Văn hóa thần tượng của Trung Quốc gặp trở ngại khi Bắc Kinh mở rộng trấn áp Internet
Trong nhiều tháng, giới chức Trung Quốc đã trấn áp lĩnh vực Internet mạnh mẽ của nước này, nhắm mục tiêu vào một loạt các công ty về các vấn đề từ chống độc quyền đến bảo mật dữ liệu.
Giờ đây, các câu lạc bộ trực tuyến của fan hâm mộ người nổi tiếng là những trường hợp gần đây nhất cảm nhận được sức nóng [của cuộc đàn áp] này.
Cơ quan quản lý Internet hàng đầu của Bắc Kinh, trong một nỗ lực nhằm kiềm chế điều mà họ mô tả là văn hóa hâm mộ người nổi tiếng “hỗn loạn” của Trung Quốc, vào ngày 27/08 đã cấm các nền tảng xếp hạng mức độ được yêu mến của những người nổi tiếng và hạn chế việc bán những mặt hàng dành cho người hâm mộ.
Các hạn chế hiện đang được áp đặt lên các công ty quan hệ công chúng của người nổi tiếng, các tài khoản mạng xã hội của các câu lạc bộ người hâm mộ và các chương trình giải trí, trong đó, vào ngày 27/08, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã nêu ra hơn một chục hành vi mà họ coi là vượt quá giới hạn [pháp luật cho phép].
Các nền tảng hiện đã bị cấm xuất bản các danh sách về những người nổi tiếng, và các diễn viên và nghệ sĩ sẽ bị hạn chế trong cách họ quảng bá hàng hóa của mình tới người hâm mộ.
Các câu lạc bộ người hâm mộ có khả năng bị giải tán nếu họ lan truyền những gì mà nhà chức trách cho là “thông tin có hại” — chẳng hạn như tin đồn, ngôn từ lăng mạ, và các vụ bê bối của người nổi tiếng, thông báo hôm 27/08 cho biết.
Biện pháp hôm 27/08 là đỉnh điểm của một chiến dịch kéo dài hai tháng đã được tăng tốc kể từ tháng Sáu để “chấn chỉnh” văn hóa hâm mộ người nổi tiếng, dẫn đến việc xóa 150,000 “tin nhắn có hại” và hơn 5,000 tài khoản và nhóm bị cho là phạm luật.
Việc này cũng xảy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ bê bối của người nổi tiếng làm rung chuyển đại lục.
Tháng trước (07/2021), cảnh sát đã bắt giữ ngôi sao nhạc pop người Canada gốc Hoa Ngô Diệc Phàm sau cáo buộc cưỡng gian. Các nhóm người hâm mộ của nam ca sĩ này đã nhảy vào bảo vệ anh ta trên mạng xã hội. Hầu hết các tài khoản của những người hâm mộ này, cùng với các tài khoản trực tuyến của Ngô Diệc Phàm, sau đó đã bị cho dừng hoạt động.
Đầu tuần này (23-29/08), tên và thông tin chi tiết của nữ diễn viên tỷ phú Triệu Vy, đại sứ thương hiệu của hãng thời trang Ý Fendi tại Trung Quốc, đã biến mất khỏi các tác phẩm do cô đóng vai chính mà không rõ lý do. Một diễn viên khác, Trương Triết Hạn, gần đây cũng bị phong sát sau khi một bức ảnh chụp anh hồi ba tuổi đang tạo dáng tại đền Yasukuni ở Tokyo xuất hiện trên mạng.
Theo ước tính từ nền tảng phát trực tuyến Trung Quốc iQiyi, “nền kinh tế thần tượng” của quốc gia này trị giá khoảng 140 tỷ NDT. Cuộc đàn áp ngày càng mạnh tay của Bắc Kinh đối với các nghệ sĩ giải trí và văn hóa hâm mộ đã khiến những người làm trong ngành này phải rùng mình.
Hôm 27/08, Mango Excellent Media, một công ty đa phương tiện do nhà nước hậu thuẫn ở miền trung nam Trung Quốc, đã chứng kiến giá trị cổ phiếu của mình giảm 14%, trong điều mà một số hãng truyền thông Trung Quốc mô tả là dư chấn từ “trận động đất trong giới giải trí.”
Hàng chục diễn viên đã vội vã đưa ra các tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với chiến dịch của cơ quan quản lý, một cử chỉ đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc khi các công ty và nghệ sĩ tìm cách tránh rơi vào cuộc trấn áp ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân.
Một ngày trước thông báo của cơ quan quản lý Trung Quốc, iQiyi, một nền tảng giống Netflix, đã tạm dừng các chương trình “cuộc thi thần tượng” phổ biến cho phép người xem bình chọn cho các thí sinh bằng cách mua sản phẩm.
‘Tấm gương chính trị’
Bộ máy kiểm duyệt bao trùm toàn diện của Bắc Kinh kiểm duyệt bất cứ thứ gì mà họ cho là lệch lạc với các giá trị của Trung Cộng, cho dù đó là trò chơi điện tử, phim ảnh, chương trình truyền hình, hay âm nhạc.
Một cơn bão quy định kéo dài nhiều tháng đã đặt một dấu chấm hết cho ngành dạy thêm kiếm lời và tỉa bớt lông cánh của các đại công ty công nghệ như Alibaba và Didi.
Vào ngày mà cơ quan quản lý Internet nhắm mục tiêu vào việc thần tượng người nổi tiếng, họ cũng phát động một cuộc đàn áp khác đối với ngành công nghiệp “truyền thông tự thân” (“self-media”) đang phát triển tự do của nước này. Họ cáo buộc những người [làm] trong lĩnh vực “truyền thông tự thân,” người nổi tiếng trên mạng xã hội và các nhà bình luận về các vấn đề thời sự, đã “diễn giải theo những cách bóp méo các chính sách kinh tế” và “làm gián đoạn nghiêm trọng việc lan truyền thông tin trực tuyến.”
Đưa ngành công nghiệp giải trí vào khuôn phép là nước đi mới nhất của Bắc Kinh nhằm kiểm soát công luận, theo bà Cao Du (Gao Yu), một nhà bất đồng ý kiến và cựu ký giả Trung Quốc, người đã nhiều lần bị tống giam vì công việc đưa tin của mình.
Bà Cao nói với The Epoch Times: “Đảng Cộng sản Trung Quốc một tay cầm súng, còn tay kia thì cầm bút. Đây là cách họ nắm quyền và cách họ dự định củng cố quyền cai trị của mình.”
Theo bà Cao, với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang tìm cách bảo đảm nhiệm kỳ thứ ba của mình với tư cách là nhà cai trị tối cao, các biện pháp như vậy phục vụ cho việc thiết lập các thành tựu chính trị của ông để giới thiệu tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20 vào năm tới, một sự kiện diễn ra hai lần một thập kỷ để bầu ra vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng trong năm năm tiếp theo.
Bà Cao cho biết tham vọng hiện tại của ông Tập là đạt được “sự thịnh vượng chung.” Bắc Kinh từ lâu đã nói về “tứ đại sơn” — giáo dục, y tế, nhà ở và chăm sóc người cao tuổi đắt đỏ — những trở ngại đè nặng lên xã hội Trung Quốc và được cho là làm trầm trọng hơn khoảng cách giàu nghèo.
Bà Cao nói, “Tập Cận Bình muốn hạ gục ‘tứ đại sơn’ này. Ông ta có thể làm được điều đó hay không là một chuyện, nhưng đây là định hướng chính sách của ông ta và điều ông ta hy vọng sẽ trở thành một tấm gương chính trị.”
Vắt kiệt người giàu
Thuật ngữ “thịnh vượng chung,” được ca tụng từ những năm đầu của Trung Cộng với tư cách là mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, đã xuất hiện trở lại đáng chú ý trong năm vừa qua, kết hợp với một cuộc đàn áp mở rộng khiến khu vực tư nhân bị chấn động mạnh mẽ.
Một ngày sau khi ông Tập kêu gọi một sự hạn chế đối với [những người] “thu nhập quá cao,” tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent đã dành ra 50 tỷ NTD (7.7 tỷ USD) để ủng hộ cho cuộc vận động này. Hôm 24/08, công ty thương mại điện tử Pinduoduo đã cam kết quyên tặng toàn bộ lợi nhuận trong quý vừa qua, khoảng 372 triệu USD, cho các dự án phát triển nông thôn. Hồi tháng 07/2021, chủ tịch Lôi Quân (Lei Jun) của nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đã tặng số cổ phiếu trị giá hơn 2 tỷ USD của công ty này cho các tổ chức từ thiện.
Ông Hồ Bình (Hu Ping), một nhà bất đồng ý kiến người Hoa lưu vong ở New York và là tổng biên tập danh dự của tạp chí chính trị Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), nói, “Họ đang chi tiền để tránh thảm họa.” Ông cho biết thêm, Bắc Kinh “có nhiều cách để khiến người ta phải trả giá cao hơn” nếu họ từ chối tuân thủ.
Bà Cao cho biết, sự giàu có tích lũy được trong lĩnh vực giải trí khiến họ trở thành con mồi tự nhiên của Bắc Kinh. “Khi trở thành ngôi sao trong một chương trình [truyền hình], họ kiếm được số tiền mà người thường hy vọng cả một đời cũng không thể có được,” bà nói và lưu ý rằng bằng cách trừng phạt những nhân vật của công chúng có một lượng người theo dõi lớn, ông Tập sẽ có thể chứng minh được sự nghiêm khắc trong chiến dịch tranh cử của mình.
Một người từng là công chức ở Trung Quốc và nhân vật trên mạng xã hội, chỉ đồng ý tiết lộ họ của mình là Trần, cho biết những biện pháp này dù sao cũng không bền vững về lâu về dài.
“Không ai có cảm giác an toàn,” ông Trần nói với The Epoch Times. “Hôm nay anh là một tỷ phú, ngày mai anh có thể thấy mình bị bỏ tù.”
Theo ông, kết quả này “chỉ có thể là nghèo đói chung chứ không phải là thịnh vượng chung.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times, chuyên đưa tin về Mỹ-Trung, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: