Vấn đề không chỉ là Tập Cận Bình mà là chủ nghĩa cộng sản
Đối với những người cộng sản và chiến hữu của họ, chân lý là bất kỳ đường lối nào mà đảng [của họ] hiện đang ban hành – nghĩa là cho đến khi có một đường lối mới thay thế nó.
Đây là chủ đề của cuốn tiểu thuyết vĩ đại “1984” của tác giả George Orwell. Nhân vật chính, Winston Smith, làm việc tại Bộ Sự thật, liên tục sửa đổi hồ sơ lịch sử để phù hợp với bất kỳ đường lối hiện hành nào của đảng. Đặc biệt, những ai là đối tượng thanh trừng đều bị xóa sổ hoàn toàn, như là họ chưa từng tồn tại.
Sự thật đã được gói ghém một cách chính xác theo cách này ở Trung Quốc Cộng sản một cách liên tục và xuyên suốt kể từ năm 1949, [và] từ khi Liên Xô ra đời cho đến khi Liên Xô sụp đổ cũng giống như thế. Theo đó, khi cảnh sát trưởng bí mật của Joseph Stalin, Lavrentiy Pavlovich Beria, bị những người kế nhiệm của ông ta xử tử, những người ghi danh sử dụng Từ điển Bách khoa Toàn thư Liên Xô Vĩ đại sẽ nhận được hướng dẫn để thay thế các trang ca ngợi ông Beria bằng tài liệu bổ sung về Biển Behring. Cảnh sát trưởng Beria đã hoàn toàn bị xóa sổ.
Nhưng thực tế là kẻ thù của mỗi chế độ cộng sản và mọi chế độ cộng sản chính là sự thật, cũng như các giá trị và nguyên tắc khác của xã hội văn minh, đặc biệt là cái tư tưởng cốt lõi của Tuyên ngôn Độc lập. Đây không chỉ là của người Mỹ. Theo Thủ tướng Winston Churchill, sau Đại Hiến chương (Magna Carta) và Luật về các Quyền của Anh Quốc (English Bill of Rights), Tuyên ngôn Độc lập này là văn kiện pháp lý lớn thứ ba mà trên cơ sở đó, quyền tự do của những người nói tiếng Anh, [giá trị] cốt lõi của phương Tây, được thiết lập.
Bản tuyên ngôn này nêu lên nguyên tắc căn bản rằng con người được Tạo hóa ban cho một số quyền bất khả xâm phạm, một nguyên tắc không phù hợp với chủ nghĩa cộng sản, dù ai là người lãnh đạo tối cao đi nữa.
Vế sau mới là quan trọng. Cái mà chúng ta có thể gọi là “Nhóm Vận động Hành lang cho Trung Quốc Cộng sản” – một nhóm gây áp lực mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia dân chủ – lấy cớ nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là nguồn cơn duy nhất của những rắc rối hiện nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Không phải vậy, ngọn nguồn của tai họa này là chủ nghĩa cộng sản. Một ví dụ minh họa đáng ghê sợ đó là, ngành kinh doanh phi nhân tính nội tạng của những người khỏe mạnh trị giá hàng tỷ dollar đã tồn tại từ lâu trước khi ông Tập lên nắm quyền.
Thực tế là chủ nghĩa cộng sản đã và luôn luôn xa lạ với nền văn minh. Chúng ta không thể trông cậy rằng các chế độ cộng sản sẽ hành xử một cách phù hợp hoặc đáng trọng vọng. Chúng ta không thể tin tưởng vào lời nói của họ, ngay cả trong những vấn đề căn bản nhất.
Lấy số liệu thống kê về COVID-19 mà ĐCSTQ chịu trách nhiệm làm ví dụ.
Chúng ta được biết rằng số ca tử vong do loại virus này ở Úc, quốc gia có 26 triệu dân, sẽ sớm vượt xa so với Trung Quốc Cộng sản có dân số hơn 1.4 tỷ người.
Rõ ràng, không một người khôn ngoan nào lại đi coi trọng số liệu thống kê hoặc lời nói của họ, nhất là một lời khuyên mà kỳ lạ ở chỗ nó dường như không được áp dụng bất cứ khi nào có chủ đề là giảm lượng khí thải CO2.
Tương tự như vậy, bất kỳ người khôn ngoan nào chắc hẳn sẽ chờ đợi một phản ứng thù địch khi họ đòi hỏi một sự thật vốn sẽ phơi bày một vấn đề khiến những người cộng sản này lúng túng, như trường hợp xảy ra khi Úc dám đề nghị một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch.
Sai lầm duy nhất của Úc là đã cho phép Tổ chức Y tế Thế giới, một tổ chức chịu ảnh hưởng nặng nề của ĐCSTQ, tiến hành một cuộc điều tra.
Lẽ ra Úc nên đề nghị với chính phủ Hoa Kỳ tiền nhiệm trước đây để thành lập một tòa án quốc tế độc lập đặc biệt nhằm điều tra nguồn gốc của dịch bệnh, đánh giá nghĩa vụ pháp lý và các thiệt hại, nếu thích hợp.
Nếu tiền bồi thường thiệt hại đã được phán quyết nhưng không được hoàn trả, luật pháp có thể buộc họ phải đền bù bằng những tài sản tại Úc đang nằm dưới sự kiểm soát tối cao của quốc gia có tội – như Cảng Darwin chẳng hạn.
Khi Úc đang phải chịu sự trừng phạt kinh tế ngày càng gia tăng và trái pháp luật từ Bắc Kinh để trả đũa cho lời kêu gọi của họ về một cuộc điều tra, thì ĐCSTQ sẽ không thể làm gì nhiều hơn nếu chúng ta thu giữ những tài sản đó để đáp ứng một phán quyết quốc tế hợp pháp. Ít nhất cũng có thể thu hồi được một loạt các tài sản chiến lược và giá trị lớn.
Vấn đề là chúng ta không những không thể tin cậy vào thông tin hay sự thật từ chế độ này, mà họ còn kiểm soát một lãnh thổ nơi không hề có pháp quyền, không có nhân quyền, và không có sự bảo vệ quyền của người lao động.
Vấn đề này không bắt nguồn từ ông Tập; nó đã thịnh hành từ năm 1949.
Với sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự sụp đổ của các chế độ độc tài cộng sản ở Âu Châu, thì mục tiêu vĩnh viễn của ĐCSTQ là tránh một số phận tương tự.
Nhà lãnh đạo tối cao đương thời là Đặng Tiểu Bình đã tận dụng Chính sách Kinh tế Mới của cựu lãnh đạo Liên Xô Vladimir Lenin (NEP) từng cứu Liên Xô thoát khỏi sự sụp đổ sớm vào năm 1922. Ông ta đã đi theo Lenin và đưa ĐCSTQ hướng tới một “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” theo “chủ nghĩa cộng sản đặc sắc Trung Hoa.”
Lenin không bao giờ có ý định xem NEP là vĩnh viễn. Những ngôn từ của ông ta đã bộc lộ ý định thực sự của các nhà cộng sản đó là: “Các nhà tư bản sẽ bán cho chúng ta một sợi dây để treo cổ họ.” Đó là điều mà họ đã làm, qua việc Stalin đảo ngược hướng đi, xã hội hóa nền kinh tế, cưỡng chế quốc hữu hóa đối với kẻ địch giai cấp, bao gồm cả việc cưỡng chế thu thuế đối với những phú nông, và dùng nạn đói để thanh trừng họ một cách tàn bạo.
Đặng Tiểu Bình có nhiều thứ để chào mời phương Tây hơn là Lenin. Đó là thứ đã làm lóa mắt giới tinh hoa phương Tây, một thị trường với 1/5 dân số thế giới.
Cựu TT Bill Clinton đã đánh cược khi chào đón Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2000. Hơn thế, ông ta đã cho phép họ tiếp cận mà không có biện pháp bảo vệ căn bản nhất để bảo đảm họ không thể làm những gì mà những người cộng sản thường làm đó là: bỏ qua các luật lệ, đánh cắp, hoặc cưỡng ép bòn rút một thứ gì đó giá trị hơn nhiều – thậm chí lớn hơn cả con số 85 tỷ USD giá trị những vũ khí hiện đại gần đây đã tặng cho Taliban – đó là danh mục tài sản trí tuệ khổng lồ của Hoa Kỳ.
Từ Âu Châu đến Úc Châu, các nhà lãnh đạo phương Tây và các doanh nghiệp lớn đã mù quáng làm theo.
Kết quả là, những người thuộc giới tinh hoa này đã cứu một chế độ chuyên chế thoát khỏi số phận mà cố TT Ronald Reagan và bà Margaret Thatcher đã mang lại cho Liên Xô.
Họ đã phản bội những người lao động Mỹ, Úc, và phương Tây bằng cách đóng cửa và chuyển các ngành công nghiệp của họ sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính những tầng lớp tinh hoa này lại bị những người cộng sản lừa dối quá thường xuyên, những kẻ đã lừa dối họ mọi lúc mọi nơi và cho phép các quốc gia của họ trở nên phụ thuộc vào ĐCSTQ.
Chỉ dưới thời chính phủ tiền nhiệm của Hoa Kỳ, thì xu hướng này mới bị đảo ngược trong một thời gian ngắn.
Giờ đây, từ Mỹ quốc đến Âu Châu và Úc, cũng chính cái Nhóm Vận động Hành lang cho Trung Quốc Cộng sản này, những người mong muốn ngành công nghiệp phương Tây quay trở lại Trung Quốc, đang nỗ lực hết mình để khôi phục lại sự phụ thuộc này. Họ đưa ra một lời biện minh đồng dạng cho điều này. Họ nói rằng, vấn đề này chỉ là tạm thời. Vấn đề này sẽ trôi đi khi mà qua cái thời của lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình.
Tỷ phú George Soros đã trở thành nhân vật nổi bật nhất, ông cảnh báo rằng quyết định rót “hàng tỷ dollar vào Trung Quốc của nhà quản lý tài sản hàng đầu Blackrock hiện nay là một sai lầm tai hại… có thể làm mất tiền của các khách hàng của BlackRock.” Tuy nhiên, ông Soros cho rằng vấn đề này là do tham vọng và chính sách của ông Tập.
Các cựu thủ tướng Úc từ hai phe đối lập là ông Kevin Rudd và ông Malcolm Turnbull cũng có cùng quan điểm là quy vấn đề về chỗ ông Tập.
Nhưng sự thật thì đó không phải là vấn đề căn bản.
Vấn đề không nằm ở chỗ là ai là người lãnh đạo tối cao. Vấn đề ở đây, vẫn luôn là thế, chính là “con vi khuẩn gây dịch bệnh” xấu xa đó, chính là chủ nghĩa cộng sản.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông David Flint là giáo sư luật danh dự, được biết đến với vai trò lãnh đạo của tổ chức người Úc theo Chế độ Quân chủ Lập hiến và nhiệm kỳ là người đứng đầu Cơ quan Phát thanh Truyền hình Úc. Ông cũng là cựu chủ tịch của Hội đồng Báo chí Úc và Hiệp hội các Hội đồng Báo chí Thế giới.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: