Văn hóa ‘thảng bình’ của Trung Quốc đã đến Hoa Kỳ: Tôi từ chối làm việc
Từ kinh nghiệm của mình, tôi nói ra điều này: Trung Quốc không phải là một nơi thú vị để sinh sống. Bị giám sát liên tục, 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần, người dân thấy mình là nạn nhân của một hệ thống tín dụng xã hội tồi tệ.
Có điều gì đó thực sự khá giống với bộ phim truyền hình nhiều kỳ của Anh Quốc “Black Mirror” (Gương đen), đó là những người vô tội bị trừng phạt vì những lý do ngớ ngẩn nhất. Rồi thì, tồn tại kiểu văn hóa làm việc đến kiệt sức “996”, nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Mặc dù Trung Cộng đã hứa sẽ điều chỉnh văn hóa làm việc quá độ của nước này, nhưng hàng triệu công dân Trung Quốc đã bỏ cuộc. Ngán ngẩm với những tuần làm việc 72 giờ với mức lương rẻ mạt, thế hệ Z và thế hệ Millennials của Trung Quốc đã ủng hộ tư tưởng “thảng bình”.
Thay vì làm việc, họ chọn “thư giãn”. Nói cách khác, họ đang từ chối làm việc.
Rõ ràng là được truyền cảm hứng từ những người chống đối này ở Trung Quốc, ngày càng nhiều thanh niên Mỹ chọn cách “thảng bình.” Theo bà Alison Schrager, một thành viên cao cấp tại Viện Manhattan đồng thời là một biên tập viên cộng tác tại [tạp chí] City Journal, điều này không báo trước điềm lành cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Tất nhiên bà Schrager nhận định đúng. Thế hệ Z và thế hệ Millennials đang rời bỏ lực lượng lao động với số lượng kỷ lục. Tại sao vậy? Tác giả này lập luận đó là vì “các khoản trợ cấp thất nghiệp và các khoản kích thích chi tiêu lớn”. Hơn nữa, bởi vì đất nước này về cơ bản đã đóng cửa trong 18 tháng, nhiều người hiện nay nhận thấy mình “có dư dả tiền tiết kiệm”. Tóm lại, họ không có nơi nào để tiêu hết số tiền miễn phí này, bà Schrager viết.
Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn chính xác. Theo một cuộc thăm dò dư luận của Yahoo-Harris, các nhà đầu tư trẻ tuổi đều quá háo hức đầu cơ khi 11% thế hệ Z đã dùng các khoản trợ cấp kích thích chi tiêu của mình để đi mua mã kim. Trong khi đó, 15% thế hệ millennials, những người trong độ tuổi từ 25 đến 40, đã đầu tư vào mã kim. Liệu đây có phải là cách khôn ngoan để sử dụng tiền “miễn phí” không? Tôi sẽ để quý vị quyết định.
Ở Hoa Kỳ, những người lựa chọn “thảng bình” nên nhận ra rằng người Mỹ “chưa bao giờ làm việc ít đến như vậy”, bà Schrager viết. Lời tuyên bố này được hậu thuẫn bởi một nghiên cứu khá thú vị. Kể từ năm 2003, đàn ông Mỹ có thêm trung bình 28 giờ nhàn rỗi mỗi tháng. Mặt khác, phụ nữ Mỹ có thêm trung bình là 24 giờ.
Với nhiều thời gian nhàn rỗi hơn như vậy, tại sao Thế hệ Z và thế hệ Millennials lại quyết định “thảng bình?” Có phải vì họ là những tâm hồn lười biếng, bạc bẽo? Không, không nhất thiết là vậy. Họ bị lầm đường, một số trong đó đã thực sự lạc lối rồi.
Là một người có kinh nghiệm về tâm lý học, tôi tin rằng vấn đề có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều. Tình trạng “nhảy việc” và từ chối làm việc, vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại cho tương lai của đất nước này. Hiện đang tồn tại một tình trạng ngăn cách căn bản mà không thể giải quyết bằng luật pháp.
Tư tưởng đặc quyền và sự chìm đắm vào bản thân
Trước khi tiếp tục, tôi phải nêu rõ hai điều. Đầu tiên, tôi là một người thuộc thế hệ Millennial mặc dù tôi rất ghét thuật ngữ này. Thứ hai, những quan điểm được đưa ra từ đây trở đi không nhằm mục đích mô tả tất cả những người thuộc thế hệ Z hay tất cả những người thuộc thế hệ Millennials. Chúng nhằm mục đích đưa ra một bức tranh toàn cảnh về những khó khăn mà đất nước này và người dân đang phải đối mặt. Từ chối làm việc là triệu chứng của một tình trạng bất ổn trầm trọng hơn.
Tôi cho rằng quyết định “thảng bình” liên quan nhiều đến tính ái kỷ và tư tưởng đặc quyền hơn là tính lười biếng. Người ta cho rằng thế hệ Millennials yêu bản thân mình một cách ghê gớm. Thậm chí thế hệ Z dường như còn tồi tệ hơn. Cầu Chúa hãy cứu giúp những người sinh sau năm 2010, những thành viên của Thế hệ Alpha.
Theo nhà tâm lý học Karyl McBride, tư tưởng đặc quyền được định nghĩa là “mong muốn vô lý rằng một người nên được đối xử đặc biệt hoặc được tự động đáp ứng theo đúng những kỳ vọng của mình”. Bà McBride đã viết, trong thế giới của những người ái kỷ, người đó luôn phải là ưu tiên số một. Đây được gọi là tư tưởng đặc quyền ái kỷ.
Bà McBride cảnh báo rằng những người có tư tưởng đặc quyền ái kỷ thiếu đi năng lực “đồng cảm với những người khác”. Do đó, họ bị chi phối bởi tính bốc đồng và những khao khát hèn nhát, hoặc bởi cá tính của họ như [nhà tâm lý học] Freud đã nói. Khi một người ái kỷ lên tiếng, thì người khác phải lắng nghe. Tất cả người khác đều phải tuân theo họ. Họ tự coi mình là người đặc biệt, thậm chí là xuất chúng, và vì lý do này mà họ phải được đối xử như những hoàng thân quốc thích.
Không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì họ có xu hướng thao túng và lừa dối, người ái kỷ cảm thấy vô cùng khó khăn trong việc xây dựng hoặc duy trì các mối liên hệ với những người khác. Trong “Thời đại Chụp ảnh tự sướng” này, khi mà nhu cầu của cá nhân được đặt lên hàng đầu, thì còn lâu mới đến lượt cộng đồng. Theo một nghiên cứu có liên quan tới chủ đề này, trong 30 năm qua, sinh viên đại học Mỹ đã tăng 30% tính ái kỷ. Sau ba mươi năm nữa kể từ bây giờ, dự đoán là mọi thứ sẽ tồi tệ thêm 30%.
Với tình trạng xã hội bị phân rã và ít sự cam kết hơn với mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài, những người Mỹ trẻ tuổi đang chọn cách quay vào bên trong bản thân mình. Các giá trị truyền thống, vốn chẳng còn hấp dẫn, đã được thay thế bằng chủ nghĩa hư vô. Xã hội ngày càng trở nên ích kỷ. Ở Hoa Kỳ, dễ dàng nhận thấy rằng duy trì một công việc là một việc khó khăn. Theo Gallup, 85% người dân Hoa Kỳ căm ghét công việc của mình. Trở thành một người Mỹ là phải bền bỉ với sự kiên trì giống như Sisyphus — hoặc ít nhất đã từng là như vậy. Những người lao động trẻ tuổi tỏ ra kém kiên cường hơn so với các thế hệ trước. Tính kiên cường, vốn gắn liền mật thiết với sức khỏe tráng kiện và tinh thần hạnh phúc, bao gồm việc sở hữu khả năng không chỉ thích nghi với các tình huống mới, mà còn là sự kiên trì vượt qua nỗi đau. Tuy nhiên, giờ đây, thế hệ trẻ vẫn còn thiếu tính kiên trì. Với ít cam kết hơn với hôn nhân, ít cam kết hơn với cộng đồng và ít cam kết hơn với tôn giáo, hàng triệu người dân Hoa Kỳ ít cam kết hơn với ý tưởng về công việc. Đây là một xu hướng đáng lo ngại sâu sắc mà không có giải pháp rõ ràng.
Chú thích: (“thảng bình”–“tang ping” trong tiếng Quan thoại hoặc “lying flat”–“nằm thẳng” là một thuật ngữ nói về trào lưu vô dục vô cầu của thanh niên hiện nay, bao gồm ‘không mua nhà, không mua xe, không kết hôn, không sinh con, không chi tiêu,’ giảm dục vọng, từ chối trở thành một cỗ máy sinh lợi và nô lệ của người khác).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: