Vẻ đẹp và sự phong phú của đèn thắp sáng thời cổ xưa
Cổ nhân thắp sáng vào ban đêm như thế nào? Vẻ đẹp và phong phú của đèn thắp sáng thời cổ xưa khiến người ngày nay không khỏi thán phục.
Trước khi có nền văn minh khoa học hiện đại, huy hoàng của văn minh nhân loại là do các bậc tiền nhân tạo ra. Chúng ta chỉ cách thời đó khoảng ba trăm năm, nhưng lại thấy như quá xa vời. Thời thượng cổ cách đây hàng nghìn năm, thì càng giống như một câu chuyện thần thoại.
Chúng ta đã quên những tháng ngày không có máy tính. Tuy nhiên, không gian ảo do máy tính tạo ra mới chỉ chiếm lấy cuộc sống của con người hiện đại hơn 40 năm nay.
Vậy, trước khi có máy tính, các bậc tiền nhân đã sinh sống như thế nào?
Chúng ta hãy bước ra khỏi thế giới ảo, cùng quay về thời cổ đại và nhìn lại cuộc sống của người xưa.
Cổ nhân thắp sáng vào ban đêm như thế nào? Thư tín, ý nghĩ, làm thế nào để truyền đi? Cổ nhân đã sinh sống như thế nào, mà kế thừa được nền văn minh rực rỡ huy hoàng này.
Từ xưa đến nay, mặt trời mọc và lặn, mặt trăng lên và xuống đã mang tới ánh sáng cho con người sinh sống trên Trái Đất, giúp con người an cư trên mặt đất này. Từ “minh” (明) trong chữ Giáp Cốt, một bên là Mặt trời – Nhật (日), một bên là Mặt trăng – Nguyệt (月). Mặt trời và Mặt trăng là hai ngọn đèn bất diệt mà Thượng Thiên ban tặng cho con người. Nếu nói đến chiếc đèn lồng đầu tiên trên Trái Đất, thì đó chính là hai chiếc đèn trời khổng lồ nhất – Mặt trời và Mặt trăng.
Trong “Sở Từ – Thiên Vấn” viết rằng:
Thiên hà sở đạp? Thập nhị yên phân?
Nhật nguyệt an thuộc? Liệt tinh an trần?
Xuất tự Thang cốc, Thứ vu Mông dĩ.
Tự minh cập hối, Sở hành kỷ lý?
Dạ quang hà đức, Tử tắc hựu dục?
Tạm dịch:
Trời chồng thế nào? Phân chia ra sao?
Nhật nguyệt ai xếp? Vì sao thẳng hàng?
Mọc từ Dương Cốc, Lặn xuống bến bàng.
Từ sáng đến tối, Đi qua bao dặm?
Ánh trăng tốt thế, Mất rồi lại sinh?
Thỏ ngọc, cây quế và quạ vàng trên Mặt trăng là một thế giới thần thoại. Chúng được khảm trên những chiếc đèn bằng đồng hoặc ngọc do cổ nhân tạo ra, xuyên suốt nghệ thuật đèn cổ.
Từ thời viễn cổ, Toại Nhân Thị dùng gỗ đánh lửa, ánh lửa xuyên qua bóng tối. Trong thần thoại phương Tây, Thần Prometheus đã lấy trộm lửa từ Thần Zeus và trao nó cho con người. Từ khi lửa xuất hiện trên Trái Đất, nền văn minh của nhân loại đã bước sang một chương mới.
Về sau, bên đống lửa đốt, người xưa vừa nhảy múa vừa sưởi ấm, ngọn đèn cổ này đã mang lại ánh sáng và sự ấm áp cho họ. Trong thuyết Ngũ Hành – Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, ngọn lửa của sự sáng tạo và hủy diệt đã được sinh ra từ bóng tối, khai sinh ra nền văn minh nhân loại. Người ta thắp sáng những ngọn đuốc, giơ cao xuyên qua bóng tối, ngọn lửa di chuyển theo con người, chiếu sáng mọi nơi trên Trái đất. Đây là chiếc đèn đầu tiên mà con người thời bấy giờ cầm ở trên tay. Thế là, trong cuộc sống của con người đã có ánh sáng.
Đèn thắp sáng thời xưa
Thuận theo nền văn minh được kiến lập, trong cung đình có những ngọn đuốc gọi là “đình liệu”. Chúng là những cột đuốc rực lửa dựng đứng giữa sân, uy nghi và tỏa sáng.
Đèn thời cổ đại hầu hết là được thắp sáng bằng lửa. Người xưa sử dụng gốm, đồng, sắt, đá, ngọc và sứ để tạo ra các loại đèn với nhiều màu sắc khác nhau, rồi bôi dầu, mỡ, sáp ong để thắp sáng bằng lửa. Ngọn lửa nóng và bập bùng như đang sống, và ngọn đèn dường như cũng có sự sống. Trong cung Hàm Dương của nhà Hán có năm cái kiềng màu xanh ngọc, “cao bảy thước năm tấc, tạo hình thần thú bàn ly (một loại rồng không sừng màu vàng), miệng ngậm kiềng, kiềng cháy, vảy giáp của thần thú động theo, rực rỡ như một ngôi sao mà chiếu sáng cả căn phòng” (Tây Kinh Tạp Ký, quyển 3).
Trong cung điện Hàm Dương, năm cái kiềng là một bức tranh đang nhảy múa. Những ngọn lửa di động và phản chiếu ánh sáng lên những chiếc vảy của bàn ly, khiến chúng được nhuộm đỏ như có vì sao đang bay tới.
Vào thời cổ đại, đèn không chỉ là vật dụng thắp sáng mà còn được người xưa dung nhập vào cuộc sống. Cây đèn vào thời cổ đại đã được phú cho vẻ đẹp và nội hàm, là một tác phẩm nghệ thuật có hô hấp, có sự sống.
Những chiếc đèn đồng thời Hán được khai quật có dáng vẻ rất đơn giản chất phác, khiến người ta không khỏi yêu thích. Những bức tượng đứng, quỳ, tay cầm đèn dầu được gọi là đèn nô. Trong suốt nhiều thời đại, những bức tượng (đèn nô) với chiếc đèn trong tay, ngồi xếp chân suốt đêm, giống như những người hầu trung thành phụ vụ cho cả người sống và người đã khuất. Chiếc áo bào cổ phác cùng với vẻ mặt khiêm tốn của những bức tượng nhỏ này, là sự thể hiện trung thực phong cách thời bấy giờ. Với việc khai quật những chiếc đèn này, cuộc sống đầm ấm của người xưa có thể hiện lên một cách sống động, như ở ngay trước mắt chúng ta.
Đèn đồng thời Hán được thiết kế tinh xảo, xung quanh đèn có một cửa xoay, cửa mở ra sẽ để lộ dầu đốt, nhờ đó có thể điều chỉnh độ sáng của đèn. Một trong những loại đèn nổi tiếng nhất thời cổ đại chính là đèn đồng mạ vàng trong cung Trường Tín triều Hán. Đó là một bức tượng nhỏ quỳ gối, tay cầm đèn đồng, dùng vạt áo che lên đỉnh đèn, khói bay ra do đốt dầu sẽ bay vào tay áo, hút vào thân tượng rồi hòa tan vào nước. Sự ảo diệu và vẻ đẹp khó tả của những chiếc đèn ống đồng thời Hán đã nói lên tâm hồn phong phú của người thời xưa.
Những chiếc đèn vào thời Hán thường được tạo hình chu tước, rồng, cừu, ngỗng, nai, bò. Những con thú tốt lành này, hoặc miệng ngậm đèn, hoặc trên đầu có ngọn nến, đều rất ngây thơ, sặc sỡ, uy vũ và dũng cảm, ảo diệu vô cùng. Mỗi con đều có ý nghĩa riêng của chúng.
Chu tước là một loài chim mang phước lành trong thần thoại, có địa vị cao trong các loài chim. Đèn chu tước bằng đồng nổi tiếng vào thời Hán có chân đèn là một con chu tước, với một đôi cánh tuyệt đẹp vút lên không trung, và lông vũ đẹp như tranh vẽ. Con chu tước ngậm chiếc đèn ở trong mỏ, như thể nó tung cánh bay lên và mang ánh sáng vào không trung.
Thời cổ đại coi ngỗng trời là sứ giả, đèn thời xưa thường lấy ngỗng trời làm chân đèn. Đèn chân ngỗng thời Hán là dùng chân ngỗng làm chân đèn. Đèn là sứ giả của ánh sáng, một con ngỗng đứng thẳng đội một cái đèn mang ý nghĩa niềm vui đủ đầy, hàm ý vô hạn.
Cùng với sự dung nhập của đèn vào cuộc sống của người xưa, việc tạo ra các loại đèn đã có nhiều thay đổi. Đèn Liên Chi là một loại đèn đứng, từ trụ đèn kéo dài ra thêm nhiều đèn khác, tối đa là 29 chiếc. Thời Hán có đèn Thập Liên Chi với mười nhánh nhô ra từ trụ đèn, trên đỉnh mỗi nhánh là một ngọn đèn bằng đồng.
“Sơn Hải Kinh” ghi chép về thần thoại mười Mặt trời rằng: “Trên Dương Cốc có cây Phù Tang, là nơi mười Mặt trời tắm rửa. Ở phía bắc Hắc Nha, ở trong nước có đại mộc, chín Mặt trời ở dưới cành, một Mặt trời ở trên cành”. (Sơn Hải Kinh – Hải Ngoại Đông Kinh).
Chiếc đèn Liên Chi này mô phỏng lại thần thụ ở thung lũng Phù Tang, nơi mười Mặt trời sinh sống. Có thể tưởng tượng rằng, trong đêm tối cổ đại, mười ngọn đèn đều được thắp sáng, chúng tỏa sáng rực rỡ giống như mười Mặt trời trước khi Hậu Nghệ sinh ra. Lúc Mặt trời mọc cũng là lúc mẹ của Mặt trời là nữ thần Hi Hòa cưỡi một cỗ xe, quất roi và mang theo mười Mặt trời bay khắp thiên khung.
Khi nền văn minh phát triển và phong phú, đèn cũng trở thành một công cụ quan trọng trong các nghi lễ. Vào thời nhà Đường, trong các khánh điển tôn giáo đã xuất hiện “đăng luân” (đèn vòng), trong tiết Nguyên Tiêu, dưới đăng luân khổng lồ nhiều tầng có hơn một nghìn phụ nữ vừa ca vừa hát, vô cùng náo nhiệt.
“Một đăng luân đã được xây dựng bên ngoài cổng An Phúc của kinh thành, cao 20 thước, vải bọc bằng gấm, trang trí vàng ngọc, đốt 5 vạn ngọn đèn, cụm lại như hoa và cây” (Triều Dã Thiêm Tái).
Trong các bức bích họa ở Đôn Hoàng, rất nhiều bức có đăng luân rực rỡ, trong đó có một bức là một vị Bồ Tát đặt một ngọn đèn nhỏ trên bệ đèn để cúng dường Phật. Một bức khác thì có cờ ngũ sắc treo cao trong sân, đăng luân 7 tầng sáng rực, phảng phất như ban ngày.
Trong các nền văn minh cổ đại trên thế giới, người ta đã khai quật được những chiếc đèn nhiều màu sắc, chứng minh cho văn hóa và nghệ thuật của nền văn minh nhân loại thuở sơ khai. Đèn gốm và đèn bằng đồng của Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng giống như tác phẩm điêu khắc hoặc tranh vẽ trên bình gốm vào thời La Mã, rất giàu nội hàm văn hóa và vô cùng ưu mỹ. Những chiếc đèn cổ của Ấn Độ cổ đại và Đế chế Ottoman cũng ảo diệu như những chiếc đèn bằng ngọc và gốm được khai quật ở Trung Quốc.
Trên khắp thế giới, những ngọn hải đăng đẹp như tranh vẽ dẫn lối cho các con thuyền trên biển, là một nhánh đặc biệt của những cây đèn thời cổ đại. Vào năm 283 trước Công nguyên, trong thời trị vì của Ptolemy II ở Ai Cập, một ngọn hải đăng cao khoảng 130 mét đã được xây dựng ở bến cảng Alexandria.
Ngọn hải đăng Alexandria là ngọn hải đăng đầu tiên được ghi nhận, nhưng nó đã bị phá hủy bởi một trận động đất. Những viên đá của ngọn hải đăng vẫn còn tồn tại, góp phần xây dựng lên pháo đài Qaitbay.
Cho dù là những chiếc đèn bằng đá hoặc gốm đơn giản của thời kỳ đồ đá, hay những chiếc đèn lồng mạ vàng, bạc, đồng sau thời Chiến quốc và thời nhà Hán, thì đèn, nến và hải đăng đều là những người bạn đồng hành không thể thiếu của con người.
Ánh sáng của nến và đèn đã kéo dài thời gian, đưa cuộc sống của con người tiến đến đỉnh cao. Thi tiên Lý Bạch từng viết trong “Xuân dạ yến đào lý viên tự” rằng:
“Phù, thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ; quang âm giả, bách đại chi quá khách. Nhi phù sinh nhược mộng, vi hoan kỷ hà? Cổ nhân bỉnh chúc dạ du, lương hữu dĩ dã” (Tạm dịch: Trời đất là quán trọ của vạn vật, tháng ngày là du khách của thiên thu, đời như giấc mộng, vui mấy độ nào? Người xưa đốt đuốc đi chơi đêm, cũng là hữu lý).
Từ chiếc đèn trời Mặt trăng trong thần thoại, đến ngọn đuốc rực lửa trên tay của tổ tiên, rồi lại đến những ngọn nến thắp sáng hoa mẫu đơn trong đêm vào thời nhà Đường, những ngọn đèn đã dẫn dắt nhân loại tiến về phía trước.
Thời xa xưa trước khi có điện xuất hiện, giữa con người và đèn có một mối liên hệ mật thiết như giữa con người với tự nhiên, với vạn sự vạn vật. Ngọn lửa nhảy múa và hơi thở của con người bầu bạn với nhau. Ánh lửa phản chiếu trên những bức tượng gốm đang quỳ, hoặc trên những con cừu, hươu và chu tước, giống như bản nhạc trầm mặc, đã ban cho người xưa ánh sáng, sự ấm áp và tình yêu từ Thiên Thượng không bút mực nào tả xiết.
Tác giả: Hạ Đảo
Vương Cận biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: