Củ gừng có lợi cho sức khỏe tim mạch và huyết áp
Khám phá tác dụng của củ gừng, cách chế biến để đạt được lợi ích tốt nhất và những điều cần chú ý khi dùng gừng.
Củ gừng là một trong những gia vị phổ biến trong nấu ăn tại nhà và là nguyên liệu không thể thiếu để sưởi ấm trong mùa Đông lạnh giá. Ông Trương Duy Quân, hậu duệ thứ năm của Hoài Sinh Đường, một gia đình Trung y nổi tiếng của Đài Loan, đã nói về công dụng của gừng trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch, bảo vệ dạ dày và ngăn ngừa cảm lạnh trong Chương trình “Health 1+1” của The Epoch Times, đồng thời chia sẻ cách sử dụng gừng, các công thức làm thuốc và trà truyền thống của gia đình được truyền qua nhiều thế hệ.
Theo ông Trương, có nhiều loại gừng khác nhau sẽ có các công dụng của gừng khác nhau.
- Gừng non, được thu hoạch sau 4 tháng trồng trọt, vỏ gừng trắng và mỏng hơn, chất xơ mịn nhất, ít cay và vị giòn, tươi, thích hợp để ăn sống hoặc muối chua. Gừng non nổi tiếng với khả năng chống ngấy mỡ và trung hòa mùi tanh, thường được sử dụng trong các món khai vị, chẳng hạn như lát gừng ăn kèm với sushi.
- Gừng được thu hoạch sau 6 tháng sẽ căng mọng và to hơn, có màu nâu nhạt, được gọi là “gừng bột”, về độ tuổi thì nằm ở giữa gừng non và gừng già. Gừng bột có tính ấm hơn nhiều so với gừng non, có tác dụng xua lạnh, thích hợp để chiên, xào hoặc nấu chè.
- Khi gừng sinh trưởng đến tháng thứ 10; thân rễ đã trưởng thành và già, màu sắc chuyển sang màu vàng nâu sẫm thì được gọi là gừng già. Vỏ gừng già sần sùi, có đường nét rõ, sợi dày và chứa nhiều gingerol nhất. Gingerol là nguồn gốc tạo ra vị cay của gừng và tăng theo độ tuổi. Gừng già có tác dụng chống lạnh, làm ấm dạ dày tốt hơn nên thích hợp làm các món ăn như vịt nấu gừng, thịt cừu hầm gừng hay gà sốt dầu mè gừng.
Ba loại gừng nêu trên được coi là tươi; có thể ép lấy nước và được gọi chung là “gừng sống.” Ngoài ra, còn có hai loại gừng khác.
- Gừng khô là sản phẩm của gừng già sau khi sấy khô. Gừng khô được chế biến bằng cách cắt gừng tươi thành từng lát mỏng, hấp trong 30 phút rồi phơi nắng cho đến khi khô, cứng và giòn. Gừng khô thường được sử dụng làm thảo dược Trung Hoa, công dụng của gừng khô mạnh hơn các loại gừng khác gấp 10 lần, rất có ích cho những người yếu tim, béo phì, thể trạng lạnh.
- Gừng cháy là gừng khô được xào ở nhiệt độ cao cho đến khi bề mặt trở nên cháy đen. Trung y cho rằng, gừng cháy có thể giúp cầm máu trong khi vẫn giữ được đặc tính làm ấm của gừng, có tác dụng điều trị chảy máu tử cung.
Công dụng của gừng và cách dùng
Gừng được mệnh danh là “thần dược trị ói,” làm nổi bật công dụng của gừng trong việc chống ói mửa. Theo ông Trương, cách tốt nhất là ép lấy nước gừng. Ngoài ra, có thể xay gừng thành bột sệt và ép lấy nước. Dùng 0.34 ounce (10ml) nước ép gừng pha với 0.68 ounce (20ml) nước ấm rồi uống để đạt hiệu quả tốt nhất trong việc chống say tàu xe, say sóng và ói.
Ông Trương cho biết rằng uống bột gừng cũng có thể làm giảm các triệu chứng chóng mặt và buồn nôn, giúp ức chế ói, có thể giảm ói và đổ mồ hôi cho những người đi trên biển. Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện ra công dụng của gừng còn có thể làm giảm các triệu chứng ốm nghén khi mang thai, giảm tỷ lệ buồn ói và nôn mửa do hóa trị.
Công dụng của gừng về tiêu hóa
Gừng cũng là một thực phẩm tốt để duy trì sức khỏe đường tiêu hóa, mang lại những lợi ích sau:
- Chữa tiêu chảy: Khi bị tiêu chảy do ăn đồ lạnh hoặc ăn quá nhiều, công dụng của gừng là làm chậm nhu động ruột, ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy.
- Cải thiện chứng khó tiêu: Một số người ăn dồn ba bữa trong một bữa và cảm thấy no cả ngày do acid dạ dày không đủ để tiêu hóa thức ăn dễ dàng. Trong trường hợp này, có thể nấu một bát canh cá hoặc thịt với gừng, có thể làm tăng độ acid trong dạ dày, thúc đẩy tiết dịch tiêu hóa, giúp tăng khả năng tiêu hóa.
- Phục hồi niêm mạc dạ dày: Những người bị loét dạ dày hoặc những người thường xuyên dùng thuốc chống viêm, giảm đau có thể uống canh gừng để cải thiện tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày. Ngoài ra với những người thường xuyên uống rượu hoặc có căng thẳng cao rất dễ bị tổn thương niêm mạc dạ dày, uống canh gừng sẽ có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ông Trương khuyên nên dùng cá hoặc thịt để nấu canh gừng mặn, vì uống canh gừng ngọt sẽ làm tăng nguy cơ trào ngược acid dạ dày.
Phát hiện khác về công dụng của gừng
Ông Trương còn chia sẻ thêm một số chức năng, công dụng của gừng khác:
- Những người có tuần hoàn máu kém có thể được hưởng lợi từ việc ăn nhiều gừng vì công dụng của gừng là chống đông máu. Ngoài ra, nội tiết tố nam sẽ sinh ra các cục máu đông khiến da đầu không được nuôi dưỡng đầy đủ, tóc mỏng, rụng và cuối cùng là hói đầu. Thoa và xoa bóp nước gừng lên những vùng tóc mỏng có thể chống lại sự hình thành cục máu đông, dần dần giúp da đầu mọc tóc dày hơn và rậm hơn.
- Những người bị hôi miệng có thể thử ngâm gừng non với đường phèn, dùng sau bữa ăn vài lát để tiêu diệt vi khuẩn có hại trong miệng và đường ruột do đó làm giảm mùi hôi miệng.
- Nếu bạn vô tình ăn phải thức ăn ôi thiu thì nên ăn một tí gừng để tránh bị tiêu chảy hoặc dị ứng. Đặc tính kháng khuẩn và thải độc khiến gừng trở thành một phương thuốc tuyệt vời đối với ngộ độc thực phẩm.
- Thực phẩm đã qua chế biến như xúc xích, giăm bông, và bánh mì kẹp thịt được nấu ở nhiệt độ cao có chứa chất gây ung thư nitrosamine. Công dụng của gừng còn là ức chế sự hình thành nitrosamine, vì vậy có thể ăn một chút gừng khi ăn thực phẩm chế biến sẵn, giúp làm giảm nguy cơ gây ung thư.
- Những người bị trào ngược acid, khó tiêu hoặc đầy hơi có thể là do acid dạ dày không đủ. Nên ăn vài lát gừng thường xuyên hoặc sau bữa ăn để giúp tăng acid dạ dày, từ đó cải thiện tình trạng trào ngược acid.
Công dụng của gừng khi ăn vào buổi sáng
Gừng thường được dùng trong các món ăn làm ấm, chẳng hạn như người ở miền Nam Đài Loan thích ăn món súp thịt bò gừng vào bữa sáng. Ngoài tác dụng làm ấm cơ thể, món ăn này còn có thể tăng năng lượng và sức sống cho cả ngày. Một lựa chọn khác là ăn 1 hoặc 2 lát gừng ngâm đường phèn vào bữa sáng, có thể tiếp thêm sinh lực cho tinh thần và giúp tràn đầy năng lượng suốt cả ngày. Ở một số nơi, cơm gà thường được phục vụ vào bữa sáng, kèm theo canh thịt heo nấu với gừng vừa là món ăn ngon vừa bổ dưỡng.
Ông Trương khuyên rằng, công dụng của gừng là kích thích, hưng phấn mạnh nên nếu ăn quá nhiều trước khi đi ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì vậy, nên ăn gừng vào bữa sáng để mang lại tác dụng tốt hơn vào ban ngày.
Công thức nấu trà và canh gừng
Đối với những người đang lên kế hoạch đi du lịch vào mùa Đông thì khi chuẩn bị đồ chống rét, không nên quên pha một bình trà gừng mang theo. Ông Trương khuyến nghị nên dùng những viên gừng đường nâu bán ngoài chợ rất đơn giản và tiện lợi. Chỉ cần thêm nước và nấu cho đến khi gần tan chảy. Ông cũng gợi ý nên chế biến ra các món canh và đồ uống trà gừng hấp dẫn tại nhà.
1. Gừng già đường nâu, táo đỏ và nhãn
Thành phần:
- 16.9 ounce (500ml) nước.
- 6 lát gừng (khoảng 10 gram), tốt nhất là gừng già.
- 1 muỗng canh (khoảng 10 gram) long nhãn.
- 1 muỗng canh (khoảng 10 gram) trái táo đỏ.
- 0.5 thìa canh (khoảng 8 gram) đường nâu hoặc tùy khẩu vị.
Đun sôi các nguyên liệu trên rồi giảm lửa, đun tiếp trong 10 phút.
2. Canh cam gừng
Đun sôi gừng già với đường phèn, sau đó thêm một cốc nước cam mới vắt. Đun sôi lại một lần nữa là có thể uống được.
3. Trà gừng già và lá tía tô
Thành phần:
- 0.18 ounce (5 gram) gừng tươi.
- 0.1 ounce (3 gram) lá tía tô.
- 16.9 ounce (500ml) nước.
Gừng rửa sạch, thái nhỏ, đun sôi với lá tía tô trong 5 phút. Lọc lấy bã và uống. Loại trà này có thể giúp cải thiện các triệu chứng cảm lạnh như sổ mũi và nhiều đờm, nhưng không phù hợp cho người bị sốt.
4. Canh gừng thịt cừu
Thành phần:
- 0.18 ounce (5 gram) Bạch chỉ Trung Hoa.
- 0.35 ounce (10 gram) Địa hoàng.
- 1.76 ounce (50 gram) gừng lát.
- 10 trái táo đỏ.
- 67.63 ounce (2,000 ml) nước.
- 10.58 ounce (300 gram) thịt cừu.
Trộn và hầm các nguyên liệu trên, sau khi chín cho thêm chút muối cho hợp khẩu vị.
Công dụng của gừng giúp bổ tim, giúp tim khỏe hơn và làm chậm nhịp tim. Ngoài ra, gừng còn có tác dụng hạ huyết áp. Bạch chỉ Trung Hoa có tác dụng bổ huyết và hoạt huyết. Thịt cừu rất bổ dưỡng, giúp tăng dinh dưỡng. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch trong công dụng của gừng là do đặc tính trợ tim, chống tiểu cầu, chống tăng huyết áp và chống tăng lipid máu.
5. Nước gừng
Cắt vài lát gừng thả vào phích nước nóng và ngâm trong nửa tiếng trước khi uống.
Công dụng của gừng còn có thể cải thiện các bệnh dị ứng và các tình trạng dị ứng do nhạy cảm như hen suyễn dị ứng và hội chứng ruột kích thích. Bên cạnh đó, công dụng của gừng còn giúp trị các bệnh dị ứng, tiêu chảy và ngứa da do hải sản hoặc thực phẩm bị ô nhiễm.
Tác dụng phụ của gừng
Ông Trương nhấn mạnh rằng nhìn chung, công dụng của gừng trong nấu ăn là an toàn trong dài hạn. Tuy nhiên, nếu muốn tăng nồng độ hoặc lượng gừng thì chỉ được ăn liên tục trong thời gian ngắn hoặc vài ngày một lần.
Ăn nhiều gừng liên tục lúc đầu sẽ có tác dụng hưng phấn rõ rệt và tăng mức năng lượng nhưng về lâu dài sẽ gây tổn hại cho gan. Ông Trương giải thích rằng, vì trong gan có nhiều enzyme nên khi mới bắt đầu ăn gừng sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng và thể chất khỏe mạnh vì gừng kích thích tiết enzyme. Tuy nhiên, khi gan liên tục bị kích thích tiết enzyme sẽ khiến gan mệt mỏi và tổn thương. Vì vậy, ông khuyến nghị, nếu muốn ăn nhiều gừng liên tục thì tối đa không quá 2 tuần, sau 2 tuần nên ăn vài ngày một lần, chẳng hạn như ăn 2 ngày, nghỉ 2 ngày. Công thức này giúp gan tiếp tục sản xuất ra các enzyme mới, có thể duy trì tác dụng đối với sức khỏe mà không gây tổn hại cho gan.
Gừng có tính ấm và “nhiệt”, là nguyên liệu có tác dụng làm ấm cơ thể, xua tan cảm lạnh. Tuy nhiên, những người dễ nóng giận hoặc bị bệnh trĩ nên bắt đầu ăn với một lượng nhỏ gừng, sau đó mới tăng dần. Nếu ăn gừng quá nhiều và kéo dài có thể dẫn đến các bệnh như trĩ, chảy máu cam, sưng nướu, phân cứng và táo bón. Vì vậy, những người này cần theo dõi phản ứng của bản thân khi ăn gừng.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times