Vì sao người Thụy Điển thường không khoe khoang về bản thân mình?
Khoảng cách giàu nghèo ở Thụy Điển khá lớn. Theo OECD, hiện 20% dân số Thụy Điển có thu nhập cao gấp 4 lần so với 20% người dân ở tầng đáy. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là giới thượng lưu Thụy Điển không thích khoe khoang tài sản của mình.
Ở Thụy Điển, người dân không được sử dụng súng trái phép, đánh đập con cái hay trộm bán xe của hàng xóm. Những điều này ghi rõ trong luật pháp, nhưng có một luật bất thành văn mà số đông người Thụy Điển vẫn luôn tuân thủ trong suốt hàng chục năm qua, đó là Jantelagen hay Luật Jante.
Thông thường, nếu ai đó có điều gì đặc biệt – ví dụ như thành công, tiền bạc hay danh tiếng, họ sẽ có xu hướng thể hiện cho người khác thấy. Nhưng người Thụy Điển thì khác, họ dường như chẳng nổi bật hay đáng chú ý hơn khi đạt được một thành tựu phi thường. Họ không khoa trương về bản thân mình. Jantelagen hay Luật Jante, về nghĩa đen có thể hiểu là “Bạn không nổi trội hơn những người khác”. Vì thế, ít ai có thể biết một người Thụy Điển có bao nhiêu tài sản, nhà lầu, xe hơi hay địa vị xã hội nếu như chỉ gặp gỡ thông thường.
Ví dụ, hãy nhìn vào những nhân vật nổi tiếng của đất nước Thụy Điển, như Ingvar Kamprad, người sáng lập ra IKEA. Ông vẫn lái một chiếc Volvo cũ mặc dù sở hữu khối tài sản kếch xù. Hay các thành viên của ban nhạc ABBA, họ là những con người dễ bắt chuyện và không có vẻ gì là nổi bật hơn những người khác. Những chính trị gia cao cấp hay gia đình hoàng gia trông đều bình dị, họ không khiến người đối diện cảm thấy mình thấp kém hơn khi trò chuyện.
Chuyên gia văn hóa Thụy Điển Lola Akinmade Akerstrom cho biết việc nói về thu nhập là chủ đề rất nhạy cảm tại đây. Tại Mỹ, khi ai đó nói họ kiếm được nhiều tiền, người khác sẽ mừng cho họ. Nhưng ở Thụy Điển, nếu bạn nói mình có thu nhập cao, mọi người sẽ nhìn bạn với ánh mắt kỳ quặc.
Văn hóa Jantelagen là cố giữ cho mọi người bình đẳng với tư tưởng không bao giờ được cho rằng bản thân tốt hơn người khác hay người khác giỏi hơn mình, nhằm duy trì sức mạnh tập thể cũng như loại bỏ những mối bất hòa căng thẳng.
Không chỉ không thể hiện bản thân mình thái quá, người Thụy Điển cũng tránh tỏ ra đáng thương hay tội nghiệp. Ví dụ, họ sẽ không phàn nàn hay kêu ca suốt về cái lưng đau của mình, họ chỉ nói một lần và nếu ai đó quan tâm, người đó sẽ chủ động đến hỏi thăm họ.
Jantelagen có nguồn gốc từ đâu?
Jantelagen không phải là một điều luật, mà nó bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết “En flykting korsar sitt spår” (A Fugitive Crosses Tracks – 1933) của Na Uy do một tác giả người Đan Mạch là Aksel Sandemose viết. Trong cuốn tiểu thuyết này, ông đề cập đến 10 quy tắc từ một ngôi làng có tên là Jante – một thị trấn hư cấu ở Đan Mạch lấy cảm hứng từ quê hương của ông, Nykøbing.
- Đừng nghĩ rằng bạn đặc biệt.
- Đừng nghĩ rằng bạn sẽ làm tốt được như chúng ta.
- Đừng nghĩ rằng bạn thông minh hơn chúng ta.
- Đừng tự thuyết phục mình rằng bạn giỏi hơn chúng ta.
- Đừng nghĩ rằng bạn biết nhiều hơn chúng ta.
- Đừng nghĩ rằng bạn quan trọng hơn chúng ta.
- Đừng nghĩ rằng bạn làm gì cũng giỏi.
- Đừng cười nhạo chúng ta.
- Đừng nghĩ rằng ai đó quan tâm đến bạn.
- Đừng nghĩ rằng bạn sẽ dạy được cho chúng ta điều gì.
Ở một khía cạnh nào đó, Jantelagen nhấn mạnh vào các thành tựu và sự thịnh vượng của tập thể, họ tránh tập trung vào những thành tựu của cá nhân. Văn hóa này phổ biến ở tất cả các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland. Hiểu về Jantelagen sẽ hiểu về lịch sử và văn hóa hiện đại của các quốc gia.
Nhưng theo Tiến sĩ Stephen Trotter, văn hóa này đã tồn tại ở Bắc Âu hàng thế kỷ chứ không chỉ như phiên bản năm 1933 của Aksel Sandemose. Ông nói: “Jantelagen là một dạng kiểm soát xã hội. Nó không chỉ đơn giản nói về so sánh sự giàu có mà còn nhắc nhở mọi người không sống giả tạo, không giả vờ mình biết nhiều hơn kiến thức thực tế của bản thân hay hành xử vượt quá điều kiện gia đình thực tế…”
Điều này khiến họ rất biết cách giao tiếp sao cho phù hợp với tầng lớp và thu nhập. Nếu một người giàu có Thụy Điển nói chuyện với một người thuộc tầng lớp thu nhập thấp, họ sẽ không đề cập đến những thú vui xa xỉ mà thay vào đó là những câu chuyện đời thường hoặc những hoạt động dã ngoại đơn giản.
Truyền thông trong nước và quốc tế đều nhấn mạnh vào sức mạnh của xã hội thay vì sức mạnh cá nhân. Hệ thống y tế, phúc lợi xã hội, bình đẳng giới, thiết kế, thậm chí là hạnh phúc; tất cả những khía cạnh này đều là những thế mạnh nổi bật của Thụy Điển, mà không phải một cá nhân cụ thể hay người nổi tiếng nào.
Tuy nhiên, mặc dù Thụy Điển có mô hình phúc lợi theo xã hội chủ nghĩa, mô hình kinh tế của Thụy Điển lại theo chủ nghĩa tư bản. Kết quả, Thụy Điển khuyến khích mỗi cá nhân nỗ lực thành công về mặt tài chính và gây dựng vị thế xã hội, nhưng đồng thời tránh tự đánh bóng bản thân khi đạt được những thành tựu này.
Nhìn chung, Jantelagen có thể được tóm gọn lại theo hai cách. Với những ai tin theo khái niệm này, nó là một cách để khiến mọi người bình đẳng, một ý tưởng đơn giản để thực hành sự khiêm tốn. Nhưng với những ai phản đối nó, thì đây bị coi như là một phương tiện kiểm soát xã hội để “đàn áp” tính cá nhân.
Jantelagen dần biến mất trong xã hội Thụy Điển?
Jantelagen đã nuôi dưỡng đức tính khiêm tốn cho người Thụy Điển nói riêng và người Bắc Âu nói chung, nhưng giới trẻ ngày nay khá ác cảm với khái niệm này. Với sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội, họ đua nhau đăng tải những bức ảnh về một cuộc sống hoàn hảo. Họ đã phá vỡ truyền thống và trở nên tự tin hơn khi nói về tài sản và thành công. Họ được gọi là “anti-jante”.
Một cô gái có tên là Nicole Falciani, 22 tuổi, sở hữu 354,000 người theo dõi trên Instagram cho biết rằng, cô mong Jantelagen sẽ không tiếp tục tồn tại, bởi như vậy xã hội Thụy Điển sẽ cởi mở hơn, và sẽ tốt hơn cho những người sống nơi đây khi họ có thể thoải mái nói về tiền bạc. “Suy nghĩ mọi người nên bình đẳng và giống nhau là tốt nhưng chúng không hiện thực, bởi vì nếu bạn làm việc chăm chỉ hơn những người khác, thì bạn nên tự hào về điều đó.”
Cornelius Cappelen, phó giáo sư về chính trị so sánh tại Đại Học Bergen ở Na Uy lập luận rằng việc viết blog, đặc biệt là làm Vlog, đang ủng hộ kiểu “chủ nghĩa cá nhân tràn lan” và thúc đẩy sự tách khỏi đám đông. Ông nói: “Càng ngày càng có nhiều người sử dụng thuật ngữ Jantelagen như một sự xấu xa – đặc biệt, nhiều người trẻ tuyên bố rõ ràng rằng họ ghét lối suy nghĩ này.” Ngoài ra, một nguyên nhân khác giải thích sự mai một của Jantelagen là gia tăng dân nhập cư và sự pha trộn của văn hoá nước ngoài tại Thụy Điển.
Còn một lý do khác, đó là trong cuốn sách của Aksel Sandemose, có một quy tắc thứ 11, đó là: “Chẳng lẽ bạn không nghĩ rằng chúng tôi biết quá ít về bạn?”
Do đó, ngày nay, thông tin thuế của Thụy Điển được công bố hàng năm. Công dân chấp nhận việc điều tra tài chính cá nhân. Báo chí đều đăng tải để công chúng biết những người nổi tiếng, tỷ phủ và hàng xóm của họ có thu nhập bao nhiêu.
Tuy nhiên, có nhiều học giả cho rằng Jantelagen không dễ biến mất. Phó giáo sư Cornelius Cappelen cho biết: “Tôi hy vọng khía cạnh tốt đẹp của nó (quy tắc khiêm tốn) sẽ tiếp tục tồn tại, và tôi hy vọng rằng khía cạnh tiêu cực của nó sẽ mất đi.” Bởi sự khiêm tốn, không quá coi trọng tài sản vật chất là đức tính tốt, nhưng một xã hội đề cao tính tập thể thái quá sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: mất đi bản sắc cá nhân và có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi “hiệu ứng đám đông”.
Xem thêm: