Vì sao Bắc Kinh được tổ chức Thế vận hội một lần nữa?
Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh sẽ khai mạc chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng nữa. Sự kiện này là mục tiêu của một cuộc tẩy chay ngoại giao của Hoa Kỳ, với các quốc gia khác có khả năng sẽ làm theo.
Vậy làm thế nào mà Bắc Kinh lại được đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa Đông chỉ ít lâu sau khi đăng cai Thế vận hội Mùa Hè năm 2008? Làm như vậy sẽ khiến thành phố này trở thành thành phố đầu tiên trong lịch sử Olympic được đăng cai tổ chức cả Thế vận hội Mùa Đông lẫn Mùa Hè.
Đáp án thật đơn giản. Các thành phố tiềm năng ở Âu Châu — có tới sáu thành phố như vậy — đã từ bỏ đấu thầu sau kỳ Thế vận hội Mùa Đông năm 2014 đầy bê bối sử dụng doping ở Sochi, Nga. Mức giá được truyền bá rộng rãi cho Sochi là 51 tỷ USD cũng khiến các thành phố dự thầu tương lai chùn bước.
Xuống đến giai đoạn bỏ phiếu vào năm 2015 tại các cuộc họp ở Kuala Lumpur, Malaysia, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chỉ còn lại hai ứng cử viên: Bắc Kinh và Almaty ở Kazakhstan.
Bắc Kinh đã giành chiến thắng với tỷ lệ 44-40, một kết quả bỏ phiếu sít sao mà một số người tại thời điểm đó cho rằng có thể đã bị hủy hoại bởi các bất thường trong việc bầu chọn. Chủ tịch IOC Thomas Bach [khi ấy] đã nổi giận trước lời gợi ý này.
Các thành phố hoặc khu vực rút khỏi cuộc đua đấu thầu năm 2022
Có một danh sách dài các thành phố từ chối dự thầu trên khắp Âu Châu. Hai thành phố nổi tiếng là Oslo và Stockholm đã rút lui trong quá trình đấu thầu. Krakow của Ba Lan và Lviv của Ukraine cũng rút lại hồ sơ dự thầu của mình.
Hai khu vực khác có khả năng thắng thầu cao — St. Moritz của Thụy Sĩ và Munich [của Đức] — đã bị công chúng bác bỏ trong các cuộc trưng cầu cử tri. Sự từ chối của người Đức là một thất bại nhức nhối dành cho ông Bach, vốn cũng là người Đức. Một điều đáng chú ý nữa là trụ sở của IOC được đặt tại Thụy Sĩ.
Oslo và Stockholm có lẽ được coi là những địa điểm được ưa chuộng, vì IOC đang cố gắng đưa Thế vận hội trở lại các địa điểm tổ chức các môn thể thao mùa đông truyền thống của Âu Châu. Hai thành phố này đã rút lui vì lý do chi phí và chính trị.
Năm 2014, các quan chức của Na Uy và IOC cũng đã công khai chỉ trích lẫn nhau về sự không bằng lòng của họ dành cho đối phương.
Chi tiết về các yêu cầu của IOC đối với các thành phố tham gia đấu thầu [về việc tiếp đãi] các thành viên của họ — bao gồm một bữa tiệc cocktail với Vua Na Uy, việc sử dụng các làn đường riêng, và các yêu cầu cụ thể về trái cây và bánh ngọt trong phòng khách sạn — đã bị tiết lộ và bị một nhà lập pháp miêu tả là “thái độ vênh vang hợm hĩnh”.
Một quan chức cao cấp của IOC đã phản bác lại rằng quyết định rút Oslo [khỏi cuộc đấu thầu đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa Đông năm 2022 của Na Uy] là dựa trên “những sự thật nửa vời và dữ kiện không chính xác”.
Ông Bach đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 rằng Thế vận hội Mùa Đông là một cuộc mua bán khó khăn.
“Số lượng ứng viên cho mùa đông đã rất hạn chế vì điều kiện địa lý,” ông nói. “Chúng ta cũng không thể quên rằng đây là một khoảng thời gian đầy thách thức với nền kinh tế thế giới.”
Bắc Kinh hoặc Almaty
Sự lựa chọn cho các thành viên IOC giảm xuống còn hai chính phủ độc tài không yêu cầu bất kỳ cuộc bỏ phiếu trưng cầu cử tri công khai nào, và cũng có ít ràng buộc về chi tiêu: Bắc Kinh và Almaty.
Bắc Kinh đã chi hơn 40 tỷ USD cho Thế vận hội Mùa Hè năm 2008.
Để quảng bá hồ sơ dự thầu của mình, các nhà tổ chức ở Almaty tại thời điểm đó đã cho biết có 79% công dân của họ ủng hộ giá thầu. Bắc Kinh cho biết có 94.8% công dân ở Trung Quốc ủng hộ.
Almaty đã cố gắng giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu, nhắc lại rằng họ là một thành phố thể thao mùa đông được bao quanh bởi núi và tuyết tự nhiên. Đó là một lời chỉ trích đối với Bắc Kinh, nơi không có truyền thống thể thao mùa đông và ít tuyết tự nhiên ở các khu vực được chọn cho các nội dung thi đấu trượt tuyết.
Bắc Kinh và một số thành viên IOC đã phản bác rằng người trượt tuyết thực ra thích tuyết nhân tạo hơn. IOC cũng coi Bắc Kinh là một cơ hội rất lớn để kinh doanh thể thao mùa đông.
Bắc Kinh đã giành chiến thắng với cách biệt bốn phiếu bầu, kết quả này được mô tả là sít sao hơn nhiều so với dự đoán, trong một nỗ lực [bầu chọn] thứ hai bằng cách sử dụng lá phiếu giấy. Nỗ lực bầu chọn đầu tiên bằng lá phiếu điện tử đã bị hủy bỏ do các vấn đề kỹ thuật.
Các thành viên IOC đã chọn những gì mà họ tin là sự lựa chọn ít rủi ro hơn, nhưng hóa ra lại không phải như vậy.
“Đó thực sự là một lựa chọn an toàn,” Chủ tịch IOC Bach cho biết lúc đó. “Chúng tôi biết Trung Quốc sẽ thực hiện những lời hứa của mình.”
Sự lựa chọn của IOC khi đó đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích gay gắt. Họ lưu ý rằng Thế vận hội năm 2008 đã không cải thiện tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc.
Hệ quả
Việc hạ xuống còn hai ứng viên — cả hai đều không phải là những lựa chọn hàng đầu — đã khiến IOC bất ngờ. Một phần nguyên do là vì IOC không còn thực hiện một quá trình đấu thầu kéo dài để chọn các thành phố đăng cai. Ông Bach cho biết tại thời điểm đó rằng quá trình đấu thầu này đã tạo ra quá nhiều “kẻ thua cuộc”.
Hơn nữa, IOC đã rơi vào thế bí khi phải giải thích lý do tại sao cử tri lại từ chối đăng cai tổ chức Thế vận hội [ở đất nước họ] — đặc biệt là Thế vận hội Mùa Đông nhỏ hơn. Quá trình đấu thầu cũng bị vấy bẩn bởi những vụ bê bối xung quanh việc trao quyền tổ chức các Thế vận hội Mùa Hè năm 2016 và năm 2020, trong đó các thành viên của IOC bị cáo buộc nhận hối lộ cho lá phiếu của họ.
Cuộc đấu thầu cho Thế vận hội Mùa Đông Salt Lake City năm 2002 cũng vướng phải bê bối.
Theo quy trình lựa chọn địa điểm mới của IOC, khoảng 100 thành viên IOC không còn được bỏ phiếu nữa. Sự lựa chọn là của ban lãnh đạo do ông Bach đứng đầu. IOC đã lựa chọn các địa điểm cho Thế vận hội đến năm 2032.
Các địa điểm đó là Paris [của Pháp] cho năm 2024; Milan-Cortina của Ý cho năm 2026, Los Angeles [của Hoa Kỳ] cho năm 2028; Brisbane của Úc cho năm 2032. Vị trí duy nhất còn trống là Thế vận hội Mùa Đông năm 2030, trong đó Sapporo của Nhật Bản dường như đang là ứng viên hàng đầu. IOC chưa cho biết khi nào sẽ quyết định về lựa chọn đó.
Do Stephen Wade của The Associated Press thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: