Vermont trở thành tiểu bang đầu tiên ở Hoa Kỳ yêu cầu các công ty dầu mỏ bồi thường thiệt hại do khí hậu
Thống đốc Vermont Phil Scott cho biết ông đã cho phép ‘Đạo luật Siêu quỹ Khí hậu’ trở thành luật mà không cần chữ ký của ông.
Hôm thứ Năm (30/05), Vermont đã thông qua luật yêu cầu các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn phải bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, trở thành tiểu bang đầu tiên trên toàn nước Mỹ làm như vậy.
Thống đốc Vermont Phil Scott nói rằng ông đã cho phép Đạo luật Siêu quỹ Khí hậu trở thành luật mà không cần chữ ký của ông, mặc dù ông bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về kết quả ngắn hạn và dài hạn của luật này.
Thống đốc nói trong một lá thư gửi Đại Hội đồng tiểu bang: “Không nên xem nhẹ việc hạ gục Big Oil (các đại công ty dầu mỏ).”
Ông nói thêm: “Và chỉ với 600,000 USD được Cơ quan lập pháp phân bổ để hoàn thành một bản phân tích vốn sẽ cần phải chịu sự giám sát pháp lý chặt chẽ từ một bên bào chữa được tài trợ mạnh, chúng ta chưa tự đặt mình vào vị thế để thành công.”
Ông Scott cho biết ông “lo sợ” rằng việc thất bại trong thách thức pháp lý “sẽ tạo ra tiền lệ và cản trở khả năng khắc phục thiệt hại của các tiểu bang khác,” nhưng dù sao vẫn cần có kinh phí để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với tiểu bang.
Ông nói: “Tôi cũng thấy được an ủi khi Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên được yêu cầu báo cáo lại cho Cơ quan lập pháp vào tháng 01/2025 về tính khả thi của nỗ lực này, để chúng ta có thể đánh giá lại cách tiếp cận riêng của chúng ta.”
Dự luật này nhằm mục đích tìm kiếm “một nhu cầu thu hồi chi phí” đối với lượng khí thải phát sinh từ năm 1995 đến năm 2024. Các hình phạt sẽ được đánh giá dựa trên tác động đối với sức khỏe cộng đồng, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, phát triển kinh tế, nhà ở, việc chuẩn bị và an toàn cho lũ lụt, cũng như các lĩnh vực khác.”
Theo luật, “một tổ chức chỉ phải chịu một khoản nhu cầu thu hồi chi phí nếu [Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên] xác định rằng các sản phẩm của tổ chức đó chịu trách nhiệm cho hơn một tỷ tấn phát thải khí nhà kính trong khoảng thời gian được đề cập.”
Dự luật này tuyên bố: “Bất kỳ khoản thanh toán thu hồi chi phí nào mà Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên nhận được sẽ được gửi vào Quỹ Chương trình Phục hồi Chi phí của Siêu quỹ Khí hậu để cung cấp kinh phí cho các dự án cơ sở hạ tầng thích ứng hoặc chống chịu được với biến đổi khí hậu ở Tiểu bang.”
Bà Lauren Hierl, giám đốc điều hành của Tổ chức Cử tri Bảo tồn Vermont, đã ca ngợi các nhà lập pháp Vermont vì đã thông qua dự luật, nói rằng dự luật này sẽ ngăn người đóng thuế phải gánh chịu toàn bộ gánh nặng về biến đổi khí hậu.
Bà nói trong một tuyên bố do Hội đồng Tài nguyên Thiên nhiên Vermont đưa ra, “Nếu không có Siêu quỹ Khí hậu, chi phí của biến đổi khí hậu sẽ hoàn toàn do người đóng thuế gánh chịu — và điều đó thật không công bằng. Giờ đây, đã có luật yêu cầu các tập đoàn gây ra thiệt hại cũng phải bồi thường.”
Dân biểu Martin LaLonde của tiểu bang, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện và là một luật sư, cho biết tiểu bang có “một hồ sơ pháp lý vững chắc” khi các nhà lập pháp hợp tác chặt chẽ với các học giả pháp lý trong việc hình thành dự luật.
Ông LaLonde nói: “Chúng tôi biết rằng Big Oil sẽ đấu tranh về vấn đề này trước tòa.”
Ông nói thêm: “Quan trọng nhất là, lợi ích bị mất nếu thua kiện là quá cao — và chi phí là quá lớn đối với người dân Vermont — để các tập đoàn đã gây ra tình trạng hỗn loạn này được thoát khỏi nghĩa vụ của họ trong việc khắc phục.”
Những lo ngại xoay quanh dự luật
Hồi tháng Tư, Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) đã gửi một bức thư tới Cơ quan Tư pháp Hạ viện Vermont, phản đối đạo luật này như một “chính sách công tồi tệ” và cho rằng luật “có thể là vi hiến.”
API cho biết họ lo ngại rằng dự luật “áp đặt hồi tố chi phí và trách nhiệm pháp lý đối với các hoạt động hợp pháp trước đây, vi phạm sự bảo vệ bình đẳng và các quyền theo thủ tục tố tụng thông thường thông qua việc buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về hành động của xã hội nói chung; và không có hiệu lực theo luật liên bang.”
Họ nêu trong thư: “Ngoài ra, dự luật không cung cấp cho các bên có khả năng bị ảnh hưởng thông báo về mức độ nghiêm trọng của các khoản phí tiềm ẩn có thể phát sinh từ việc thông qua dự luật.”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố trong một thông cáo báo chí hồi tháng Mười năm ngoái (2023) rằng hành vi của con người đã làm tăng lượng khí thải carbon, gây ra sự thay đổi về thời tiết “góp phần trực tiếp gây ra các trường hợp khẩn cấp nhân đạo do sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt, bão nhiệt đới, và lốc xoáy, và những trường hợp này đang gia tăng về quy mô, tần suất, và cường độ.”
Bản tin có sự đóng góp của Matthew Lysiak
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times