Vì sao Đảng Cộng sản của Trung Quốc giam giữ và tra tấn vô hạn định các doanh nhân vùng Bay Area?
Steven Schaerer là một kỹ sư công nghệ và là tác giả của cuốn sách dài 350 trang: “Surviving Chinese Communist Detention” [tạm dịch: Sống sót qua sự giam giữ của Trung Cộng]. Đây là một lời cảnh báo và sự kêu gọi cảnh tỉnh cho bất kỳ công dân nước ngoài nào nhập cảnh vào Trung Quốc. Bất kể quý vị là du khách, kỹ sư, doanh nhân, hay nhà báo đang ở bên trong đất nước đó, thì đều không an toàn. Trung Quốc không phải là một quốc gia tuân theo nhân quyền, quy trình hợp lệ, hay luật pháp của chính họ.
Đóng sầm cửa!
Tôi rùng mình kinh hãi khi nghe thấy tiếng các quản ngục Trung Cộng đóng sầm cánh cửa lớn bằng kim loại phía sau lưng mình.
Tôi đã bị làm cho khiếp sợ. Tôi đứng đó, tay cầm những tấm mền dính máu, cố gắng tiếp nhận môi trường mới xung quanh: bên trong phòng giam nhà tù ‘địa điểm đen’ của Trung Cộng. (Địa điểm đen là địa điểm mà tại đó một hoạt động hoặc dự án bất hợp pháp không được thừa nhận được tiến hành.)
Vài ngày trước, cảnh sát đã thực hiện một cuộc đột kích vào văn phòng của tôi ở Bắc Kinh, nơi tôi được yêu cầu phải trình diện tại đồn cảnh sát để trao đổi về lý do tại sao tôi ở Trung Quốc.
Sau khi bị tách khỏi các đồng nghiệp của mình, tôi đã bị các viên chức cảnh sát của Trung Cộng thẩm vấn trong nhiều giờ.
“Anh có biết chúng tôi kiếm được bao nhiêu tiền không,” một trong những viên chức cảnh sát hỏi tôi sau khi đồng nghiệp của anh ta kiểm tra chứng từ thuế thu nhập của tôi ở Trung Quốc.
“Tôi không biết,” tôi trả lời.
“Anh kiếm được nhiều hơn cả chúng tôi,” anh ta đáp lại, ngụ ý rằng một người nước ngoài kiếm được nhiều hơn một công dân Trung Quốc là bất hợp pháp. “Anh kiếm được quá nhiều tiền ở đất nước chúng tôi.”
Sau khi thẩm vấn gần bốn tiếng đồng hồ, cảnh sát Trung Cộng đã giải mã được toàn bộ cuộc đời tôi, nhưng lại không tìm thấy bằng chứng về bất kỳ sự vi phạm pháp luật nào. Tôi được hướng dẫn ký tên và lăn tay trên gần 40 trang tài liệu bằng Trung văn mà tôi đã không được cho thời gian để đọc hoặc dịch.
Ở Trung Quốc, khi cảnh sát bảo quý vị làm điều gì đó, thì đó là một mệnh lệnh, chứ không phải là việc đặt vấn đề. Không có các tổ chức nhân quyền, các cơ chế cho quy trình hợp lệ, hoặc truyền thông để đưa tin về sự tàn bạo của cảnh sát.
Tôi đã không biết rằng đây là cách thức mà Trung Cộng dẫn dụ tôi bí mật ký tên và lăn tay vào các hồ sơ “thú tội” của mình.
“Hãy đến nhận hộ chiếu vào ngày mai,” chúng tôi được các cảnh sát của Trung Cộng thông báo.
Chúng tôi trở lại vào sáng hôm sau như được chỉ dẫn, mong nhận lại hộ chiếu của mình. Khi vào bên trong đồn cảnh sát, chúng tôi được dẫn vào một căn phòng trống trơn, chỉ có một chiếc bàn gỗ ngoại cỡ ở chính giữa và những chiếc ghế để sát tường.
Sau gần một tiếng đồng hồ “chờ hộ chiếu,” một chiếc xe tải vận chuyển kiểu nhà tù xuất hiện bên ngoài cửa sổ. Một trong những đồng nghiệp thúc cùi chỏ vào tôi nói một cách mỉa mai, “Có lẽ đó là để dành cho chúng ta.”
Chúng tôi đã cười lớn.
Thì ra chiếc xe vận chuyển nhà tù kiểu quân sự đó lại là một khởi đầu bất ngờ đầy kinh hoàng cho ngày của chúng tôi. Các cảnh sát của Trung Cộng đã nói dối một cách trắng trợn vì hóa ra chúng tôi không đến đồn cảnh sát để “lấy hộ chiếu.”
“Đi vào xe,” một cảnh sát quát chúng tôi, sau khi chúng tôi bị dẫn ra bên ngoài. Không có một lời buộc tội chính thức nào, hoặc bằng chứng về việc chúng tôi đã phạm pháp, sau đó chúng tôi bị đẩy vào cái lồng ở phía sau chiếc xe tải.
Sau cùng thì chiếc xe đó đã chở chúng tôi đến điểm đến cuối cùng vào đêm muộn của ngày hôm đó: một khu nhà tù ‘địa điểm đen’ kiểu quân đội.
Trong gần 15 tiếng đồng hồ, chúng tôi bị giam giữ trong một buồng tạm giam mà không có lời buộc tội, bị đưa loanh quanh đến vô số đồn cảnh sát và các trung tâm xử lý, và bị buộc phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra y tế khác nhau trái với ý muốn của chúng tôi.
Ở Trung Quốc, không có quy trình hợp lệ. Không có luật sư bào chữa, không có các quyền Miranda [Quyền được giữ im lặng], không có việc dùng tiền bảo lãnh, không được phép gọi điện thoại, không có ngày hầu tòa, và không có các kênh truyền thông mà có thể đưa tin về câu chuyện của quý vị một cách hợp pháp. Trung Cộng nói quý vị có tội và quý vị chỉ đơn giản là biến mất khỏi xã hội sau khi bị đẩy vào một nhà lao.
Không ai, ngoài Đảng Cộng sản, có quyền để phản đối quyết định đó. Nếu quý vị cố gắng làm điều đó thì quý vị cũng sẽ biến mất.
Theo luật an ninh khét tiếng và mơ hồ của Trung Quốc, chúng tôi cuối cùng đã bị buộc tội và bị buộc tội sai là “làm việc bất hợp pháp” ở nước này.
Sau cùng khi đến khu nhà giam, chúng tôi đã bị choáng váng về mức độ an ninh ở đó. Lối vào là một trạm kiểm soát có lính gác với các cánh cửa kim loại cao 30 foot (khoảng hơn 9 mét) để cho các phương tiện ra vô. Đường bao ngoài khu nhà tù là những bức tường xi măng cao vững chắc được lót bằng dây thép gai và những tháp canh với lính gác có vũ trang.
Đây không phải là một cơ sở tạm giam; mà là một nhà tù.
Ở trong đó, chúng tôi bị lấy hết tư trang. Chúng tôi bị lột trần, bị dẫn đi qua máy dò kim loại, bị đẩy vào các phòng để lấy máu, và mặt bị ấn vào máy quét mống mắt. Tất cả chuyện này diễn ra sau khi bị giam giữ gần 15 tiếng đồng hồ mà không có thức ăn và nước uống.
Chúng tôi được hướng dẫn để lấy mền từ một cái thùng dính máu, và được đưa cho áo, quần, và dép của tù nhân.
Trong gần một tháng, đó là lần cuối cùng tôi có thể nhìn thấy bất cứ thứ gì trừ bên trong phòng giam nơi mà chúng tôi bị nhốt 24 giờ một ngày ra, ngoại trừ lịch tập thể dục hàng tuần được tổ chức trong sân trại giam với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông Bắc Kinh.
Tôi bị nhốt chung với 16 tù nhân khác, dùng chung một bồn cầu xổm, bị buộc phải ăn thứ bùn vàng đặc từ một cái xô chung, và bị buộc phải ngủ trên các tấm ván gỗ với những tấm mền dính máu.
Phòng giam đó được thiết kế để giam giữ có lẽ là tám đến mười tù nhân. Chúng tôi có đến những 17 người. Ánh đèn pha huỳnh quang chói mắt chiếu xuống chúng tôi 24 giờ một ngày, và các tù nhân phải nằm chồng chéo lên nhau trên những tấm ván gỗ chật hẹp để ngủ.
Cứ mỗi hai giờ, các tù nhân phải luân phiên nhau thực hiện việc “canh gác,” quý vị phải đứng dựa vào tường và quan sát các tù nhân khác để bảo đảm không ai cố giết nhau. Nếu điều đó xảy ra, thì có một chiếc nút màu đỏ trên tường mà quý vị được hướng dẫn phải ấn vào trong trường hợp khẩn cấp.
Nói cách khác, những điều kiện này khiến cho không thể ngủ được, và quý vị bị thiếu ngủ nặng nề. Các nghiên cứu chỉ ra rằng đối mặt lâu dài với những điều kiện này thực sự khiến quý vị bị teo não.
“Liên hệ với đại sứ quán nước bạn là bất hợp pháp,” tôi và các tù nhân người nước ngoài khác thường được thông báo như vậy. Vào những ngày khác, tôi bị lôi ra khỏi phòng giam để phiên dịch cho những tù nhân người nước ngoài đang tuyệt thực ở các phòng giam khác.
“Hãy làm cho anh ta ăn đi,” các quản ngục sẽ chỉ thị, khi họ chỉ vào một số người nước ngoài không còn đủ sức tự lo liệu đang thập tử nhất sinh. Những dấu hiệu cảnh báo việc tự tử được phết đầy trên các bức tường.
Sau gần một tháng bị giam riêng và giam vô hạn định, cuối cùng tôi đã bị các quản ngục của Trung Cộng lôi ra khỏi phòng giam.
“Tên Mỹ kia, đến đây.”
Tôi bị trục xuất trở lại San Francisco vào tháng 11/2016, chính là khu Bay Area nơi tôi được sinh ra và học đại học tại đây.
Tôi trở về Hoa Kỳ và bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, thiếu ngủ một cách kinh khủng, ốm yếu, và mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Tôi may mắn vẫn còn sống sót.
Tôi phản ứng lại bằng cách viết một cuốn sách 350 trang, ghi lại trải nghiệm khủng khiếp đó, “Surviving Chinese Communist Detention” (tạm dịch: sống sót qua sự giam giữ của Trung Cộng).
Đây là một lời cảnh báo và sự kêu gọi cảnh tỉnh cho bất kỳ công dân nước ngoài nào nhập cảnh vào Trung Quốc. Bất kể quý vị là du khách, kỹ sư, doanh nhân, hay nhà báo đang ở bên trong đất nước đó, thì đều không an toàn.
Là một người nước ngoài ở Trung Quốc, quý vị đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ có thể nổ vào bất kỳ ngày nào và vì bất kỳ lý do gì. Quý vị không phải vi phạm bất kỳ một luật nào cả và quý vị có mọi tài liệu kinh doanh cần thiết để hoạt động hợp pháp ở quốc gia này, và quý vị vẫn không an toàn.
Trung Quốc không phải là một quốc gia tuân theo nhân quyền, quy trình hợp lệ, hay luật pháp của chính họ. Đây là lời cảnh báo của tôi đối với bất kỳ công dân nước ngoài nào đang ấp ủ ý định đến thăm hoặc chuyển đến Trung Quốc vì bất kỳ lý do gì.
Đừng có đi!
Steven Schaerer là một kỹ sư công nghệ và là tác giả của cuốn sách “Surviving Chinese Communist Detention” [tạm dịch: Sống sót qua sự giam giữ của Trung Cộng].
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Steven Schaerer thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: