Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI) làm tăng nợ nần và ô nhiễm ở các nước nghèo hơn
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc nhằm mục đích tăng GDP của các quốc gia tham gia. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, nợ Trung Quốc đã tăng lên, ô nhiễm gia tăng, và thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã tăng lên; trong khi tốc độ tăng trưởng GDP gắn với BRI thì vẫn mơ hồ.
Con đường tơ lụa đến nợ nần
Năm 2013, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng đang khởi xướng BRI vì sự thịnh vượng chung và giúp các nước đang phát triển cải thiện điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết số tiền mà các quốc gia này nhận được từ Trung Quốc là dưới dạng nợ, thay vì tài trợ. Tỷ lệ đối với BRI là một khoản tài trợ trên mỗi 31 khoản vay.
Từ năm 2000 đến năm 2017, Trung Quốc đã cung cấp tài chính cho ít nhất 13,427 dự án, tổng trị giá 843 tỷ USD thông qua hơn 300 đơn vị thuộc sở hữu nhà nước trên 165 quốc gia. Kể từ khi BRI bắt đầu, vào năm 2013, Trung Quốc đã cung cấp trung bình 50-100 tỷ USD mỗi năm. Các khoản vay chủ yếu là bằng USD và đắt hơn nhiều so với các khoản vay từ các quốc gia và tổ chức tài trợ của phương Tây.
Nợ Trung Quốc là vấn đề đặc biệt đối với các nước đang phát triển bởi vì, không giống như nợ trong nước, nợ ngoại quốc phải được trả thông qua xuất cảng. Do đó, có những giới hạn nhất định về số nợ mà các nước nghèo có thể gánh chịu. Thậm chí, suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung đã làm giảm số nợ được coi là bền vững. Những quốc gia đi vay lớn nhất là các quốc gia châu Phi hiện đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ khó khăn lớn.
Phòng thí nghiệm Nghiên cứu AidData tại Viện nghiên cứu toàn cầu của William & Mary đã xác định rằng 42 quốc gia thu nhập thấp và trung bình hiện có mức nợ Trung Quốc vượt quá 10% GDP. Đối với một số quốc gia, mức nợ thậm chí còn cực đoan hơn. Ví dụ, Lào nợ Trung Quốc hơn 30% GDP.
Căng thẳng nghĩa vụ trả nợ
Nhiều quốc gia dọc theo BRI đã tăng nợ Trung Quốc. Một số ví dụ điển hình bao gồm: Nợ của Cộng hòa Congo đối với Trung Quốc từ 13.62% tổng thu nhập quốc dân (GNI) năm 2014 lên 38.92% năm 2019; nợ của Djibouti từ 7.71% lên 34.64%; và nợ của Angola từ 5.87% lên 18.95%, theo báo cáo của Trung tâm Tài chính & Phát triển Xanh (GFDC).
Theo báo cáo của GFDC, đến cuối năm 2019, các nước BRI có khoản nợ lớn nhất đối với Trung Quốc là Pakistan với 20 tỷ USD, Angola 15 tỷ USD, Kenya 7.5 tỷ USD, Ethiopia 6.5 tỷ USD, và Lào 5 tỷ USD.
Trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2024, khi các khoản thanh toán trả nợ ngấm vào, nhiều quốc gia sẽ bị quá tải bởi các khoản thanh toán lãi vay đến mức sẽ không thể tiếp tục đầu tư thêm. Theo GFDC, trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ có Tonga, Djibouti, Campuchia, Angola, Cộng hòa Congo, Comoros, và Maldives.
Do thiếu minh bạch trong việc cho vay theo BRI, tổng nợ chính thức ước tính thấp hơn nhiều so với tổng thực tế. Việc cho vay đối với các dự án BRI không chỉ là từ chính phủ Trung Quốc, mà còn từ các cơ quan do chính phủ kiểm soát, các công ty nhà nước, và các công ty tư nhân. Hệ thống này khó hiểu đến nỗi ngay cả các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng không biết số tiền đã được cho vay ra là bao nhiêu.
Trong những thập kỷ trước, hoạt động cho vay của Trung Quốc nhắm vào các chính phủ ngoại quốc. Tuy nhiên, với BRI, AidData nhận thấy rằng “70% khoản cho vay ở ngoại quốc của Trung Quốc hiện giờ hướng đến các công ty nhà nước, ngân hàng quốc doanh, các pháp nhân thành lập vì mục tiêu đặc biệt (SPV), công ty liên doanh, và các tổ chức khu vực tư nhân.”
Do bản chất không rõ ràng của kiểu cho vay của Trung Quốc, có 385 tỷ USD nợ bị ẩn giấu, không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của quốc gia.
Hoạt động cho vay ngoại bảng này là kết quả của cấu trúc như mì spaghetti của các thỏa thuận cho vay theo BRI. Các SPV, một loại công ty vỏ bọc thường được tạo ra với mục đích duy nhất là vay tiền, để nằm ngoài bảng cân đối kế toán của công ty mẹ hoặc tổ chức của chính phủ.
Trung Quốc chiếm một lượng lớn vốn cổ phần ở các quốc gia không trả được nợ. Một dự án BRI ở Lào là một ví dụ điển hình về cấu trúc nợ và vốn chủ sở hữu khó hiểu. Ba công ty nhà nước của Trung Quốc đã nắm phần lớn cổ phần trong một liên doanh của Lào, công ty này nợ Trung Quốc 3.6 tỷ USD. Trên bảng cân đối kế toán [của Trung Quốc], khoản nợ này sẽ thể hiện ra là khoản nợ của một công ty Trung Quốc [mà thôi].
Các dự án ô nhiễm
Dọc theo toàn bộ BRI, 35% các dự án bị cản trở bởi tham nhũng, thực hiện lao động không công bằng, ô nhiễm môi trường, và các cuộc biểu tình. Các dự án bị đình trệ và bị bỏ dở đang không tạo ra mức tăng GDP như đã hứa cho nước chủ nhà. Các ngành công nghiệp trong nước không được hưởng lợi từ việc xây dựng các dự án. Chỉ 7.6% dự án được trao cho các công ty địa phương, trong khi 89% được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc. Việc làm không được thúc đẩy. [Việc tạo ra] việc làm đã hứa hẹn thường không thành hiện thực, trong khi thậm chí lao động được đưa từ Trung Quốc sang.
Các nhà nghiên cứu môi trường đã xác định rằng Trung Quốc cũng đang hưởng lợi khi xuất cảng lượng khí thải carbon của mình sang các nước BRI. Các nước chủ nhà đang sử dụng hết ngân sách carbon của họ cho các dự án BRI—kiểu xuất cảng khí thải này làm cho Trung Quốc trở nên giàu có hơn và làm tăng nợ của các nước chủ nhà.
Trong khi Trung Quốc đang giảm thiểu ô nhiễm, lắp đặt năng lượng xanh và năng lượng mặt trời tại Trung Quốc, thì quốc gia này đang xuất cảng ô nhiễm sang các nước khác. Ví dụ, Trung Quốc đã xuất cảng một nhà máy điện than sang Campuchia. Lượng khí thải ròng toàn cầu sẽ vẫn giữ nguyên, nhưng phí phát thải của nhà máy này đã được chuyển từ Trung Quốc sang Campuchia.
Theo bà Kelly Sims Gallagher, giáo sư về chính sách năng lượng và môi trường tại Đại học Tufts, Trung Quốc đã đầu tư vào 240 nhà máy điện than theo BRI từ năm 2001 đến năm 2016. Trong số 50 nhà máy nhiệt điện than do Trung Quốc tài trợ, 58% sử dụng công nghệ than dưới chuẩn, gây ô nhiễm cao, kém hiệu quả.
Toàn bộ 75% các dự án BRI liên quan việc đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn, trong khi Trung Quốc đang gia tăng các sản phẩm năng lượng sạch tại nước nhà. Ngay cả đường sắt cao tốc đang được bán cho các nước khác cũng có lượng khí thải cao hơn so với đường sắt đang được sử dụng ở Trung Quốc.
Tại sao tham gia BRI?
Các quốc gia đồng ý tham gia các hiệp định BRI vì họ không thể vay ở nơi khác và vì họ tin rằng mức tăng GDP do các dự án đã hoàn thành tạo ra sẽ lớn hơn nghĩa vụ trả nợ. Trên thực tế, mức tăng trưởng GDP này thường không đạt được. Một ví dụ là Pakistan. Theo các mô hình tăng trưởng được sử dụng trong BRI, Pakistan được kỳ vọng sẽ có mức tăng GDP là 5.18%. Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) bắt đầu vào năm 2015, nhưng kể từ năm 2018, GDP của Pakistan đã giảm liên tục, chạm tới một mức thấp chưa từng thấy trong nhiều năm.
Vào năm 2019, Ngân hàng Thế giới đã cố gắng xác định số lượng quốc gia được và mất từ BRI. Khi đưa ra quyết định tham gia hay không tham gia, các quốc gia đã sử dụng các mô hình khác nhau để tính toán chi phí và lợi ích dự kiến. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới đã cố gắng tạo ra một mô hình thống nhất, dựa trên thông tin địa lý, chi phí vận tải, và chi phí xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mới.
Ngân hàng Thế giới xác định rằng các nước BRI sẽ có một mức tăng [thêm] GDP lên tới 3.4%. Tuy nhiên, bởi vì lợi nhuận thương mại không nhất thiết tương đương đầu tư dự án, một số quốc gia sẽ có tác động tiêu cực lên phúc lợi. Tất cả các quốc gia sẽ phải trả lại các khoản vay của họ cho Trung Quốc. Và trong khi nhiều quốc gia đang thua lỗ, Trung Quốc vẫn tiếp tục thu được lợi nhuận. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với các nước BRI đạt 199.2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 40.4% trăm tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc.
Không hề là một nỗ lực bác ái, AidData xác định rằng, thông qua BRI, Bắc Kinh tìm cách đạt được ba mục tiêu: chuyển đổi USD kiếm được thông qua xuất cảng thành các khoản vay của ngoại quốc, cung cấp việc làm cho các lĩnh vực xây dựng và công nghiệp trong nước, và bảo đảm hàng hóa. Một xu hướng đáng lo ngại khác là 400 dự án trị giá 8.3 tỷ USD có liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: