia đình xảy ra bạo hành. Tôi đã từng làm việc trong một hệ thống chăm sóc con nuôi. Dù cho cuộc sống ở nhà của đứa trẻ tệ thế nào, tôi chưa bao giờ thấy một đứa trẻ rời khỏi gia đình mình để đến một ngôi nhà an toàn hơn. Nếu con bạn gắn kết với bạn cùng lứa, về cơ bản, con đang rời bỏ bạn để đến một ngôi nhà đầy sự bạo hành.
Bạn có thể làm gì
Như hầu hết những chuyện khác, cách tốt nhất để tránh sự định hướng của bạn đồng trang lứa với con bạn là ngăn chặn nó xảy ra ngay từ đầu. Điều này đòi hỏi bạn nỗ lực và tập trung xây dựng một mối quan hệ gắn bó sâu sắc với con bạn.
Neufeuld và Matte mô tả sáu giai đoạn phát triển của sự gắn kết để một người có thể thân thiết và kết nối được với người khác, bao gồm: gần gũi về thể chất, sự giống nhau hay có điểm chung, cảm giác thuộc về và sự trung thành, cảm thấy mình quan trọng, cảm xúc tích cực hay ấm áp, và cuối cùng, cảm giác được thật sự thấu hiểu.
Nếu bạn và con bạn có sự gắn kết mạnh mẽ này, bạn đồng lứa sẽ khó mà cạnh tranh vì chúng không thể đạt được mức độ thân thiết như vậy. Sự định hướng của bạn đồng trang lứa phát triển tốt khi không có sự kết nối vững chãi trong gia đình.
Khi bạn kỷ luật và đặt giới hạn cho trẻ, hãy tạo ra những luật lệ và chỉ rõ những hậu quả nếu chúng hành động sai. Một lỗi mà cha mẹ thường gặp là trừng phạt đứa trẻ bằng cách chọc giận, làm phiền và làm đứa trẻ tức giận thay vì để chúng đối diện với hậu quả do chúng gây ra. Điều này có thể dạy đứa trẻ một bài học, nhưng cũng cho trẻ biết rằng bạn không yêu con, nó làm suy yếu sự gắn kết mà bạn đang cố gắng thiết lập.
Bạn cần biết con bạn đang chơi với ai. Khi trẻ muốn mời bạn bè đến nhà, bạn nên tập trung vào bạn của con mình chứ không nên để chúng một mình với con bạn. Hãy hiểu bạn của con và xây dựng mối quan hệ với chúng. Hãy chú ý khi bọn trẻ có vẻ như quá bận rộn với bạn bè mà quên mất gia đình. Nếu vậy, bạn cần can thiệp và ngăn chặn điều đó.
Bạn cũng nên làm quen với cha mẹ của bạn của con mình. Tìm hiểu những giá trị họ theo đuổi, và chắc chắn rằng sự hiện diện của họ sẽ hỗ trợ bạn duy trì những mục tiêu của mình.
Nếu con bạn có dấu hiệu đi theo định hướng của bạn đồng trang lứa, hãy đọc quyển sách “Hãy giữ lấy con bạn” ở trên. Trong đó có đề cập chi tiết về sự định hướng của bạn đồng lứa và bạn nên làm gì khi nó xảy ra.
Nếu con bạn đã đi quá xa cùng với nhóm bạn và bắt đầu sử dụng chất gây nghiện hay rượu, tham gia vào những hoạt động phạm pháp hay chúng đang bị bắt nạt nghiêm trọng, hãy nghiêm túc nhìn nhận chuyện này. Bạn cần thực hiện những biện pháp quyết liệt, như: chuyển trường, học tại nhà, cắt bỏ công nghệ và phương tiện liên lạc, hoặc là chuyển nhà.
Michael Courter là một nhà trị liệu và chuyên viên tư vấn, ông tin vào sức mạnh của sự phát triển bản thân, hàn gắn mối quan hệ và theo đuổi giấc mơ. Liên lạc với ông ấy qua [email protected]
Michael Courter
Ngọc Thuần biên dịch
Xem thêm: