Vì sao gừng là loại gia vị cơ bản trong mùa đông?
Với tính ấm giúp điều trị cảm lạnh và các bệnh tiêu hóa hiệu quả, gừng đã trở thành một loại gia vị cơ bản trong mùa đông lạnh giá.
Là một người hành nghề châm cứu và Trung Y, tôi thường dùng cả thảo dược và liệu pháp thực phẩm Trung Y để điều trị cho bệnh nhân của mình. Cả hai đều có những đặc tính riêng, nhưng thảo dược được xem là có tác dụng mạnh hơn và thường được dùng như chất bổ sung, trong khi tác dụng của thực phẩm có phần yếu hơn. Trong một vài trường hợp ngoại lệ, thảo dược cũng được xem như thực phẩm, chẳng hạn củ gừng – loại thực phẩm yêu thích của tôi.
Dưới đây là một số điều thú vị cần biết về gừng và cách dùng gừng vừa là thảo dược vừa là thực phẩm:
- Về tổng thể, gừng có tính ấm. Ấm không nhất thiết có nghĩa là cay mà đúng hơn là sau khi ăn gừng, cơ thể sẽ cảm thấy ấm hơn một chút. Theo thời gian, nếu bạn ăn hoặc uống gừng hàng ngày, cơ thể có thể ấm lên đáng kể. Tại sao tính ấm của gừng lại đáng chú ý? Vì đặc tính này có thể giúp điều trị cảm lạnh kinh niên, đau nhức khi trời chuyển lạnh, và mọi vấn đề sức khỏe khác liên quan đến cảm lạnh.
- Nếu bạn đang bị cảm lạnh hoặc cúm, gừng có thể giúp chống cảm lạnh. Công thức làm như sau: cho gừng nạo và hành lá xắt nhỏ vào nước nóng hoặc nước dùng. Uống cạn rồi trùm kín người lại và đi ngủ. Gừng kết hợp với hành lá sẽ làm cơ thể nóng lên và đổ mồ hôi, từ đó trị khỏi cảm lạnh trước khi cơn cảm lạnh có thể gây khó chịu trong khoảng một tuần tới.
- Gừng còn được biết đến với công dụng giảm buồn nôn, giúp điều trị chứng ốm nghén và buồn nôn do hóa trị hiệu quả. Có thể nạo một ít gừng cho vào nước nóng hoặc tìm mua bột gừng dạng viên nang ở các tiệm bán thảo dược bổ sung thông thường.
- Gừng không chỉ giúp giảm buồn nôn, mà còn làm ấm dạ dày và được dùng như một chất kích thích tiêu hóa. Bạn có thể nạo gừng rồi uống với nước nóng hoặc ăn một vài miếng kẹo gừng, bánh quy gừng hoặc gừng ngâm sau bữa ăn.
- Bạn có thích sushi không? Bạn đã bao giờ thắc mắc vì sao món sushi luôn đi kèm với gừng ngâm chưa? Gừng ngâm có hương vị thơm ngon, nhưng quan trọng hơn, gừng có thể cân bằng độc tính của miếng cá. Thêm nữa, gừng thường được dùng trong một số công thức thảo dược để cân bằng tác dụng của các loại thảo mộc có độc tính nhẹ khác.
- Gừng cũng có thể giảm nhẹ các triệu chứng ngộ độc thực phẩm hoặc kiết lỵ. Gừng làm tăng tiết dịch vị, giúp tiêu hóa thức ăn nhanh hơn. Từ đó không tạo ra môi trường phù hợp cho bất kỳ loại vi khuẩn nào có thể tồn tại và khiến cơ thể bị bệnh.
- Trong hầu hết các trường hợp, tôi đều gọt bỏ phần vỏ. Tuy nhiên, trong Trung Y, vỏ củ gừng cũng rất hữu ích. Vỏ gừng được dùng như một loại thuốc lợi tiểu, có tác dụng kích thích đi tiểu như một cách giảm phù do tích nước.
Xào ớt đỏ khô, gừng, tỏi và hành lá. (Ảnh: CiCi Li)
Có nhiều cách dùng gừng. Đơn giản nhất là nạo nhỏ gừng cho vào nước nóng và uống như trà. Bạn cũng có thể cắt gừng thành những miếng nhỏ hoặc thêm gừng bào vào món xào yêu thích. Gừng có thể nướng thành bánh quy, hoặc kết hợp với các thực phẩm có tính ấm khác như thịt cừu, cá hồi, thịt gà, tôm, tỏi tây hoặc hành tây để tạo nên một bữa ăn mùa đông thịnh soạn.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times