Vì sao chúng ta cứ mãi từ bỏ mục tiêu?
Dưới đây là 10 lý do thường gặp khiến chúng ta cứ mãi từ bỏ mục tiêu và cách vượt qua những điều đó
Tất cả chúng ta đều trải qua trường hợp này: Chúng ta tự nhủ rằng chúng ta sẽ làm điều gì đó, và rồi kết cục là ngừng thực hiện kế hoạch đó, chỉ là dưới một số dạng thức [khác nhau]. Thời gian để lập những kế hoạch cho năm mới đang ở rất gần chúng ta, vì thế, rất đáng để [dành thời gian] suy ngẫm vì sao sự việc này lại xảy ra.
Những kịch bản sau đây hẳn không xa lạ với bạn:
- Bạn cố gắng tuân thủ một chế độ ăn kiêng nhất định, kết cục phá vỡ kế hoạch đó chỉ trong một ngày, và rồi bỏ dở nó luôn.
- Bạn cố gắng làm việc cật lực cho một dự án và không trì hoãn, nhưng rồi lại bị xao nhãng và kế hoạch thất bại.
- Bạn cố gắng để thiền định (hoặc tập yoga, đọc sách, tập thể dục, v.v.) vào mỗi buổi sáng, và một buổi sáng nào đó về sau, bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc vội [thực hiện việc gì đó] và không thực hiện việc đó. Thế là bạn lại tiếp tục không thực hiện vào ngày hôm sau nữa, và cuối cùng là từ bỏ việc đó luôn.
- Bạn đặt ra mục tiêu luôn cập nhật email của mình hoặc giải quyết đống lộn xộn đó, nhưng kế hoạch lại không thành.
Đó là chuyện gì vậy? Có phải chúng ta lười nhác và vô kỷ luật? Hay số phận đã định ra cho chúng ta phải nằm dài cả đời trên ghế, ăn đồ ăn vặt, xem Netflix và chán ghét bản thân mình?
Tôi nhận thấy đây là một chủ đề khá thú vị, và tôi đã và đang chiêm nghiệm điều này từ bản thân mình và từ hàng ngàn đồng sự của mình. Và [dưới đây] là những điều mà tôi đã đúc kết được.
Tại sao chúng ta không bám sát được các kế hoạch của mình
Không phải lúc nào cũng chỉ có một nguyên do dẫn đến thất bại. Đôi khi [sự thất bại] là sự cộng dồn của nhiều nguyên do một lúc hoặc từ nhiều nguyên do khác nhau ở từng tình huống khác nhau, và cả ở tuýp người của bạn.
Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất khiến chúng ta không thể bám sát [các kế hoạch của mình]:
Chúng ta không thật sự nghiêm túc [với kế hoạch đó]
Với tôi, đây nguyên do hàng đầu. Tôi tự nhủ rằng mình sẽ theo đuổi một kế hoạch mới và cho rằng như vậy là đủ để biến nó thành hiện thực. Tôi vẫn cho rằng, theo một cách nào đó, việc này sẽ dễ thực hiện thôi, và không cân nhắc đến tất cả điều đã diễn ra trong quá khứ chứng minh rằng tôi chỉ có thể thành công khi tôi rất nghiêm túc với mục tiêu đề ra và đặt mọi nỗ lực thực hiện việc đó. Khi chúng ta chỉ cam kết nửa vời cho một việc nào đó, thì điều đó giống như ta chỉ đặt một nửa bản thân mình trong một mối quan hệ – với cách cam kết này thì chúng ta sẽ nhận lãnh thất bại, chỉ là không sớm thì muộn mà thôi.
Chúng ta chỉ đơn thuần là quên mất
Chúng ta tự nhủ rằng mình cần phải thiền định mỗi ngày với quyết tâm to lớn. Nhưng vào mỗi buổi sáng, chúng ta chỉ đơn giản là quên khuấy đi mất. Đến khi chúng ta nhớ ra việc đó thì chúng ta lại đang bận rộn. Sáng hôm sau, chúng ta lại quên mất. Rồi khi chúng ta nhớ ra, chúng ta cảm thấy chán nản với chính bản thân mình và bỏ cuộc.
Chúng ta muốn thoát khỏi những phiền hà hay cảm giác không chắc chắn
Khi những thói quen trở nên không thoải mái, chúng ta thường dừng thực hiện điều đó và tự tạo cho mình lý do để từ bỏ. Khi chúng ta đối diện với một thử thách [mới] như việc tập thể dục hoặc những nhiệm vụ lớn tại nơi làm việc, chúng ta sẽ cảm thấy rất khó chịu, vì vậy chúng ta thường tìm lý do để từ bỏ. Chúng ta không thích sự không chắc chắn và phiền hà, vì vậy chúng ta cố gắng thoát khỏi điều đó.
Chúng ta sở hữu thói quen thoái lùi trước cám dỗ
Các cám dỗ luôn ở xung quanh chúng ta: cám dỗ đến từ một chiếc bánh chocolate khi bạn đang ăn kiêng, cám dỗ đến từ TV khi bạn đang cố gắng lên giường sớm hơn, cám dỗ đến từ internet khi chúng ta dự tính thiền định. Chúng ta thường có thói quen theo phản xạ là thoái lùi, hợp lý hoá [nguyên do] và để những cám dỗ điều khiển những lựa chọn của mình.
Chúng ta tìm cách bao biện
Khi mọi sự trở nên khó khăn hơn, trí não chúng ta thường bắt đầu tạo ra những nguyên do rằng việc bỏ cuộc hoặc thoái lùi cũng không sao cả. Trí óc của chúng ta vận hành rất tốt, vô cùng tốt trong việc tìm kiếm nguyên do: “Thêm một chút thôi cũng không ảnh hưởng gì đâu,” hoặc là “Mình đã làm việc rất vất vả rồi, mình xứng đáng với điều này,” hoặc là “Ở một dịp đặc biệt thế này thì là ngoại lệ.” Những nguyên do đó có vẻ khá hợp lý, ngoại trừ việc chúng phá hoại những kế hoạch của chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu tin vào những lý do đã được hợp lý hoá đó, thì khi đó ta đã bắt đầu thực hiện những điều khác ngoài hoạch định rồi.
Chúng ta thương lượng lại
Vào lúc sự việc trở nên khó khăn hơn, chúng ta thường thương lượng lại với chính mình rằng, “Chà, tôi vẫn sẽ thực hiện việc này, nhưng sau 5 phút nữa khi tôi kiểm tra xong tin nhắn đã.” Hay, “Tôi đang cảm thấy mệt mỏi quá. Tôi sẽ chỉ nghỉ hôm nay thôi và sẽ làm vào ngày mai.” Đây cũng là một dạng thức khác của việc hợp lý hoá, một phản xạ theo thói quen, và một cách để không thực hiện việc gì đó. Thói quen thương lượng lại với bản thân sẽ xói mòn việc tính kỷ luật và niềm tin vào bản thân chúng ta.
Chúng ta trốn tránh những gì ta không thích
Điều này cũng có vẻ khá tự nhiên; nếu tôi không thích đối diện với những nhiệm vụ khó nhằn, thì tôi sẽ bỏ qua nó. Nhưng vấn đề là với mỗi thói quen hoặc những dự án khó, chúng ta đều có thể tìm thấy rất nhiều lần phải nếm trải những sự tình không thoải mái hay không thể ưa được. Chúng ta sẽ không thể bám sát bất kì mục tiêu gì nếu chúng ta bỏ trốn ngay khi chúng ta cảm thấy không thích thứ gì đó. Thay vào đó, chúng ta nên thấy rằng thói quen cảm thấy không thích, phán xét, bực bội, phàn nàn và trốn tránh lại đang làm tổn thương chúng ta. Chúng ta không cần phải thích mọi thứ [xuất hiện trên con đường chúng ta] đi qua, chỉ cần bám sát với mục tiêu đó. Chúng ta mạnh mẽ hơn những điều đó.
Chúng ta quên mất vì sao mục tiêu đó quan trọng
Có thể bạn đã bắt đầu một thói quen mới một cách rất nghiêm túc, nhưng sau một tuần thực hiện việc đó, bạn lại quên mất lý do. Bạn chỉ nghĩ về những điều khó chịu mà việc đó gây ra cho bạn. Nếu chúng ta quên mất tầm quan trọng của nhiệm vụ đó, chúng ta sẽ không có một lý do đủ mạnh để vượt qua sự chán chường ấy. Và nếu mục tiêu đó là điều không mấy quan trọng đối với chúng ta, thì ngay từ đầu chúng ta đã không nên cam kết thực hiện điều đó rồi.
Chúng ta tự hạ thấp bản thân mình
Khi chúng ta chùn bước và không đạt được những lý tưởng hay hoài vọng của mình, thì cũng không phải là vấn đề gì lớn. Chỉ cần học hỏi từ thất bại và bắt đầu lại. Nhưng thay vì vậy, chúng ta thường tự hành hạ bản thân và cảm thấy vô cùng thất vọng về mình. Điều này chẳng giúp ích gì cho chúng ta cả, và chúng còn có thể huỷ đi mất những nỗ lực và động lực của chúng ta.
Quá nhiều trở ngại
Đây là một vấn đề lớn thường xảy ra đối với tất cả những mục tiêu chúng ta muốn bám sát – thậm chí những trở ngại nhỏ cũng trở nên rất lớn khi chúng ta mệt mỏi, khi đang vội vã, hay khi ta không muốn làm bất cứ việc gì. Lái xe 20 phút đến phòng gym, dọn dẹp phòng khách trước khi thiền định, quá nhiều phiền nhiễu ở nơi làm việc – bất cứ điều gì cần hơn 5 phút để chuẩn bị trước khi bắt đầu đều có thể trở thành những trở ngại to lớn đối với chúng ta.
Trên đây là những lý do khiến bạn không thể bám sát với những cam kết của mình. Sẽ tốt hơn nếu bạn suy xét kỹ càng về những điều đó để nhận ra những yếu tố nào đang cản trở bạn. Tại sao chúng ta lại để những trở ngại này tiếp tục làm vướng chân? Có giải pháp nào [cho chúng ta] không ? Có chứ – và những giải pháp thực ra lại khá đơn giản.
Cách bám sát các kế hoạch tốt hơn
Những giải pháp sau đây không phải quá khó để thực hiện nếu chúng ta hạ quyết tâm thực hiện và rồi hành động để đạt được kết quả.
Nghiêm túc thực hiện mục tiêu
Mục tiêu của bạn có đủ quan trọng để thực hiện đến cùng không? Bạn mong muốn mục tiêu đó đến chừng nào, có đủ để chịu đựng những điều thứ khó chịu, phiền hà khi mọi sự trở nên khó khăn? Hãy cân nhắc trước khi đặt ra cam kết cho một điều gì. Sau đó hãy đặt mọi nỗ lực cần thiết để thực hiện điều đó. Lên kế hoạch, đặt lời nhắc, và cam kết thực hiện. Dành thời gian và không gian trống để thực hiện việc đó mỗi ngày. Loại bỏ tất cả cản trở. Đừng xem nhẹ nó.
Bạn không thể quên
Khi đến thời điểm thực hiện một thói quen mới, bạn sẽ nhớ điều đó bằng cách nào? Bạn đang ở đâu vào lúc đó? Hãy đặt một từ giấy nhỏ ghi lời nhắc hoặc một cách nào đó dễ nhìn thấy khác. Điều này rất quan trọng bởi vì khi chúng ta bắt đầu thực hiện một điều gì đó mới, thì chúng ta sẽ rất dễ quên. Nếu điều đó rất quan trọng và cần phải thực hiện, thì việc tạo những lời nhắc cũng là quan trọng không kém.
Coi những khó chịu, phiền hà là cơ hội để chúng ta trui rèn
Chúng ta phải tự điều chỉnh bản thân để nhận định những điều kém thoải mái và không chắc chắn kia là một dấu hiệu để rèn luyện bản thân trở nên tốt hơn, thay vì là một dấu hiệu để bỏ chạy. Chẳng có lý do nào hợp lý để bạn bỏ cuộc.
Chúng ta sẽ không chết hay bị thương tổn bởi vì chúng ta ăn bông cải hay thực hiện một số động tác chống đẩy (tất nhiên là trừ khi bạn đang ở trong tình trạng sức khỏe nghiêm trọng). Bạn không cần phải hoảng sợ và bỏ chạy khi cảm thấy không thoải mái. Thay vào đó, chúng ta có thể nhìn nhận rằng đó là một phần của quá trình trui rèn bản thân để trở nên tốt hơn, của quá trình học hỏi và hoàn thiện bản thân.
Cám dỗ xuất hiện cũng là cơ hội để rèn luyện
Hãy đối mặt với cám dỗ cũng giống như với nỗi lo lắng, chúng ta cần rèn luyện bản thân để có thể nhận định sự xuất hiện của cám dỗ cũng là dịp để rèn luyện bản thân trở nên tốt hơn. Ví dụ, khi bạn cố gắng ăn uống lành mạnh hơn và phải đối diện với một chiếc bánh chocolate trong bữa tiệc, hãy nói “không” với chiếc bánh nhưng nói “có” với cơ hội để tập tành việc từ chối cám dỗ. Hãy nói “có” với cơ hội để khám phá xem điều đó là gì – và tìm niềm vui và sự biết ơn trong trải nghiệm đó.
Vạch ra những giới tuyến để nhận ra khi nào bạn bắt đầu bao biện
Đôi khi rất khó nhận biết khi nào chúng ta đang hợp lý hoá nguyên do bỏ cuộc, vì chúng ta đã quá quen với việc cho phép bản thân qua mặt. Vì vậy, việc có những giới tuyến vững chắc sẽ rất hữu ích cho chúng ta, bởi vì khi đó, chúng ta sẽ thấy rõ ràng khi nào trí não của chúng ta đang cố gắng huỷ hoại chính mình.
Ví dụ, nếu bạn nói, “Tôi chỉ ăn trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 6 giờ tối,” như vậy, rõ ràng là bạn đang cố thuyết phục mình ăn lúc 9 giờ tối. Khi bạn đặt ra những giới tuyến nghiêm ngặt, bạn sẽ nhận ra lúc nào bản thân đang cố gắng hợp lý hóa nguyên do.
Khi bạn nhận rõ điều này rồi, chỉ cần đừng để mình bị cuốn vào nó. Những luận điểm được đưa ra nghe có vẻ thuyết phục, nhưng chúng đang phá rối bạn.
Đừng thương lượng lại vào thời điểm này
Đừng để bản thân bạn làm điều đó. Hãy lên kế hoạch vào ngày hôm trước (hoặc ngày đầu tuần, đầu tháng, v.v.) nhưng đừng để bản thân ra quyết định vào thời điểm này. Bạn quá dễ dàng bỏ cuộc, hay bạn đang cố gắng thoát khỏi sự phiền hà kia. Thay vào đó, hãy tự nhủ rằng bạn không thể thương lượng lại vì tất cả thời gian đã được định ra rồi. Chỉ sau thời gian đó, bạn mới có thể ngồi xuống và ngẫm nghĩ, quyết định lại xem bạn có muốn điều chỉnh cam kết hay không.
Nhìn nhận cơ hội này như một món quà
Khi bạn nhận thấy bản thân đang tuân theo một điều gì đó bạn không thích, bạn sẽ dễ dàng cố gắng thoát ra khỏi nó hoặc bực bội khi phải làm điều đó. Thay vào đó, chúng ta cần trui rèn bản thân để thay đổi trạng thái tinh thần đó của mình, và nhìn nhận điều đó như một cơ hội để rèn luyện mở mang tâm trí của mình. Chúng ta cần phải biết ơn điều gì qua trải nghiệm vừa rồi nhỉ? Làm thế nào để ta xem điều ấy như món quà thay vì chăm chăm nhìn vào thứ ta không thích? Hãy nếm trải và tận dụng cơ hội này.
Kết nối lại với lý do khiến điều đó trở nên quan trọng
Mỗi ngày, khi bạn chuẩn bị thực hiện điều bản thân cam kết, hãy tự hỏi mình “vì sao.” Vì sao điều này lại quan trọng với bạn? Vì sao bạn phải hết lòng vì điều ấy, liệu có đáng không? Bạn có cam kết thực hiện điều ấy hết tâm hết sức không? Hãy kết nối những hành động của bạn với sự tận tâm tận lực của bạn.
Thực hành lòng trắc ẩn với bản thân
Khi bạn trở nên rối bời và cảm thấy không thỏa đáng, hãy nghiệm xem điều đó khiến bạn đau đớn và khổ sở như thế nào. Từ đó hãy bao dung cho bản thân của bạn. Hãy cầu chúc cho chính mình được yên bình, được hạnh phúc và được thoát khỏi sự dằn vặt. Thay vì nghĩ nguyên do là vì bản thân không tốt, hãy nghĩ nguyên do là để ta biết thêm yêu thương bản thân. Sau đó, hãy nhìn xem điều gì ta có thể học được từ trải nghiệm lầy này, và bắt đầu lại. Điều đó có là gì to tát đâu.
Hãy loại bỏ những trở ngại, càng nhiều càng tốt
Bạn cam kết thực hiện mục tiêu đến cùng, bạn đã đặt tất cả lời nhắc, bạn biết tại sao điều đó lại quan trọng với bạn, bạn đã đặt ra những giới tuyến nghiêm ngặt, và bạn đã sẵn lòng đối diện với sự lo lắng và những cám dỗ mê hoặc. Vậy thì bây giờ, hãy loại bỏ những trở ngại càng nhiều càng tốt, để thực hiện mục tiêu ấy dễ dàng hơn. Bạn có thể chuẩn bị sẵn mọi thứ trước khi đến hạn không? Bạn có thể nấu những món ăn lành mạnh cho tuần tới vào Chủ nhật không? Bạn có thể chuẩn bị sẵn dụng cụ tập thể dục để có thể đến thẳng phòng gym sau giờ làm việc không? Hãy tìm ra những rào cản và loại bỏ chúng đi. Và loại bỏ cả những thoái thác.
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times