Vấn đề Tiktok: Cần chống lại cái xấu theo cách phù hợp với Hiến Pháp Hoa Kỳ
Một khối đa số các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng đã bỏ phiếu áp đảo tại Hạ viện với tỷ lệ 352 phiếu thuận–65 phiếu chống để cấm TikTok, trừ phi công ty này thoái vốn, bán quyền sở hữu cho bên khác trong vòng năm tháng. TikTok hiện đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát và sự xấu xa của nền tảng này là minh chứng cho những hành động kiên quyết đó.
Vấn đề là dự luật thực thi tương ứng từ phía chính phủ nhằm hạn chế TikTok có thể trở thành một cửa hậu để đàn áp quyền tự do ngôn luận của những người phản đối sự chuyên chế của chính quyền. Nhiều người tin rằng đó đã là một thực tại, chứ không phải là phỏng đoán về tương lai.
Đầu tiên, ông Gordon Chang và những người khác hoàn toàn đúng về việc TikTok xấu xa đến mức nào. Thứ hai, những mối nguy hiểm đối với quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án thứ Nhất là gì? Thứ ba, Thượng viện và Hạ viện có thể thực hiện những thay đổi nào trong cuộc họp nhằm giải đáp những lo ngại chính đáng về các mối nguy hiểm đối với quyền tự do ngôn luận?
Dân biểu Tom McClintock (Cộng Hòa-California), một người theo chủ nghĩa hợp hiến nhiệt thành, cho biết: “Chúng ta nên bảo vệ sự tranh luận tự do và cởi mở mà Tu chính án thứ Nhất bảo vệ. … Cách tốt nhất để phân biệt giữa sự thật và dối trá là đặt cả hai điều này cạnh nhau và tin rằng mọi người sẽ nhận ra sự khác biệt. Điều cuối cùng chúng ta nên làm là tước bỏ quyền đó KHỎI người dân và trao cho chính phủ. … Câu trả lời cho tuyên truyền kiểu ĐCSTQ KHÔNG phải là sự áp bức kiểu ĐCSTQ. Chúng ta hãy GHÌM LẠI trước khi TRƯỢT xuống con dốc thăm thẳm và trơn trượt này.”
Thông tin sai lệch của ngoại quốc sẽ không được khắc phục bằng một bộ máy quan liêu — như KGB, Gestapo, Stasi, hay DGI của Cuba — vốn chống lại quyền tự do ngôn luận của người Mỹ hơn là đáp trả tuyên truyền của ngoại quốc. Chính phủ nên nhắm đến các địch thủ ngoại quốc hơn là những người Mỹ với tiếng nói tự do.
Mà điều đặc biệt là, tại sao lại phải quan tâm nhiều đến TikTok, một nền tảng mạng xã hội? Chà, là vì nền tảng này có mặt khắp mọi nơi, với 170 triệu người dùng tại Mỹ; và nó là thú vui ưa thích của Thế hệ Z. Gen Z hầu như chỉ thực hiện tìm kiếm trên TikTok.
Thế thì đã sao?
Sự kiểm soát của ĐCSTQ
ĐCSTQ kiểm soát nhân viên của TikTok và nội dung của nền tảng này, thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị và thu thập lượng dữ liệu khổng lồ về hàng triệu công dân.
TikTok và công ty mẹ ByteDance của nền tảng này đang sử dụng khoảng 300 nhân viên trực tiếp từ truyền thông nhà nước của ĐCSTQ. Các nhân viên tại Mỹ làm việc vào đêm khuya của TikTok được yêu cầu báo cáo với các cấp trên của họ ở Bắc Kinh, chứ không phải với các cấp trên của họ tại Mỹ.
ĐCSTQ đã nhúng tay sâu vào ByteDance, trực tiếp kiểm soát không chỉ phiên bản tiếng Trung Douyin của TikTok, mà còn cả phiên bản TikTok Hoa Kỳ. TikTok hiện đang phát tán những nội dung độc hại vốn bị cấm đối với giới trẻ Trung Quốc trên Douyin.
Ảnh hưởng
Ông Matt Pottinger, phó Cố vấn An ninh Quốc gia thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, một cựu quan chức thông thạo tiếng Quan thoại, đã nhận xét rằng TikTok là một trong những vũ khí lớn nhất của ĐCSTQ để chia rẽ người Mỹ và “khiến chúng ta mất niềm tin vào mô hình chính phủ của mình.”
TikTok bị cáo buộc đã phát tán một video kêu gọi xả súng tại trường học. TikTok phát các video tuyển dụng của các băng đảng ma túy nhằm thu hút thanh niên Mỹ.
Ông Jorge Esparza thuộc Sở Cảnh sát trưởng Quận Brooks cho biết: “[Họ] khoe có rất nhiều tiền, họ khoe uống rất nhiều rượu, tiệc tùng vô độ.”
TikTok chạy quảng cáo ở Hoa Kỳ, tự xưng mình là một doanh nghiệp Mỹ yêu nước chứ không phải là một công cụ để làm hư hỏng giới trẻ Mỹ của Bắc Kinh.
TikTok có những người hâm mộ và những người vận động hành lang. Bộ trưởng Thương mại của chính phủ Tổng thống Biden, bà Gina Raimondo, đã mạnh mẽ biện minh cho giá trị của TikTok đối với Đảng Dân Chủ khi nói rằng: “Người chính trị gia trong tôi nghĩ rằng quý vị sẽ mất tất cả cử tri dưới 35 tuổi theo đúng nghĩa trên mặt chữ, một cách vĩnh viễn… Dù tôi có ghét TikTok đến mức nào… nó phục vụ trẻ em; quý vị biết đấy, đây là đất Mỹ.”
Tổng thống Joe Biden đã vận động tranh cử trên TikTok.
TikTok đã thuê SKDK để vận động hành lang Quốc hội bằng cách sử dụng các cựu quan chức hàng đầu trong chính phủ Tổng thống Biden — cố vấn chính trị Anita Dunn cũng như các tham vụ báo chí Kate Berner, Herbie Ziskend, Sabrina Singh, và Tyler Cherry của ông Biden.
Dữ liệu
Buzzfeed đưa tin cho biết, các đoạn ghi âm bị rò rỉ từ hơn 80 cuộc họp nội bộ đã chứng minh rằng các nhân viên của TikTok tại trụ sở ở Trung Quốc đã liên tục truy cập vào dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ.
TikTok cung cấp cho Bắc Kinh dấu vân tay và giọng nói của người Mỹ, đồng thời ngăn chặn những người chỉ trích ĐCSTQ. Theo Malwarebytes Lab, TikTok thu thập địa chỉ IP và dữ liệu về những lần nhấp chuột, nội dung đánh chữ, và tìm kiếm của người dùng. TikTok có khả năng giám sát và kiểm duyệt hơn 100 triệu điện thoại thông minh và máy điện toán của Mỹ.
Ông Brendan Carr, ủy viên Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) do cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm, đã tweet rằng: “TikTok không chỉ là một ứng dụng video như bao ứng dụng khác. Đó là bộ lốt cừu. TikTok thu thập hàng loạt dữ liệu nhạy cảm… được truy cập ở Bắc Kinh bằng cách sử dụng một trình theo dõi được nhúng vào, ‘pixel.’”
Nguy cơ chính phủ xâm phạm quyền tự do ngôn luận
Việc chính phủ thực thi lệnh cấm TikTok tiềm ẩn những nguy cơ đã từng xảy ra tại Mỹ. Ký giả Matt Taibbi và tác giả Michael Shellenberger đã phơi bày những cơ quan chính phủ hoạt động bằng tiền của người đóng thuế đã tài trợ cho một “tổ hợp công nghiệp-kiểm duyệt.”
Ông Taibbi cho biết mối liên hệ giữa các cơ quan chính phủ và các bên làm việc thay mặt trong khu vực tư nhân — và việc kiểm duyệt của họ — mang tính chất giống như “chủ nghĩa McCarthy kỹ thuật số.”
Vào mùa thu năm 2020, Bộ An ninh Nội địa đã thành lập Ban Quản lý Thông tin sai lệch, cơ quan này đã dễ dàng bị phơi bày là đang làm việc như một “Bộ Sự thật” để kiểm duyệt “thông tin sai lệch.” Vì vậy, Ban Quản lý Thông tin sai lệch này đã bị tạm dừng, đổi tên, và tổ chức lại thành Trung tâm Ảnh hưởng Gây hại từ Ngoại quốc (FMIC).
Lực lượng nhân sự ngày càng mở rộng của FMIC đã quy tụ các cơ quan quân sự, thực thi pháp luật, tình báo, và ngoại giao. Ông Taibbi đã xác định được một số cơ quan kiểm duyệt gần như thuộc khu vực tư nhân và thường được người đóng thuế tài trợ — Dự án Liêm chính Bầu cử của Stanford, Newsguard, và Chỉ số Thông tin sai lệch Toàn cầu.
Tờ New York Times đã đứng về phía ĐCSTQ khi yêu cầu TikTok kiểm duyệt những người Mỹ phàn nàn về tính liêm chính trong bầu cử. Và TikTok, một tổ chức hoàn toàn thuộc sở hữu của ĐCSTQ, đã hoan nghênh lời mời gọi này khi kiểm duyệt cái gọi là các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử năm 2022.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines đã biện minh cho FMIC và nghị trình trong nước của tổ chức này, nói rằng cơ quan này đang đối phó với sự can thiệp của ngoại quốc vào các cuộc bầu cử cũng như những thông tin sai lệch trong nước.
Trong khi FMIC được giao nhiệm vụ chống lại sự can thiệp của ngoại quốc vào các cuộc bầu cử, thì tổ chức này lại hướng tới thông tin sai lệch ở bên trong Hoa Kỳ. FMIC đã trợ giúp Trung tâm Gắn kết Toàn cầu (GEC), một cơ quan được tài trợ tốt của Bộ Ngoại giao, nhắm tới chống thông tin sai lệch trong nước.
Tương tự như vậy, Cơ quan An ninh mạng và An ninh Cơ sở hạ tầng (CISA), được thành lập vào năm 2018 và có khoản ngân sách khổng lồ 3 tỷ USD, đã chuyển sự tập trung của mình từ các nhóm ngoại quốc sang an ninh bầu cử trong nước, “một cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia.” Điều được xem là vấn đề ở đây là những ngôn luận và hiệp hội không mong muốn của người Mỹ.
CISA là một cơ quan chính phủ, nhưng lại liên minh một cách bất hợp pháp với các tập đoàn, trường đại học, và trung tâm nghiên cứu, bao gồm cả Đối tác Liêm chính Bầu cử (EIP) của Stanford, để kiểm duyệt ngôn luận.
Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho công việc kiểm duyệt của Viện Aspen và Stanford. EIP của Stanford có “quan hệ đối tác” với các cơ quan chính phủ khác — Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao, và Trung tâm Gắn kết Toàn cầu của Bộ Ngoại giao — để “gán nhãn” cho những thông tin sai lệch cụ thể. Tờ New York Post đưa tin tiết lộ các thư điện tử cho thấy nhóm “thông tin sai lệch” EIP của Stanford đã làm việc với CISA để kiểm duyệt người Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2020.
Bà Jen Easterly, giám đốc CISA, tuyên bố rằng việc tập trung vào thông tin sai lệch sẽ bảo vệ “cơ sở hạ tầng nhận thức” của Mỹ. CISA đã bị thách thức về mặt nhận thức. Cố vấn đến từ EIP thuộc Stanford Kate Starbird của CISA và cựu cố vấn pháp lý Suzanne Spaulding của CIA đã khuyến nghị nhắm mục tiêu vào “thông tin sai lệch,” những thông tin đúng về mặt thực tế nhưng “gây hiểu lầm.” Còn sự thật thì không hề quan trọng.
Tiếp theo là FBI. FBI đã sử dụng các bên đáng kinh ngạc để làm việc thay mặt cho mình — Liên minh Bảo vệ Dân chủ (ASD), Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED), Viện Aspen, và đáng chú ý nhất là Trung tâm Luật Nghèo khó Miền Nam (SPLC).
Trong báo cáo mang tên “Năm của Sự thù nghịch và Chủ nghĩa cực đoan” vào năm 2022 của mình, SPLC đã gán nhãn cho hàng chục nhóm bảo vệ quyền cha mẹ là cực đoan, chẳng hạn như Moms for Liberty (Các Bà Mẹ Vì Tự Do). Làm theo hướng dẫn của SPLC, Bộ Tư Pháp và FBI đã xem các bậc cha mẹ như những kẻ khủng bố. Tổng Chưởng lý Merrick Garland đã nhắm đến Moms for Liberty vì nhóm này lên án việc chính phủ khuyến khích các chương trình giảng dạy chống lại người da trắng và chống xu hướng tính dục dị tính.
Trong một vụ án của FBI, Tối cao Pháp viện đã nhất loạt phán quyết chống lại việc FBI bí mật liệt kê 2 triệu người Mỹ vào diện cần được xem xét kiểm duyệt.
Thẩm phán Amy Coney Barrett cho biết FBI “đang cố gắng thuyết phục một bên làm trung gian cho phát ngôn gỡ bỏ một phát ngôn riêng tư của bên thứ ba… được bảo vệ bằng phán quyết với ngôn ngữ đơn giản rõ ràng trong vụ Norwood (kiện Harrison)” và đây là “sự cắt xén ngôn luận.”
Trích dẫn phán quyết của án lệ đó, bà Barrett cho biết, “Một tiểu bang không được xúi giục, khuyến khích, hoặc thúc đẩy các cá nhân hoàn thành những gì mà Hiến Pháp ngăn cấm hoàn thành.”
Twitter, Facebook, Google cùng các công ty khác đã chấp nhận “yêu cầu” kiểm duyệt từ mọi cơ quan chính phủ. Bằng cách sử dụng Facebook và Twitter, Tổng thống Biden đã đơn phương vô hiệu hóa các công cụ phòng thủ chiến tranh thông tin của Hoa Kỳ trước ĐCSTQ, và thay vào đó tiến hành một chiến dịch đưa thông tin sai lệch để chống lại các đối thủ chính trị của ông bên trong Hoa Kỳ.
Trước thời tỷ phú Elon Musk, “các nhà quản lý” nội dung của Twitter thường xuyên chia sẻ các bảng excel của FBI và các cơ quan chính phủ khác chứa tên họ cụ thể của hàng ngàn người mà các cơ quan chính phủ muốn kiểm duyệt.
Ông Musk phát hiện ra rằng các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ có toàn quyền truy cập vào tin nhắn riêng tư của người dùng Twitter. Hiến Pháp Hoa Kỳ yêu cầu phải có trát lệnh thì mới được theo dõi công dân.
Về phần Viện Aspen, tổ chức này ủng hộ việc trao cho Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) toàn quyền truy cập vào dữ liệu trên mạng xã hội để giám sát các nền tảng mạng xã hội. Vì “lợi ích công cộng,” FTC chấp nhận hạn chế thông tin sai lệch, thậm chí với cái giá phải trả là quyền tự do ngôn luận.
Đâu là câu trả lời?
Các cuộc tranh luận tại Thượng viện đã xoay quanh việc kéo dài thời gian bán lại TikTok, việc tìm kiếm người mua, và việc liệu có cho phép người ngoại quốc mua hay không.
Làm việc với Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia) đã đề nghị cho ByteDance thêm thời gian để bán TikTok.
Phản đối quyền sở hữu từ ngoại quốc, Thượng nghị sĩ Ben Cardin (Dân Chủ-Maryland) chia sẻ với tờ Washington Examiner rằng, “Tôi nghĩ tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu không có quyền sở hữu ngoại quốc.”
Thượng nghị sĩ Ron Wyden (Dân Chủ-Oregon) cho biết, “Cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ người Mỹ khỏi các chính phủ ngoại quốc.”
Ông Wyden đã giận dữ lên án cựu Bộ trưởng Ngân khố Steve Mnuchin vì đã tìm kiếm các nhà đầu tư ngoại quốc, có thể là người Saudi.
Ông Rubio lập luận rằng vấn đề thực sự là “chúng ta đang tìm kiếm một người không tuân theo luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh.” Ông muốn các thượng nghị sĩ đồng sự hiểu “mối đe dọa… rằng ByteDance có thể được sử dụng như một vũ khí chống lại Hoa Kỳ thông qua chiến tranh thông tin.”
Tương tự, ông Warner nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ đang cố gắng bảo đảm rằng cuối cùng quyền kiểm soát đó không thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Thật không may, cuộc tranh luận này nhìn chung đã bỏ qua vấn đề tự do ngôn luận. Mặc dù yêu cầu thoái vốn khỏi quyền sở hữu Trung Quốc chưa phải là một lệnh cấm hoàn toàn, nhưng các mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận từ chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan kiểm duyệt của chính phủ vẫn tồn tại, cũng như các mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Câu trả lời vừa đơn giản vừa phức tạp. Các cơ quan chính phủ nên chuyển hướng mũi nhọn của họ sang việc chống thông tin sai lệch từ ngoại quốc thay vì chống quyền tự do tự nhiên và quyền tự do ngôn luận theo Hiến Pháp.
Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ đã tiến hành chiến tranh chính trị “không giới hạn” và ngấm ngầm nhắm vào Hoa Kỳ trong nhiều thập niên mà không có bất kỳ phản ứng đáng kể nào. Vấn đề là có quá nhiều cơ quan chính phủ không quan tâm và phản đối lại việc tiến hành ngay cả một cuộc chiến phòng thủ chỉ để nhằm giải đáp những thông tin sai lệch.
Họ đã từ bỏ các nghĩa vụ theo Hiến Pháp, luật định, và đạo đức của mình và quay sang tấn công những người đồng hương Mỹ quốc của họ, những người mà chỉ đang thực hiện các quyền tự nhiên và quyền hiến định của họ.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times